LHQ bất lực với chương trình hạt nhân của Triều Tiên và vai trò của Trung Quốc

Quốc tế - Ngày đăng : 08:46, 07/01/2016

Ngày 6.1, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã họp khẩn cấp thảo luận về kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Triều Tiên.

Theo  International Business Times, Liên Hợp Quốc đã thảo luận về kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Triều Tiên trong cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an vào ngày 6.1. Mỹ và Nhật Bản đã yêu cầu hội đồng đưa ra những phản ứng phù hợp với tuyên bố thử nghiệm thành công bom H của Bình Nhưỡng.

Hội đồng Bảo an đã thông qua 4 nghị quyết từ năm 2006 nhằm ngăn chặn và kêu gọi Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân. Một trong 4 nghị quyết dự kiến sẽ được áp dụng sau cuộc họp hôm thứ tư (6.1), khi Bình Nhưỡng tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân.

Timothy R.Heath, một nhà phân tích quân sự quốc tế tại Tổng công ty RAND, nói với International Business Times rằng:  “Các biện pháp trừng phạt quốc tế chỉ đạt được một số thành công nhất định trong việc kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên, do nền kinh tế của quốc gia này khá cô lập với thế giới. Việc tìm ra những mối liên hệ giữa nền kinh tế Triều Tiên và toàn cầu để từ đó tạo ra các điểm áp dụng lệnh trừng phạt hầu như không tồn tại”.

Dựa theo chỉ số GDP, Triều Tiên hiện là một trong những quốc gia nghèo và kém phát triển nhất trên thế giới.  Các biện pháp trừng phạt quốc tế tập trung ngăn chặn Bình Nhưỡng tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế. Tuy nhiên, việc ngăn chặn hoạt động thương mại của quốc gia này sẽ làm tổn thương nền kinh tế và nạn nhân chủ yếu là người dân, thay vì chương trình hạt nhân. Điều này khiến Liên Hợp Quốc khó có thể áp dụng thêm các lệnh trừng phạt bổ sung.

Hội đồng Bảo an đã thống nhất thông qua các nghị quyết đối với Triều Tiên, nhưng giới chuyên gia cho rằng một số thành viên trong số 15 quốc gia tham gia hội đồng không tuân thủ hoàn toàn mọi quy định, tạo ra kẻ hở cho Triều Tiên tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân.

Ông Heath nhận định: “Trung Quốc là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đồng thời là đồng minh quốc tế quan trọng nhất của Triều Tiên. Mặc dù Bắc Kinh luôn bỏ phiếu thông qua các nghị quyết ủng hộ phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên nhưng Trung Quốc hiếm khi thực hiện các biện pháp trừng phạt, do lo ngại áp lực kinh tế có thể khiến Bình Nhưỡng sụp đổ”.

Trong khi đó, Triều Tiên tiếp tục theo đuổi chương trình phát triển hạt nhân khi cho rằng các loại vũ khí này mang ý nghĩa sống còn đối với đất nước, đảm bảo an ninh, và tạo ra vị thế cho quốc gia trong cộng đồng quốc tế. Do đó, bất chấp những cảnh báo và biện pháp trừng phạt từ các nước, Bình Nhưỡng không cho thấy bất cứ một dấu hiệu nhượng bộ nào trong chương trình hạt nhân.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon trong một phát biểu tỏ ra lo ngại và kêu gọi Bình Nhưỡng cho phép kiểm chứng quá trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, sau khi Hội đồng Bảo an yêu cầu quốc gia này tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí (NPT).

Hàn Giang (theo International Business Times)


Một Thế Giới