Nhà khoa học giúp bảo quản hoa quả tươi đến tám tuần

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 19:08, 14/08/2014

Màng bao gói khí quyển biến đổi (MAP) của TS Đinh Gia Thành (Viện Hóa học – Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) giúp bảo quản hoa quả tươi sau thu hoạch từ bốn đến tám tuần mà không làm thay đổi đáng kể chỉ tiêu chất lượng, cảm quan, đồng thời không ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Công trình Công nghệ chế tạo màng bao gói khí quyển biến đổi (MAP) của TS Đinh Gia Thành là một trong những thành quả của đề tài “Nghiên cứu chế tạo vật liệu sử dụng trong lĩnh vực bảo quản quả (vải, nhãn mận)” thuộc chương trình Khoa học công nghệ cấp nhà nước KC02.20/06-10 do chính ông làm chủ nhiệm đề tài.

Màng MAP được biến đổi từ nhựa polyetylen tỷ trọng thấp (LDPE) kết hợp với một số chất phụ gia vô cơ như silica, zeolit, bentonit. Kết quả nghiên cứu bảo quản thử nghiệm với ba loại quả (vải, nhãn, mận) ở nhiệt độ từ 2 đến 4 độ C cho thấy, có thể bảo quản từ bốn đến tám tuần lễ mà không làm thay đổi đáng kể chỉ tiêu chất lượng, cảm quan. Màng MAP cũng được ghi nhận không ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

Công trình Màng MAP đã tham gia và được đánh giá cao tại Chương trình Sáng tạo Việt 2013, cùng với một giải pháp công nghệ bảo quản trái cây, nông sản khác của TS Nguyễn Duy Lâm và Phạm Cao Thăng (Viện Cơ điện và công nghệ sau thu hoạch).

Trong công trình Màng bảo quản sau thu hoạch của TS Nguyễn Duy Lâm và Phạm Cao Thăng, một chế phẩm sinh học được pha chế từ nhiều nguyên liệu khác nhau gồm nhựa cây, lipid, protein và nhiều polymer tổng hợp khác, tạo màng dưới dạng nhũ tương được phun xịt lên bề mặt nông sản, khi dịch lỏng khô đi tạo thành lớp màng trong suốt. Lớp màng này sẽ làm giảm khả năng trao đổi khí, giảm tổn thất khối lượng và biến dạng hình thức do mất nước, giảm tổn thương cơ học khi vận chuyển. Chế phẩm đã được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Cả hai giải pháp công nghệ bảo quản hoa quả sau thu hoạch này đã mở ra một những cách làm hiệu quả và an toàn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản ở Việt Nam.

Thanh Nhàn/Tia Sáng

Một Thế Giới