Đưa thông báo được nghỉ học lên Facebook, cô giáo bị… 'đì'

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:03, 10/04/2015

Theo trình bày của cô Nguyễn Thị Ngọc Thủy - giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lớp 8A4, Trường THCS Trần Quốc Toản (Q.9, TP.HCM): vào ngày 8.11.2014, trong phiên họp xét thi đua, hội đồng thi đua của Trường THCS Trần Quốc Toản đã xếp cô loại B với lý do trong sổ báo giảng của cô thiếu dấu mộc kiểm tra của hiệu trưởng. 
Hai ngày sau, tức vào ngày 10.11.2014, bà Trịnh Thị Bích Hằng, Hiệu trưởng nhà trường lại triệu tập hội đồng thi đua để biểu quyết cắt thi đua của cô Thủy, đồng thời bãi nhiệm công tác GVCN của cô mà không đưa ra lý do.
Thông báo cho học sinh nghỉ học là… tài liệu nội bộ!
Về việc cắt thi đua cô Ngọc Thủy, bà Bích Hằng lý giải: do cô Thủy vi phạm quy định “không được đưa thông tin nội bộ (chụp hình, phô tô tài liệu, văn bản...) ra bên ngoài khi không có sự chỉ đạo của nhà trường". Cụ thể, cô Ngọc Thủy đã đưa thông báo cho học sinh (HS) nghỉ học lên Facebook làm ảnh hưởng đến uy tín của trường. 
Tuy nhiên, lý do này là không chính đáng. Trước khi tờ thông báo này được cô Ngọc Thủy đưa lên Facebook, trường đã gửi đến 2.300 HS mang về nhà cho phụ huynh (PH) xem và ký tên. Như vậy, ngoài 2.300 HS còn có ít nhất từng ấy PH đã đọc thông báo. Vì vậy, thông báo này không còn và không thể xem là thông tin nội bộ. Hơn nữa, bản thân cô Ngọc Thủy cũng là một PH có con và cháu đang học tại trường.

Chúng tôi đã vào Facebook của cô Thủy để tìm lại tờ thông báo nói trên và ghi nhận nội dung chính của thông báo như sau: "Kính gởi: Quý phụ huynh trường THCS Trần Quốc Toản. Do thứ hai ngày 27 tháng 10 năm 2014 nhà trường tổ chức Đại hội Cán bộ Công chức đầu năm nên các em học sinh được nghỉ học cả ngày". Dưới tờ thông báo là một vài bình luận của cô Thủy và những người khác bắt lỗi về hình thức và nội dung văn bản không được chuẩn, kiểu như: chữ "Toản" trong cụm từ "Quý phụ huynh trường THCS Trần Quốc Toản" bị rớt dòng, dùng sai từ "đại hội" (đúng phải là "hội nghị"), viết hoa chữ "Thứ" (thay vì "thứ"). Những "lỗi" này ai cũng có thể thấy, kể cả các em HS. Việc "bắt lỗi” cũng không vi phạm vào điều “cấm kỵ” nào. Vì thế, quy lỗi cô Thủy đưa giấy thông báo cho HS nghỉ học lên Facebook làm ảnh hưởng đến uy tín của trường để cắt thi đua đối với cô là không thuyết phục.

Cho thôi chủ nhiệm lớp vì trái ý hiệu trưởng?

Về lý do bãi nhiệm công tác GVCN của cô Thủy, trao đổi với chúng tôi, bà Hằng chỉ vắn tắt "do yêu cầu của công việc" mà không nói cụ thể. Theo trình bày của cô Ngọc Thủy, trước đó cô đã "bất tuân lệnh" của nhà trường trong việc bán phù hiệu cho HS, không thuyết phục được PHHS của lớp đóng tiền may màn cửa và quỹ Ban Đại diện cha mẹ HS.

Chuyện là vào đầu năm học, trường ép buộc mỗi HS phải mua sáu phù hiệu, trong khi các em chỉ đi học năm ngày mỗi tuần, nếu mỗi ngày mặc một bộ quần áo thì cũng chỉ cần năm bộ. Nhưng số HS có năm bộ quần áo là không nhiều. Đại đa số các em chỉ có ba bộ. Con cháu cô Thủy cũng chỉ có ba bộ quần áo. Vì thế, cô Ngọc Thủy đề nghị để HS và PH mua theo nhu cầu chứ không nên ép buộc, đồng thời các em sẽ mua trực tiếp tại phòng tài vụ. Sau đó, cô Thủy thông báo việc này cho PH, nhưng khi HS đến mua phù hiệu thì trường nhất định yêu cầu: phải mua sáu cái mới bán. Ngay sau đó, lớp cô Thủy bị tổng phụ trách và bí thư Đoàn trường kiểm tra đột xuất, ghi nhận 41 trường hợp không có phù hiệu, bị trừ 41 điểm thi đua tuần. Tổng giám thị của trường còn gọi điện cho PH của 41 HS nói trên, yêu cầu mua phù hiệu... gây khó xử cho cô với PH.

Đầu năm học, trường thông báo sẽ làm màn cửa cho tất cả các phòng học bằng tiền đóng góp của PH, nhưng lại làm trước, xin tiền PH  sau. Và, trường "làm trước" bằng cách cho gắn cây treo màn cửa ở tất cả các phòng học rồi yêu cầu GVCN thu tiền PH. Chỉ khi nào thu và nộp đủ tiền (2.000.000đ/lớp) thì trường mới cho gắn màn. Việc làm ngược quy trình này đương nhiên không dễ đạt được 100% PH đồng tình. Khi họp đầu năm, PHHS lớp cô Thủy đề nghị dán đề can (chứ không gắn màn) để giảm mức đóng góp; thuận tiện khi vệ sinh, tránh phải tháo lắp, giặt; tránh HS nghịch gây hư hỏng. Về khoản tiền quỹ Ban Đại diện cha mẹ HS (160.000đ), cũng có sáu - bảy lớp không nhất trí vì tăng nhiều so với năm học trước. Tất cả các lớp kiến "không nhất trí" sau đó được trường yêu cầu họp để “nhất trí”, còn lớp cô Thủy thì không ai đả động đến.

"Tôi khẳng định, những nội dung khác trong công tác chủ nhiệm tôi làm tốt. Ví dụ, trong hai tháng Chín và Mười, điểm học tập lớp tôi xếp thứ tư trong 10 lớp, phong trào "hoa điểm 10" trong tháng 11 đứng đầu khối bán trú hơn 20 lớp. HS lớp tôi cũng rất ngoan. Có lẽ chỉ vì chuyện tôi có ý kiến trái ngược về mấy cái phù hiệu; không "ép" được PH trong chuyện đóng góp tiền làm màn cửa và quỹ nên cô Hằng không muốn tôi làm chủ nhiệm", cô Thủy nói.

Trao đổi với chúng tôi về những khiếu nại của cô Thủy, bà Bích Hằng cho rằng việc cắt thi đua của cô Thủy là do cả hội đồng gồm 15 thành viên quyết chứ không do một mình bà. Tuy nhiên, bà thừa nhận việc cắt thi đua ấy là sai sót và bà là người đứng đầu hội đồng nên nhận trách nhiệm. Về việc bãi nhiệm công tác GVCN cô Thủy, bà Hằng cho rằng thuộc thẩm quyền của hiệu trưởng, nhưng bà nhận sai sót về quy trình khi không gặp gỡ trao đổi, thông báo với cô Thủy trước khi đưa vấn đề ra liên tịch, làm cho cô Thủy hoang mang.

Bà Hằng cho biết đã làm bản kiểm điểm nhận khuyết điểm với Phòng GD-ĐT Q.9; nhận lỗi trước chi bộ, liên tịch, hội đồng nhà trường và đã tự hạ bậc thi đua trong đợt thi đua sau đó.

Việc dám nhận trách nhiệm trước những sai sót của mình là cần thiết và đáng hoan nghênh, nhưng để công bằng thì bà hiệu trưởng Bích Hằng phải phục hồi những gì bà đã tước mất của cô giáo Thủy một cách oan ức.

Minh Nhật – Theo Báo Phụ Nữ TPHCM

Một Thế Giới