Từ một lần lỡ 'bôi tro trát trấu' lên truyền thống gia đình...
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 06:03, 20/05/2014
Ba mẹ Quỳnh là bác sĩ giỏi, nổi tiếng khắp huyện. Ông bà có hai người con. Con trai lớn nối nghiệp ba mẹ, là một bác sĩ trẻ đức độ, yêu nghề. Từ nhỏ, Quỳnh cũng được ba mẹ định hướng ngành y. Ông bà đầu tư cho con học các môn toán, hóa, sinh, cùng với những dự định về tương lai cho cô con gái rượu...
Tưởng mọi chuyện êm đềm, ngờ đâu kết thúc năm lớp 10, Quỳnh về nhà lấp lửng chuyện muốn thi khối C. Ba mẹ kịch liệt phản đối, nhất định buộc con phải trở thành một bác sĩ, rằng gia đình mình có truyền thống ngành y, ba mẹ sẽ truyền kinh nghiệm quý báu cho con. Ba mẹ có nhiều mối quan hệ tốt, ra trường con dễ dàng có việc, có cơ hội thăng tiến…
Quỳnh nghe như… nghe sấm. Không thể cãi lời ba mẹ, nhưng phải nói là em “nuốt” không trôi mấy môn luyện thi. Không phải em không hiểu bài, không làm bài được, mà vì em đã hết đam mê. Dù vậy, Quỳnh vẫn đăng ký dự thi ngành y theo nguyện vọng ba mẹ, tự nhủ cố gắng làm bài tốt để thể hiện trách nhiệm của bản thân đối với những kỳ vọng của người thân.
Nhưng kỳ thi năm ngoái Quỳnh không đỗ. Ba Quỳnh luôn miệng than “cha làm thầy, con đốt sách”, mẹ thì bảo Quỳnh bôi tro trát trấu lên truyền thống gia đình. Một lần nữa ông bà buộc con phải nối nghiệp ba mẹ, thi cho đến khi nào đỗ vào ngành y thì thôi. Suốt cả năm nay Quỳnh ra sức ôn luyện. Áp lực phải thi đỗ khiến em bị trầm cảm nặng. Không giao tiếp bạn bè, suốt ngày đóng chặt cửa phòng, người gầy đét vì ăn uống thất thường.
Chúng tôi từng chọn nghề theo sở thích (rất cảm tính), khả năng đậu (mà không hẳn là năng lực nổi trội), truyền thống hoặc sự áp đặt của gia đình (rất nhiều), lựa chọn của bạn bè (đi học xa nhà cùng nhau cho đỡ buồn), khả năng xin việc (do mối quan hệ của gia đình chứ không dựa trên dự báo nhu cầu nhân lực xã hội).
Nguyễn Thị Thu Huyền Giảng viên khoa tâm lý - giáo dục, Đại học Sư phạm TP.HCM
Là bác sĩ, ông bà hiểu căn bệnh “trong tâm” của con, với những mối hiểm nguy không lường trước được. Từ chỗ đay nghiến, bực tức, xấu hổ, ba mẹ Quỳnh đã có những động thái tích cực: gần gũi, động viên, thuốc thang để vực lại tinh thần cho con.
Mất mấy tháng trời, Quỳnh mới dần đón nhận tình cảm ba mẹ. Những con số, con chữ không còn nhảy múa trong đầu, tâm Quỳnh đã tịnh, hay cười, biết đùa. Ba mẹ Quỳnh thì vui ra mặt, nhưng vẫn không thôi ý định khuyên con nối nghiệp gia đình.
Ngày thi cận kề, ông chia sẻ chân thành để mong con hiểu rằng có thể con đang sống trong sự đủ đầy nên không cảm nhận được những nhọc nhằn, cả thành quả ba mẹ đã tạo dựng. Nối nghiệp truyền thống gia đình là việc làm tốt đẹp, con hoàn toàn có thể làm được trong khả năng của con. Con lại có khả năng và các tố chất cần thiết để trở thành một bác sĩ. Chỉ cần tâm con trong sáng, cứu người không vụ lợi, sẽ thấy nghề y thật thanh cao và ý nghĩa, con sẽ đam mê như ba mẹ đã từng đam mê…
Lời nói của ba lúc đó nhẹ như bông, chân thành và kỳ vọng. Lâu lắm rồi, Quỳnh mới ngồi vào bàn học thoải mái như hôm ấy.
Chọn nghề theo sở thích, theo khả năng bản thân, hay theo nguyện vọng ba mẹ đều có sự đồng thuận giữa “thí sinh” với ba mẹ. Bây giờ, niềm đam mê nghề y đã được khơi gợi lại, không phải từ sự rao giảng về những mặt thuận lợi của nghề truyền thống gia đình, mà Quỳnh luôn trân trọng sự tận tâm của ba mẹ với bệnh nhân, sự quan tâm của ba mẹ với con cái và cả trách nhiệm của bản thân Quỳnh trước những bệnh nhân luôn đặt niềm tin y đức vào gia đình mình.
Nghề y đã ngự trị trong tim Quỳnh từ bé, việc thích ban C chỉ là nhất thời, theo sự rủ rê của bạn bè. Việc thi rớt đại học cũng ngoài ý muốn. Sốc vì quá kỳ vọng vào con, ba mẹ Quỳnh đã thiếu kiềm chế, tạo áp lực, suýt làm tổn thương con trẻ.
Quỳnh chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học với tâm thế tự tin, không còn áp lực vì nghĩ mình bị ép. Nghề nào cũng cao quý, kế tục nghề truyền thống gia đình lại càng cao quý. Không phủ nhận những thuận lợi vì đã có nền tảng gia đình làm bước đệm cho bệ phóng, nhưng điều quan trọng vẫn là những nỗ lực của bản thân Quỳnh.
Song Nguyên - TGTT
Một Thế Giới