Đừng giáo dục trẻ bằng hình thức “bêu riếu“

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 12:51, 23/03/2015

Không ít giáo viên (GV) và phụ huynh nghĩ rằng giáo dục trẻ bằng việc mắng mỏ, đánh đập trẻ trước đông người, xử phạt bằng những hình thức xúc phạm, bôi nhọ… sẽ khiến trẻ sợ không lặp lại sai phạm. Nhưng thực tế, khi bị “bêu rếu” trước mặt người khác, trẻ càng chống đối và dễ trở nên bất cần.
Hiện nay, do thiếu kỹ năng ứng xử, có một số GV khi học sinh vi phạm các quy định của nhà trường như không học bài cũ, đi học muộn, chọc ghẹo bạn bè… vẫn áp dụng hình thức phê bình, mắng mỏ thậm chí chửi bới các em trước cả lớp. Cá biệt, ở bậc mầm non hay tiểu học còn có hình thức để cho các bạn trong lớp “lêu lêu” học sinh vi phạm. Khi áp dụng hình thức xử phạt này, GV đều biết trẻ sẽ xấu hổ và cho rằng làm như thế để “chừa”. 
Ở trường đã vậy, khi ở nhà có không ít phụ huynh cũng áp dụng hình thức phạt trẻ công khai trước mặt hàng xóm với hy vọng sẽ “cải tạo” được con. Rất ít người lường được khi bị xúc phạm trước mặt đông người, trẻ rất dễ nghĩ đến hành động dại dột. Thậm chí, các em cũng dễ sinh tâm lý hằn học, chống đối, thậm chí là nuôi hận thù trong lòng. 
Trong thực tế, có bà mẹ mỗi lần con làm sai việc gì hay mắc lỗi là mang con ra trước ngõ đánh đòn để nhiều người nhìn thấy. Khi đã quen đòn, đứa bé trơ lì, chai sạn; khi sai phạm gì, vừa thấy mẹ nổi giận, chẳng chờ mẹ phải kéo như mọi lần, em đã chủ động đi ra đứng trước ngõ… sẵn sàng chờ trận đòn của mẹ với vẻ đắc ý lẫn thách thức. Người mẹ đã trở nên bất lực trong cách giáo dục con.
Nhiều GV cũng như phụ huynh lạm dụng hình phạt sỉ nhục trẻ vì họ biết tâm lý trẻ rất sợ bị phê bình, chửi mắng, xúc phạm trước mặt đông người. Tuy nhiên, người lớn dường như quên mất rằng trẻ cũng có sĩ diện và lòng tự trọng của mình. Trẻ có thể sợ nhưng một khi đã bị phạt thì sự xấu hổ đó rất dễ được thay thế bằng cách chống đối. Trẻ chỉ thực hiện một cách tự giác khi và chỉ khi “tâm phục, khẩu phục”.
Hình thức “bêu rếu” những lỗi lầm của trẻ trước mặt nhiều người là điều hết sức tối kỵ trong mối quan hệ giữa người và người cũng như trong cách giáo dục trẻ. Trẻ cũng có cái tôi, có lòng tự trọng như người lớn và khi bị chính những người thân thiết xúc phạm trước mặt mọi người đồng nghĩa với việc cái tôi và lòng tự trọng đó bị tổn thương. 
Có thể lúc bị phạt trẻ sợ nhưng trong tâm lý vẫn ngấm ngầm chống đối. Đặc biệt, nếu người lớn làm cho trẻ đánh mất lòng tự trọng của mình thì trẻ sẽ trở nên bất cần không còn muốn cố gắng, vươn lên trong học hành, cuộc sống. Vì thế, dù xử phạt hay mắng mỏ trẻ, người lớn cũng phải lưu ý giữ thể diện cũng như giá trị cho các em.
Theo Nguyễn Minh Trí (giaoduc.edu.vn)

Một Thế Giới