Tổng thống Putin không dùng chó cưng dọa Thủ tướng Merkel

Quốc tế - Ngày đăng : 14:43, 12/01/2016

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của báo Bild hôm 11.1, Tổng thống Putin đã khẳng định rằng mình không dùng chó cưng để dọa Thủ tướng Merkel trong cuộc gặp gỡ giữa hai người ở Sochi hồi năm 2007.

Sự việc xảy ra trong một cuộc gặp giữa Tổng thống Putin với nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel tại tư dinh của ông Putin ở thành phố Sochi hồi năm 2007.

Bà Merkel nổi tiếng sợ chó (vì thời bé bà từng bị chó cắn) đã nói rằng bà “hoàn toàn không thoải mái” khi con chó Konni to lớn và đen mượt được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa vào phòng khách. Ông Putin lúc đó đã trấn an: “Con vật không quấy bà chứ? Nó hiền và tôi bảo đảm nó sẽ ngoan”.

Sau cuộc gặp gỡ, bà Merkel đã nói: “Tôi hiểu tại sao ông ấy làm thế. Để chứng minh ông ấy là đàn ông. Ông ấy sợ lộ những yếu điểm. Nga chẳng có gì, không thành công về kinh tế và chính trị. Tất cả điều họ có là cách này”.
Chắc chắn ông Putin biết mình làm gì. Năm 2006, ông tặng bà Merkel món quà là một con chó đồ chơi có sợi dây xích ngắn, một biểu tượng mà các nhà ngoại giao Đức phải "gãi đầu" vì không hiểu ý nghĩa của nó
Khi trả lời phỏng vấn của tờ báo Đức hôm 11.1.2016, ông Putin nói ông không có ý hù dọa bà Merkel, mà chỉ là một sai lầm nhỏ: “Tôi không biết gì cả. Ngược lại, tôi chỉ cố tạo không khí vui vẻ khi tôi giới thiệu với bà ấy về con chó của tôi. Nhưng sau đó, tôi giải thích mọi sự và đã xin lỗi. Mức độ tin cậy giữa chúng tôi rất cao”.  
Tong thong Putin khong dung cho cung hu Thu tuong Merkel-hinh-anh-1
Ông Putin trả lời phỏng vấn
Cũng trong cuộc phỏng vấn của Bild, lần đầu tiên ông Putin thừa nhận cấm vận kinh tế của các nước phương Tây khiến Nga bị “tổn thương nghiêm trọng”. Ông nói: “Lệnh cấm vận khiến Nga tổn thương nghiêm trọng. Cấm vận của Liên hiệp châu Âu (EU) là phi lý và điên rồ”.
Ông Putin nhắc lại việc lật đổ Tổng thống Ukraine thân Nga Viktor Yanukovych hồi năm 2014 là “một vụ đảo chính” do phương Tây kích động và hỗ trợ. Mỹ và châu Âu đã trừng phạt kinh tế Nga, với lý do Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine hồi tháng 3.2014.

Cuối tháng 12.2015, EU gia hạn trừng phạt Nga thêm 6 tháng với lý do thỏa thuận ngưng bắn Minsk 2 mà lực lượng ly khai thân Nga ký với Ukraine hồi tháng 2.2015, để chấm dứt bạo lực tại miền đông Ukraine chưa được thực hiện đầy đủ. Cuộc nội chiến Ukraine đã khiến hơn 9.000 người chết kể từ tháng 4.2014.

Tong thong Putin khong dung cho cung hu Thu tuong Merkel-hinh-anh-2
Ông Putin trả lời phỏng vấn của tờ Bild
 Ông Putin cũng xác nhận cú đòn mạnh nhất giáng vào nền kinh tế Nga chính là giá năng lượng sụt giảm: “Chúng tôi hứng chịu những thiệt hại nguy hiểm về nguồn thu từ xuất khẩu dầu và khí đốt. Chúng tôi chỉ có thể bù đắp một phần từ những nơi khác”.

Lãnh đạo Nga cho biết năm 2015, GDP Nga sụt giảm 3,8%, lạm phát leo thang tới 12,7%. Dù vậy, ông tin tưởng kinh tế Nga đang dần ổn định trở lại: “Lần đầu tiên trong nhiều năm chúng tôi xuất khẩu thêm đáng kể hàng hóa giá trị cao và chúng tôi có quỹ dự trữ vàng hơn 300 tỉ USD”.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế quốc tế cảnh báo rằng Nga vẫn đang phải đối mặt với một năm 2016 đầy khó khăn, khi giá dầu tiếp tục giảm xuống gần 30 USD/thùng. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá dầu có thể rớt xuống 20 USD/thùng.

Chính phủ Nga duyệt chi ngân sách năm 2016 dựa trên tính toán giá dầu ở mức 50 USD/thùng. Gần đây, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cho biết Moscow có thể phải cắt giảm ngân sách nếu giá dầu tiếp tục áp sát ngưỡng 30 USD/thùng.

Ông Putin kỳ vọng GDP Nga năm nay sẽ quay trở lại tăng trưởng khoảng 0,7%. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Nga cảnh báo nếu giá dầu cứ duy trì ở mức yếu như hiện nay, GDP Nga sẽ tiếp tục sụt 3%.

Các nhà kinh tế quốc tế cũng tỏ ra bi quan với viễn cảnh kinh tế Nga. Trong phiên giao dịch 11.1 sau 10 ngày nghỉ lễ, giá đồng rúp Nga tiếp tục giảm mạnh, hiện chỉ còn 1 USD đổi được 76,1 rúp, theo AP.

Ông Putin cũng nói Nga muốn cùng phần còn lại của thế giới chống khủng bố, đồng thời ông lại cáo buộc phương Tây gây ra những khủng hoảng quốc tế. “Chúng ta đối mặt với những mối đe dọa chung và chúng tôi vẫn muốn tất cả các quốc gia, cả ở châu Âu và toàn cầu, cùng hợp sức chống lại các mối đe dọa này. Tôi nói không chỉ khủng bố mà còn là tội phạm, nạn buôn người, bảo vệ môi trường cùng nhiều thách thức chung khác. Nhưng như thế không có nghĩa chúng tôi phải đồng ý mọi chuyện mà các nước khác đã quyết định về những vấn đề này hoặc khác”, ông Putin nói với tờ Bild.

Không quân Nga hiện tấn công quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria. Lực lượng này có sự tham gia của hàng ngàn người Nga và nay họ là mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh quốc gia Nga. IS cũng nhận trách nhiệm vụ bắn rơi chiếc máy bay dân sự Nga ở Ai Cập hồi tháng 10.2015, khiến 224 người chết.

Nga không tham gia liên quân đánh IS do Mỹ dẫn đầu, Mỹ và đồng minh cũng cáo buộc Nga chỉ đánh quân nổi dậy đòi lật đổ chế độ Tổng thống Syria Bashar Assad, chứ không đánh quân khủng bố IS.  

Ông Putin nói các cuộc can thiệp quân sự của phương Tây ở Iraq và Libya đã khiến quân khủng bố trỗi dậy ở các nước. Ông cũng nói rằng phương Tây và Nga chưa hề tái lập một quan hệ tin cậy lẫn nhau sau khi LX sụp đổ năm 1991: “25 năm trước, bức tường Berlin sụp đổ, nhưng các bức tường vô hình đã dựng lên ở Đông Âu. Điều này dẫn đến những sự hiểu lầm lẫn nhau. Chúng ta đều làm sai tất cả”.

Ông cũng cáo buộc việc NATO mở rộng hướng tới biên giới Nga và kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ cùng các đồng minh, đã gây ra những cuộc khủng hoảng quốc tế, làm quan hệ Nga - phương Tây trở nên lạnh lẽo: “NATO và Mỹ muốn một chiến thắng hoàn toàn trước Nga. Họ chỉ muốn ngự trị châu Âu”.
Bảo Vĩnh (theo Reuters

Một Thế Giới