Bất động sản TP.HCM: Các doanh nghiệp mới nổi trỗi dậy mạnh mẽ

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 12:53, 06/08/2015

Những năm 2007 - 2010, thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và bất động sản TP.HCM nói riêng từng phát triển quá nhanh, do đó đã tạo nên nhiều “đại gia” có tiềm lực. Từ năm 2011 đến nay, thị trường bất động sản bước vào giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, trong bối cảnh này đã xuất hiện không ít gương mặt mới nổi với sự phát triển mạnh mẽ.
Novaland
Nổi lên thông qua hoạt động M&A, đến nay Novaland đã và đang phát triển hàng chục dự án bất động sản lớn nhỏ với dòng sản phẩm căn hộ trung cao cấp.
Năm 2014, Novaland đã bán thành công 3.000 căn hộ. Hầu hết nguồn hàng này đều nằm trong danh mục những dự án mà tập đoàn này đã mua lại từ đối tác khác như Galaxy 9, Lexington Residence, Icon 56…Trong khi đó, năm 2015 đơn vị này cũng đặt mục tiêu tăng gấp đôi lượng căn hộ bán ra thị trường lên 6.000 căn.
Hưng Thịnh Land
Một tên tuổi khác cũng đang trở thành một “thế lực mới” trong lĩnh vực bất động sản TP.HCM khi công bố hàng loạt dự án mới là Hưng Thịnh Land.
Đây là doanh nghiệp khởi đầu bằng môi giới, nhưng đến thời điểm này, Hưng Thịnh là doanh nghiệp được xem là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong cả hai lĩnh vực môi giới và đầu tư.
Ngoài việc đưa ra thị trường những dự án do chính công ty này làm chủ đầu tư, Hưng Thịnh còn được xem là một trong những đơn vị tiên phong trong việc “giải cứu” hàng loạt dự án bị “trùm mền” tại TP.HCM do các chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính.
Trong khi nhiều doanh nghiệp địa ốc tinh giản nhân sự thì Hưng Thịnh Land vẫn tuyển dụng và đào tạo đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp lên đến hơn 500 người.
Không chỉ vậy, trung bình mỗi năm, Hưng Thịnh bắt tay hợp tác và đầu tư khoảng 6 dự án với hơn 2.000 sản phẩm được tiêu thụ ra thị trường.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Nguyễn Nam Hiền – Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land, cho biết trong quá trình khó khăn, khi có ít doanh nghiệp hoạt động thì Hưng Thịnh vẫn nỗ lực để phát triển.
“ Từ khi thị trường bất động sản đóng băng đến giờ Hưng Thịnh luôn dùng gói giải pháp toàn diện từ khâu đầu tư, xây dựng, thiết kế, bán hàng nên tiết kiệm được chi phí rất nhiều. Khi đưa ra thị trường thì sản phẩm của Hưng Thịnh có giá rất cạnh tranh với khu vực.
 Ngay thời điểm thị trường gặp khó thì Hưng Thịnh định hướng theo phân khúc tầm trung bình bởi nhu cầu thực sự bao giờ cũng có. Thời điểm đó, thị trường biến động thì người mua e ngại và cố thủ. Nhu cầu thực thì có, nhưng quan trọng là tâm lý khách hàng có tháo gỡ được hay không thôi.
Lúc đó, rất ít doanh nghiệp hoạt động và Hưng Thịnh tận dụng điều đó để làm. Tại thời điểm ấy, Hưng Thịnh vẫn tạo được một kênh phân phối mạnh. Chính quá trình làm môi giới giúp Hưng Thịnh có nhiều lợi thế so với doanh nghiệp khác”, ông Hiền nói.
An Gia Investment
Một doanh nghiệp mới nổi lên từ hoạt động môi giới là Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển bất động sản An Gia (gọi tắt là An Gia Investment). Cuối tháng 7 vừa qua, doanh nghiệp này đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư toàn diện với Quỹ đầu tư Creed Group của Nhật Bản.
Theo đó, Creed Group cam kết đầu tư 200 triệu USD vào An Gia để mua lại cổ phần của công ty, đầu tư vào dự án theo tỷ lệ 50/50; đồng thời cung cấp các khoản vay cho An Gia mua dự án, nhằm xây dựng những dự án nhà ở “chất lượng Nhật Bản” tại TP.HCM.
An Gia khởi đầu là công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, môi giới nhà đất, cung cấp dịch vụ bất động sản cho cá nhân và chủ đầu tư. Đến năm 2012, An Gia Investment trở thành công ty chuyên đầu tư và phát triển các dự án nhà ở, căn hộ tại TP.HCM, Phan Thiết, Đồng Nai.
Đến năm 2020, An Gia dự kiến đưa ra thị trường khoảng 10.000 căn hộ cao cấp tại trung tâm TP.HCM. Hiện tại công ty này đang triển khai 4 dự án, tổng số vốn đầu tư gần 3.000 tỉ đồng, cung cấp cho thị trường gần 2.000 căn hộ.
Theo ông Nguyễn Bá Sáng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty, chính việc làm môi giới đã giúp doanh nghiệp này hiểu được khách hàng và quyết định tham gia đầu tư.
“ Khi An Gia đã đủ kinh nghiệm vì đã từng bán hàng, hiểu được khách hàng và từng tham gia đầu tư, tham gia hợp tác đầu tư với các chủ đầu tư khác để bán sản phẩm nên khách hàng họ cần gì, muốn gì. Đây là điều kiện cần để làm chủ đầu tư. Ngoài ra, đầu tư còn cần tài chính để phát triển,  bởi đây mới là yếu tố quyết định để An Gia trở thành một chủ đầu tư.
Tuy nhiên, tài chính không thì chưa đủ. Trong quá trình làm môi giới, có những chủ đầu tư với những dự án không triển khai được hoặc dự án đó An Gia có thể triển khai tốt hơn thì chúng tôi tiến hành dự án đó.
Trong quá trình thực hiện, An Gia có thêm cơ duyên là được quỹ đầu tư nước ngoài thấy cách làm của doanh nghiệp mình phù hợp với phân khúc mà họ đang nhắm đến , phù hợp với thị trường, phù hợp với thời điểm nên đã được tin tưởng và quyết định đầu tư”, ông Sáng chia sẻ.
Đại Quang Minh
Một đại gia rất nổi trong thời gian gần đây là “ông lớn” Đại Quang Minh với dự án Khu đô thị tại Thủ Thiêm. Trong thời gian bất động sản đóng băng, nhiều doanh nghiệp không mặn mà trong đầu tư xây dựng dẫn đến nhiều dự án trong khu đô thị Thủ Thiêm bị đắp chiếu nằm im.
Tuy nhiên, TP.HCM đã có chủ trương giao cho một số đơn vị khác thực hiện việc đánh thức, vực dậy các dự án. Theo đó, các dự án bị đóng băng dần được thay mới chủ đầu tư, trong đó nổi bật là đại gia bất động sản Đại Quang Minh.
Khu biệt thự thuộc dự án của Đại Quang Minh thuộc khu chức năng số 5, nằm ngay trung tâm Thủ Thiêm, cách hầm chui sông Sài Gòn khoảng 550m là dự án thấp tầng duy nhất. Dự án này được hứa hẹn sẽ là đô thị hiện đại nhất Sài Gòn.
Phan Diệu

Một Thế Giới