Lãi suất tiền gửi tiếp tục tăng

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 17:05, 14/01/2016

Nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh và trả lương thưởng dịp cuối năm của doanh nghiệp, vào thời điểm cuối tháng 12.2015 và đầu tháng 1.2016, nhiều ngân hàng nhà nước lẫn cổ phần quyết định điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi.
Theo đó, kể từ ngày 8.1, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chính thức áp dụng lãi suất huy động mới. Cụ thể, ở kỳ hạn 15 tháng trở lên, điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi lên 7,6 %/năm.
Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng điều chỉnh nâng lãi suất tiền gửi thêm 0,1-0,2% ở hầu hết các kỳ hạn. Mức lãi cao nhất của ngân hàng này hiện đang áp dụng là 6,9% ở kỳ hạn 36 tháng.
Trước đó, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã chính thức tăng lãi suất gửi tiền đồng thêm 0,2-0,3% mỗi năm cho một số kỳ hạn ngắn. Cụ thể, kỳ hạn 1-2 tháng tăng lên mức 4,8%. Các kỳ hạn 3, 4 và 5 tháng đều tăng lần lượt lên 5,2%, 5,25% và 5,3% một năm, cao hơn 0,2% so với biểu niêm yết đầu tháng 12.
Ngân hàng BIDV cũng quyết định điều chỉnh lãi suất huy động tăng thêm 0,5-0,8% cho các kỳ từ 1-3 tháng. Theo đó, kỳ hạn một tháng tăng từ 4% lên 4,8%, 2 tháng từ 4,3% lên 5% và 3 tháng lên 5,2%, tức tăng 0,5% so với mức niêm yết cũ.
Ngân hàng VPBank cũng tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,5% tập trung vào kỳ hạn 1-2 tháng. Riêng kỳ hạn 6-7 tháng tăng mạnh lên 6,4% một năm. Các ngân hàng như VietCapitalBank, Saigonbank… cũng có động thái tăng lãi suất huy động.
Ngoài việc tăng lãi suất tiền gửi, một số ngân hàng cũng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi với việc giảm lãi suất cho vay nhân dịp Tết Nguyên đán 2016.
Đơn cử, ngày 4.1, Ngân hàng Quốc tế VIB vừa mới tung ra chương trình ưu đãi lãi suất 8,99%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 7,99%/năm trong thời gian 6 tháng đầu của khoản vay dành cho khách hàng vay mua nhà đất, xây dựng sửa chữa nhà, vay mua ô tô, vay tiêu dùng có tài sản bảo đảm hoặc vay phục vụ sản xuất kinh doanh với kỳ hạn trên 12 tháng. Lãi suất sau thời gian ưu đãi sẽ ở mức 3,3 đến 3,5%/năm.
Trước việc điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi, trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết có 3 yếu tố tác động đến đợt điều chỉnh lần này.
Thứ nhất là nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay của các doanh nghiệp để phục vụ cho sản xuất kinh doanh và trả lương, thưởng tết cho nhân viên tăng rất cao từ nay đến cuối năm. Do đó, ngân hàng phải tăng lãi suất tiền gửi để huy động vốn từ các cá nhân.
Thứ hai, lãi suất tiền gửi tăng nhằm tăng cường thanh khoản cho ngân hàng trong dịp tết.
Thứ ba, lãi suất huy động tăng đợt này chủ yếu dành cho các kỳ hạn 6 tháng trở lên. Còn dưới 6 tháng hầu như không tăng.
Ông Minh cho rằng việc tăng này nhằm mục đích là để cơ cấu lại kỳ hạn huy động vốn. Trước đây, kỳ hạn dưới 6 tháng huy động nhiều, trong khi từ 6 tháng trở lên thì rất ít. Vì vậy, phải khắc phục tình trạng đó thì mới cân đối được với lãi suất cho vay.
“Lãi suất cho vay chủ yếu từ 6 tháng trở lên, ít khi nào cho vay dưới 3 tháng. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng lại nhiều, còn 6 tháng trở lên lại ít. Như vậy, nếu huy động dưới 3 tháng mà cho vay trên 6 tháng thì sẽ mất cân đối ngay. Do đó, một số ngân hàng thời gian qua phải điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi từ 6 tháng trở lên, còn kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng thì điều chỉnh thấp lại hoặc không có tăng”, ông Minh cho biết thêm.
Dự báo về diễn biến lãi suất tiền gửi trong những tháng tới, ông Minh nhận định lãi suất sẽ tiếp tục ở mức cao và còn có xu hướng tăng nhẹ, do nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn của các ngân hàng hiện đang rất cao.
Phan Diệu

Một Thế Giới