Nga và Mỹ đối đầu, không giảm vũ khí hạt nhân

Chuyển động - Ngày đăng : 06:21, 18/03/2015

Trong tình hình đối đầu giữa Nga và Mỹ hiện nay, hai nước sẽ không thể nào thỏa thuận để đạt được một hiệp ước về việc cắt giảm vũ khí hạt nhân mới, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga ông Anatoly Antonov cho biết vào ngày 17.3.
"Việc cắt giảm vũ khí hạt nhân có vẻ là không thể đạt được thỏa thuận mới giữa Nga và Mỹ trong tương lai gần. An ninh của Nga hiện nay không chỉ phụ thuộc vào sự cân bằng vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga và Mỹ. Mà nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như việc Mỹ có kế hoạch phòng thủ tên lửa trên toàn cầu, tình hình phát triển các loại tên lửa hành trình tầm xa và các loại vũ khí chính xác cao tầm xa khác", ông Antonov nói với các nhà báo.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga cho rằng các vũ khí hạt nhân của những đồng minh của Mỹ cũng cần phải được đem ra thảo luận để giám sát. " Một khía cạnh quan trọng khác là sự cân bằng vũ khí thông thường và việc phát triển nhiều căn cứ quân sự mới của Mỹ gần biên giới Nga", ông Antonov lưu ý.
Đặc biệt, Nga nhấn mạnh sự quan tâm của mình đối với việc Mỹ triển khai vũ khí bên ngoài lãnh thổ của họ.
"Tất cả sức mạnh hạt nhân đang được trưng ra để tham gia vào quá trình cắt giảm sức mạnh hạt nhân. Nga sẽ không bỏ qua bất cứ một yếu tố nào trong đàm phán", ông nói. "Những tham vấn về các vấn đề hạt nhân cần được thực hiện mà không có giới hạn và là cần thiết trước khi cuộc đàm phán kết thúc".
Trước đây đã có hai hiệp ước Start (cắt giảm vũ khí hạt nhân) được ký kết giữa Nga và Mỹ là hiệp ước Start mới năm 2010 và với Start cũ năm 1991. Theo hiệp ước mới thì ngoài cắt giảm thêm số đầu đạn hạt nhân của mỗi nước và cập nhật cơ chế giám sát lẫn nhau về kho vũ khí nguyên tử của Nga và Mỹ.
 Mỗi bên có thể thanh sát trực tiếp nhau để kiểm soát số đầu đạn hạt nhân thực tế. Cùng với việc phân tích hình ảnh vệ tinh, biện pháp này sẽ cho thấy bức tranh chính xác hơn về kho hạt nhân của Mỹ và Nga.
Về số đầu đạn hạt nhân, hiệp ước Start 2010 quy định mỗi nước Mỹ và Nga sẽ chỉ được triển khai 1.550 đơn vị (so với 2.200 đầu đạn của Mỹ và khoảng 2.700 đầu đạn của Nga hiện có). Hiệp ước cũng giới hạn mỗi nước chỉ được triển khai không quá 700 phương tiện phóng đầu đạn hạt nhân như tên lửa đạn đạo hay máy bay ném bom chiến lược. Con số này chỉ bằng gần một nửa so với 1.600 phương tiện được quy định trong hiệp ước Start 1991.
Giới hạn do Start 2010 đặt ra là 1.550 đầu đạn hạt nhân cho mỗi nước được phép triển khai đã tương đương với mức giảm 30% so với số đầu đạn hạt nhân được Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược ký thời Tổng thống Mỹ George Bush năm 2002. Tuy nhiên, sự cắt giảm này có thể chỉ mang tính lý thuyết nếu căn cứ trên cách thức đếm số đầu đạn hạt nhân.
Thiên Hà (theo Itar Tass)

Một Thế Giới