Trò “học tài thi phận” hay do cách chấm thi của thầy?
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:10, 08/04/2015
Để tránh tình trạng "học tài thi phận" các giám khảo phải tìm được tiếng nói chung trong cách đánh giá, chấm điểm nếu không sẽ dễ dẫn đến sự chênh lệch điểm số của các thí sinh.
Nhằm tránh tình trạng "học tài thi phận", thầy Đỗ Tấn Ngọc Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi có ý kiến về công tác chấm thi
Theo thầy Đỗ Tấn Ngọc, có khá nhiều điểm mới trong đóng góp này từ chấm, sự công bằng cho đến phúc khảo, song điểm mới nhất là đề nghị giao phần lớn việc chấm thi cho giáo viên phổ thông, thầy cô giảng dạy bậc đại học chỉ nên chấm phần nhỏ.
Những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều đổi mới trong cách ra đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng mở, tích hợp, đánh giá năng lực toàn diện của người học và đáp án chấm cũng theo hướng mở, phát huy sáng tạo của thí sinh…được giới chuyên môn trong ngành đánh giá cao.
Mặc dù, đã ban hành quy chế thi, trong đó có công đoạn chấm thi, tuy nhiên việc chấm thi ở nhiều hội đồng chấm thi vẫn nảy sinh tình trạng thiếu đồng bộ về cách thức tổ chức, quan điểm đánh giá, cho điểm… tạo ra độ vênh lệch, thiếu công bằng về điểm số giữa các thí sinh.
Thực tế, đi chấm thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ nhiều năm, chúng tôi thấy, một số hội đồng chấm thi khá cập rập về thời gian, có tâm lý chấm cho xong, càng nhanh càng tốt, gây áp lực, căng thẳng đến các giám khảo, trước một công việc đòi hỏi cao sự thận trọng, chậm rãi, chuẩn xác.
Có giám khảo chấm cả ngày chỉ được 2, 3 xấp, song có thầy, cô giáo chấm gần cả chục xấp.
Giáo viên chấm thi. Ảnh: Tấn Thạnh |
Có giám khảo cho điểm khá thoáng, quá cao, lại có người cho điểm rất chặt, quá thấp.
Sự thiếu nhất quán này thể hiện rõ nhất ở những môn xã hội.
Các giám khảo không hoặc chưa tìm được “tiếng nói chung” trong cách đánh giá, chấm điểm thì sẽ dễ dẫn đến biên độ chênh lệch điểm số của các thí sinh hay tình trạng "học tài thi phận" trong các kì thi
Cái yếu tố may-rủi, học tài- thi phận là đây.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015, sắp đến gần, có tính chất, mục tiêu quan trọng, vừa công nhận tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ.
Trong đó, công tác chấm thi năm nay cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức, áp lực cho các hội đồng chấm thi. Vì số lượng bài thi các môn tự luận rất lớn, tính sơ bộ, có gần 4,5 triệu bài các môn: văn, toán, ngoại ngữ, chưa kể môn sử, địa.
Tất nhiên là các trường ĐH phối hợp các Sở GD và ĐT cần phải huy động một lượng lớn thầy cô giáo, giảng viên làm giám khảo chấm thi.
Thầy Trần Quang Nguyên, giáo viên dạy toán, có kinh nghiệm chấm thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ nhiều năm ( ở Quảng Ngãi) nêu kiến nghị: "Vấn đề quan trọng hơn cả ở đây là làm sao đánh giá, chấm đúng chất lượng mọi bài thi, đảm bảo tính công bằng, chính xác cho các thí sinh, để dư luận xã hội không còn hoài nghi về chuyện rủi-may của chấm thi nữa.
Theo tôi, trước tiên, các hội đồng chấm thi cần cân nhắc, chọn lựa những thầy, cô giáo ở các trường phổ thông và các trường ĐH, CĐ có đủ năng lực, phẩm chất, nắm bắt, sâu sát chương trình, nội dung sách giáo khoa bậc THPT.
Số lượng, tỉ lệ giám khảo ở trường phổ thông nên nhiều hơn số lượng giám khảo các trường ĐH, CĐ. Bởi lẽ, các thầy, cô giáo ở phổ thông có bề dày thực tiễn, thường xuyên cọ xát chương trình, các dạng đề, bài kiểm tra của thí sinh hơn.
Điều này ở các giảng viên ĐH, CĐ dường như không có được. Tuy có sẵn đáp án, biểu điểm nhưng đối diện với những bài làm môn toán, môn văn của thí sinh có nhiều hướng giải quyết khác nhau đâu phải dễ thẩm định, cần giám khảo am tường.
Sự phối hợp tốt giữa 2 giám khảo phổ thông và giáo khảo ĐH trong từng xấp bài là rất cần để chấm đúng, chấm trúng”.
Để không còn sự tùy tiện, thiếu nhất quán về thời gian, cách thức chấm…như đã từng xảy ra ở các hội đồng chấm thi, thầy giáo, tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, khoa Ngữ văn, trường ĐH Quy Nhơn đề xuất: "Khâu thảo luận chấm, hướng dẫn chấm thi ở các hội đồng chấm thi cần thực hiện triệt để, kỹ lưỡng theo đúng tinh thần quy chế thi;
Có sự thống nhất cao trong từng môn, từng hội đồng và tất cả các hội đồng chấm thi từ thang điểm, thời gian chấm đến số bài, số xấp mỗi giám khảo chấm trong đợt, trong ngày….
Có thế, chúng ta mới đảm bảo tính đồng bộ, công bằng, chính xác trong chấm điểm bài thi tránh tâm lý học tài,thi phận.
Đặc biệt, môn ngữ văn, môn có tính đặc thù về ngôn ngữ, diễn đạt, cách hiểu khác nhau nên dễ có nguy cơ lệch điểm cao ở câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học ( 7 điểm).
Các câu này, lâu nay, Bộ GD và ĐT ít chi tiết, cụ thể, khá mông lung, mơ hồ cho người chấm, sắp tới đây, hướng dẫn, đáp án cần làm rõ hơn hoặc đưa ra các tình huống, hướng gợi ý cụ thể để tổ chấm bàn bạc, thống nhất thang điểm, cách cho điểm….góp phần giảm thiểu độ vênh, lệch điểm giữa các giám khảo, các hội đồng chấm thi.
Và khâu giám sát, chấn chỉnh, xử lý những nhầm lẫn, sai phạm của giám khảo trong quá trình chấm thi cũng cần thường xuyên, kịp thời và nghiêm túc, nhẹ thì phê bình, nhắc nhở, trừ tiền, nặng thì đình chỉ chấm…
Chấm thi là việc quan trọng, ảnh hưởng đến quyền lợi sát sườn của thí sinh, phải gắn với trách nhiệm, hình thức cụ thể thì mới bớt chuyện giám khảo chấm ẩu, chấm không đúng”.
Quy định về điều kiện phúc khảo lại bài thi mấy năm nay khá rộng mở, không ràng buộc, khống chế gì về điểm số môn học so với kết quả bài thi.
Thí sinh nào có yêu cầu được phúc khảo lại bài thi đều được đáp ứng, thể hiện sự quan tâm tối đa đến quyền lợi của người học. Quy trình chấm thi có chặt chẽ đến mấy, các giám khảo làm việc trách nhiệm hết mình, song làm sao tránh khỏi những sơ suất, nhầm lẫn có thể xảy ra trong chấm điểm, cộng điểm, nhập điểm…
Do vậy, nhà trường cần thông tin, phân tích đầy đủ về những quy định liên quan phúc khảo bài thi đến mọi thí sinh trước khi thi.
Để trong trường hợp cần thiết, khi thấy kết quả bài thi của mình chưa sát đúng so thực tế lúc làm bài thì các em sử dụng quyền này. Thực tế, có nhiều trường hợp đã được thay đổi, điều chỉnh kết quả sau khi phúc khảo, từ hỏng thành đậu…
Trong chấm phúc khảo, cái tâm lý, tư tưởng “bênh vực” cho đồng nghiệp, giám khảo của mình, “bỏ rơi” quyền lợi chính đáng của các em, không phải không có.
Nghĩa là, hội đồng chấm phúc khảo hoặc cặp chấm phúc khảo, coi lại bài, nhiều lúc, thỏa hiệp, cho điểm ở mức “an toàn”, “vẫn như cũ”, để các giám khảo trước chẳng bị làm sao, để đỡ gặp nhau chất vấn thêm mệt.
Phụ huynh, thí sinh ở nhà trông mong từng ngày, sao hiểu nổi? Công tâm, trách nhiệm, bảo đảm quyền lợi mọi thí sinh của hội đồng chấm phúc khảo sau khi có kết quả thi cũng được đặt lên hàng đầu.
Niềm tin ở giáo dục, thi cử mới định hình.
Theo giaoducvietnam.vn