Việt Nam có 110 người siêu giàu
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 17:23, 08/07/2014
Việt Nam đã đạt được sự "chia sẻ thịnh vượng"
Đây là thông tin trong Báo cáo điểm lại về tình hình bất bình đẳng ở Việt Nam. Báo cáo là một điểm nhấn chính trong Lễ công bố Báo điểm lại của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, diễn ra chiều ngày 8.7.
Ông Gabriel Demombynes, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, đi kèm với bất bình đẳng thu nhập gia tăng vừa phải. Trong khi đó, so sánh với nhiều nước khác trên thế giới, ví dụ như Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế thường đi kèm với bất bình đẳng thu nhập gia tăng mạnh mẽ.
Hiện nay, theo ông Gabriel Demombynes, có rất ít dữ liệu về những người giàu nhất ở Việt Nam. Nguồn dữ liệu chính là khảo sát về mức sống hộ gia đình ở Việt Nam, tuy nhiên không đầy đủ. Chuyên gia của WB đã sử dụng số liệu báo cáo về người siêu giàu trên thế giới của các công ty tư vấn trên thế giới.
Theo đó, ước tính tại Việt Nam có khoảng 110 người siêu giàu theo tiêu chuẩn của thế giới (có tài sản 30 triệu USD trở lên) vào năm 2013, so với con số 34 người năm 2003. Báo cáo đánh giá, so với các nước có mức thu nhập tương tự, con số này ở Việt Nam là bình thường, không có gì vượt trội.
WB đo lường mức độ “chia sẻ thịnh vượng” bằng tỷ lệ tăng trưởng thu nhập bình quân của nhóm 40% dân số nghèo nhất. Tại Việt Nam, trong giai đoạn từ 1993 – 2012, thu nhập bình quân của nhóm 40% dân số nghèo nhất tăng trưởng 9%/năm. Đây là một trong những tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trên thế giới của nhóm 40% dân số nghèo nhất.
Vì vậy, Việt Nam được đánh giá là đã đạt được sự “chia sẻ thịnh vượng”, đạt được mức “tăng trưởng vì mọi người”, ông Gabriel Demombynes cho biết.
Lo lắng về chênh lệch giàu nghèo "không chính đáng"
Tuy nhiên, tình trạng bất bình đẳng vẫn gây lo lắng, cho dù tăng trưởng kinh tế khả quan. Một trong những bất bình đẳng được chuyên gia Gabriel Demombynes nhấn mạnh là bất bình đẳng cơ hội, khi mà hoàn cảnh xuất thân của trẻ em ảnh hưởng lớn đến những cơ hội trong cuộc sống, về dinh dưỡng, vệ sinh và giáo dục, đặc biệt là khoảng cách ở vùng nông thôn và thành thị.
Đồng thời, cuộc khảo sát do WB và Viện Khoa học Lao động và Xã hội tiến hành về nhận thức bất bình đẳng cho thấ,y đại đa số đối tượng khảo sát cho biết họ lo lắng về sự chênh lệch mức sống ở Việt Nam.
Người dân thành thị là đối tượng lo lắng nhiều nhất, bởi họ nhận thấy sự chênh lệch ngày một nhiều. Đặc biệt, chênh lệch giữa người giàu và người nghèo gây lo lắng nhiều hơn khi đối tượng khảo sát cho rằng chênh lệch này được tạo ra bởi “các hành vi không chính đáng”.
Hoàng Yến - Thời báo Tài Chính