NHNN đảm bảo không thiếu tiền ATM dịp Tết
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 13:55, 26/12/2013
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: NHNN đã chỉ đạo giám đốc NHNN tại các tỉnh, thành phố chuẩn bị đầy đủ tiền và cung cấp cho các ngân hàng thương mại để đáp ứng nhu cầu của người dân, tránh tình trạng các máy ATM đều hết tiền trong dịp Tết.
Không thiếu tiền mặt trong dịp Tết
Phó Thống đốc NHNN cho biết, kế hoạch in ấn, lưu hành tiền để cung ứng đầy đủ cho các địa phương trong dịp Tết 2014 đã chuẩn bị xong, đặc biệt là tại những khu vực tập trung đông đúc dân cư như TP.HCM và Hà Nội.
"Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng tại các địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai... nhu cầu là rất lớn. Những ngày Tết thường sẽ rất cao điểm nên với lượng máy ATM hiện nay, để đáp ứng được hết nhu cầu là một nhiệm vụ khó khăn đã và đang đặt ra.
Việc thu phí ATM hiện nay mới chỉ là những chi phí ban đầu chứ chưa đủ để nâng cấp, lắp đặt thêm các máy ATM khác. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã đưa ra những biện pháp để tránh tình trạng quá tải tại các máy ATM như: đề nghị các công ty giãn lương, không trả lương cùng một lúc để giảm tải nhu cầu rút tiền ATM; hoặc tạo điều kiện cho người lao động đến ngân hàng trực tiếp rút tiền..." - ông Tú nói.
Phó Thống đốc NHNN cũng thông tin thêm, hiện NHNN đã chỉ đạo giám đốc NHNN tại các tỉnh, thành phố chuẩn bị đầy đủ tiền và cung cấp cho các ngân hàng thương mại để đáp ứng nhu cầu của người dân, tránh tình trạng các máy ATM đều hết tiền.
Hạn chế in tiền mệnh giá nhỏ để tránh lãng phí 300 tỷ đồng
Liên quan đến một trong những nhu cầu tương đối lớn của người dân vào mỗi dịp Tết là nhu cầu đổi tiền lẻ, đại diện NHNN cho biết, Tết 2014, NHNN sẽ hạn chế in tiền mệnh giá dưới 2.000 đồng và thay vào đó chủ yếu sử dụng lượng tiền mệnh giá nhỏ vẫn còn rất nhiều trong kho.
NHNN cho biết sẽ hạn chế in tiền lẻ để tránh lãng phí (Ảnh minh họa) |
"Với tiền mệnh giá từ 5.000 đồng trở lên thì vẫn như mọi năm, còn tiền mệnh giá 2.000 đồng trở xuống sẽ in hạn chế để tránh lãng phí. Bởi chi phí cho việc tổ chức in ấn và đưa ra lưu thông rơi vào khoảng 300 tỷ đồng, đó là chưa kể những chi phí khác như bảo quản, vận chuyển. Đây là một số tiền rất lớn mà chúng ta có thể sử dụng vào nhiều mục tiêu khác.
Bên cạnh đó, tiền mệnh giá nhỏ hiện nay chỉ có một phần là được dùng làm phương tiện thanh toán. Số còn lại được sử dụng chủ yếu cho các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng, được rải khắp các đền chùa. Điều này đã tạo ra hình ảnh phản cảm, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của di tích, làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa và làm xấu đi hình ảnh đồng tiền Việt Nam. Vì vậy không thể in tiền mệnh giá nhỏ để phục vụ cho cho nhu cầu không đúng này" - Phố Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Theo ông Tú, nhu cầu tiền mệnh giá nhỏ tăng cao cũng chính là nguyên nhân làm phát sinh loại hình kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch nhằm trục lợi cá nhân, ảnh hưởng đến lưu thông tiền tệ.
"Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Mỹ Đức - Hà Nội cho tôi biết rằng, trong một năm, lượng tiền mệnh giá nhỏ tại Chùa Hương mang đến đổi là 1.200 bao tiền, trị giá gần 22 tỷ. Trong khi đó, xe ô tô loại lớn của chúng tôi chỉ chở được khoảng 100 bao tiền mỗi chuyến. Ngoài ra còn phải bỏ chi phí để phân loại, cất giữ, bảo quản lượng tiền này trong kho thì tính ra sẽ tốn kém mức nào?" - ông Tú nói.
Duyên Duyên