Triều Tiên mượn cớ phóng vệ tinh để thử nghiệm tên lửa đạn đạo?
Chuyển động - Ngày đăng : 20:30, 15/09/2015
Theo các phương tiện truyền thông, động thái của Triều Tiên nếu được tiến hành sẽ gia tăng căng thẳng trên bán đảo, khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cấm nước này thử nghiệm các công nghệ liên quan đến tên lửa đạn đạo. Trong khi Bình Nhưỡng khẳng định kế hoạch phóng tên lửa tầm xa phục vụ cho mục đích hòa bình, Mỹ và nhiều quốc gia xem đó là nỗ lực phát triển tên lửa liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Triều Tiên sẽ tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 70 ngày thành lập Đảng Lao động vào hôm 10.10, một sự kiện được giới quan sát bên ngoài suy đoán Bình Nhưỡng có thể phóng tên lửa tầm xa để chào mừng. Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc cho biết trong tuần trước rằng, điều này là hoàn toàn có thể, mặc dù các nhà phân tích đã nghiên cứu hình ảnh vệ tinh gần đây và không phát hiện được dấu hiệu chuẩn bị cho một vụ phóng tại căn cứ tên lửa tầm xa của Triều Tiên.
Giám đốc cơ quan không gian của Triều Tiên cho biết, các nhà khoa học đang hoàn tất giai đoạn cuối cùng cho quá trình phát trình phát triển một vệ tinh quan sát trái đất mới. “Thế giới sẽ thấy rõ một loạt vệ tinh phóng lên bầu trời vào những thời điểm và địa điểm được xác định bởi Ủy ban Trung ương WPK,” theo thông tin được công bố vào cuối ngày 14.9 bởi cơ quan thông tấn nhà nước Triều Tiên.
Đối phó với động thái mới từ phía Triều Tiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu Bình Nhưỡng đình chỉ mọi hoạt động liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo. “Việc phóng vệ tinh bằng cách sử dụng tên lửa đạn đạo là một vi phạm rõ ràng các nghị quyết,” John Kirby cho biết trong một cuộc họp báo.
Kim Min-seok, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhấn mạnh một vụ phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên sẽ được coi như thử nghiệm tên lửa đạn đạo và là hành động khiêu khích nghiêm trọng.
Triều Tiên thử nghiệm thành công một tên lửa tầm xa vào tháng 10.2012, mang theo một vệ tinh vào quỹ đạo Trái đất. Các chuyên gia vũ khí khẳng định sự hiện diện của vệ tinh mới, nhưng không nhận được bất kỳ tín hiệu liên lạc nào.
Hai tháng sau cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo thành công, Bình Nhưỡng tiến hành một cuộc thử nghiệm thứ ba liên quan đến bom hạt nhân. Mỹ và giới chức chính phủ các nước nhận định động thái của Triều Tiên là một nỗ lực nhằm sản xuất đầu đạn hạt nhân được mang theo bởi tên lửa liên lục địa. Một số quan chức quân sự cấp cao tại Washington cho rằng, Bình Nhưỡng nhiều khả năng đã làm chủ được công nghệ này.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trước đó đã gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, sau khi nước này thử nghiệm các tên lửa và bom hạt nhân mới. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ tiếp tục phát triển tên lửa đạn đạo và xây dựng kho vũ khí hạt nhân cho riêng mình.
Hàn Giang (Theo The Wall Street Journal)