Cảnh sát New York bị tố phân biệt đối xử với người Hồi giáo

Quốc tế - Ngày đăng : 05:32, 09/01/2016

Cảnh sát New York sẽ thực hiện một số các cải cách sau khi bị kiện là đã phân biệt đối xử và điều tra "lén" người Hồi giáo.
Sở Cảnh sát thành phố New York (CSNY) thông báo hôm 7.1, sẽ thực hiện một loạt cải cách nhằm đảm bảo việc đối xử công bằng với cộng đồng Hồi giáo trong lúc thực hiện công tác phòng chống khủng bố.
Đây là kết quả của thỏa thuận dàn xếp nhằm kết thúc 2 vụ kiện kéo dài từ năm 2014, trong đó những tổ chức bảo vệ quyền công dân cho rằng CSNY đã phân biệt đối xử và theo dõi một cách trái phép cộng đồng Hồi giáo với lý do chống khủng bố.
Những cải cách này có mục đích nhằm hạn chế cảnh sát thực hiện điều tra chỉ dựa vào chủng tộc hoặc tín ngưỡng của đối tượng. Một thường dân cũng sẽ được chỉ định làm giám sát tại sở cảnh sát để ngăn chặn việc điều tra một cách không công bằng, đồng thời hạn chế việc sử dụng cảnh sát chìm và tay trong.
CSNY bị kiện vào năm 2014 sau khi hãng tin AP có một bài phóng sự về chiến dịch “điều tra lén các tổ chức tôn giáo và hành vi theo dõi trái phép” của cảnh sát. Bài phóng sự phanh phui cách thức phía cảnh sát đã sử dụng để thâm nhập vào các nhóm sinh viên Hồi giáo, cài người vào các nhà thờ, và theo dõi những người Hồi giáo với lí do chống khủng bố sau khi xảy ra vụ tấn công 9.11.2001 tại New York.
Những nhóm đấu tranh cho quyền công dân đã kiện CSNY ra tòa án Manhattan, cho rằng phía cảnh sát đã phạm “luật Handschu”. Những người lãnh đạo các nhà thờ và cộng đồng Hồi giáo cũng kiện CSNY ra toà án Brooklyn vì tội phân biệt đối xử với người Hồi giáo.
“Luật Handschu”, được thiết lập năm 1985, cấm cảnh sát theo dõi các cá nhân hoặc tập thể dựa vào xu hướng tín ngưỡng và chính trị. Luật được đặt ra sau khi phía cảnh sát bị phát hiện đã lén theo dõi các nhà hoạt động vì hòa bình vào những năm 1970, đồng nghĩa với việc vi phạm quyền công dân được Tu chính án số 1 bảo vệ. Tuy nhiên luật này đã được nới lỏng sau vụ 9.11.
Thỏa thuận dàn xếp lần này thiết lập lại ‘luật Handschu” và cấm cảnh sát thực hiện những cuộc điều tra chỉ dựa trên chủng tộc và tín ngưỡng của đối tượng.
“Kết hợp những phương pháp mà CSNY đang sử dụng cùng với “luật Handschu” sẽ giúp đảm bảo tính lành mạnh cho các cuộc điều tra”, William Bratton, cảnh sát trưởng của New York nói với hãng tin Reuters.
Ngoài ra theo thỏa thuận, chính quyền thành phố New York, tuy không thừa nhận đã có hành vi sai trái, sẽ chi khoảng 2 triệu USD tiền phí tranh tụng cho các nguyên đơn.
Tuấn Anh (theo RT)

Một Thế Giới