Lo sợ Nga và Trung Quốc, Hải quân Mỹ nâng cấp tên lửa Tomahawk

Chuyển động - Ngày đăng : 05:33, 20/02/2016

Hải quân Mỹ có kế hoạch trang bị cho hạm đội tàu chiến các phiên bản khác nhau của tên lửa hành trình Tomahawk (TLAM), với lý do ngăn chặn mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc.

Một trong những yêu cầu của Lầu Năm Góc đối với Quốc hội Mỹ trong dự toán ngân sách năm 2017 là dành 434 triệu USD để nâng cấp khoảng 250 tên lửa hành trình Tomahawk, qua đó đóng vai trò trọng tâm trong việc chống lại các tàu chiến đối phương. Tên lửa nâng cấp có tầm bắn lên đến 1.852 km, nhưng cần khá nhiều thời gian để hoàn thiện, Viện Hải quân Mỹ báo cáo.

Phó đô đốc Joseph Mulloy, phó chỉ huy hoạt động của hải quân nói với hãng tin USNI ngày 17.2 rằng: “Không phải tất cả các tên lửa Tomahawk mới đều có khả năng tấn công tàu chiến, chỉ một số lượng vừa đủ tên lửa có khả năng này. Tàu mặt nước sẽ được trang bị Tomahawk đầu tiên, sau đó là tàu ngầm”.
                  Một cuộc thử nghiệm tên lửa Tomahawk của Hải quân Mỹ.

“Sát thủ diệt hạm” chính của Hải quân Mỹ là RGM/UGM-84 Harpoon, được phát triển vào những năm 1970 bởi McDonnell-Douglas, hiện đã hợp nhất với hãng Boeing. Harpoon có thể phóng từ máy bay, tàu chiến hay tàu ngầm nhưng nhược điểm chính của tên lửa này là phạm vị hoạt động chỉ khoảng 130km.

Những thay đổi từ Tomahawk sẽ mở rộng khả năng chống hạm của tàu tuần dương tên lửa lớp Ticonderoga, tàu khu trục Arleigh Burke và tất cả các tàu ngầm tấn công cùng 4 tàu ngầm lớp Ohio (SSGN) được chuyển đổi từ khả năng bắn tên lửa đạn đạo vào năm 2000.

Một thiết kế khác của McDonnell-Douglas là BGM-109 Tomahawk, đưa vào hoạt động vào năm 1983 và sử dụng trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Trong khi đó, Hải quân Mỹ đã loại bỏ phiên bản chống hạm UGM-109 vào năm 1994, khi hệ thống cảm biến không đủ khả năng theo dõi để tấn công các mục tiêu di động. Phiên bản hành trình Tomahawks tấn công mặt đất đang được chế tạo bởi Raytheon.

Ngoài kế hoạch nâng cấp Tomahawks, Hải quân Mỹ cũng tìm cách thay đổi tên lửa Standard Missile-6 (SM-6), một sản phẩm của tập đoàn Raytheon, trong mục tiêu chống lại tàu chiến. SM-6, còn được gọi là RIM-174, được hải quân đưa vào hoạt động vào năm 2013 với vai trò là tên lửa phòng không.

Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter cho biết trong một cuộc họp báo vào ngày 10.2 tại San Diego, California rằng: “Hải quân sẽ tạo ra những khả năng hoàn toàn mới. Chúng tôi đang nâng cấp SM-6 cho các nhiệm vụ khác hơn là phòng thủ tên lửa, nó có thể tấn công tàu chiến đối phương trên biển ở khoảng cách rất xa”.

SM-6 hiện có tầm bắn khoảng 240km, nhưng ông Carter khẳng định phiên bản chống hạm mới có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 320km.

Hàn Giang (theo RT)        

Một Thế Giới