Giáo dục tiểu học phải đào tạo những trẻ em biết tư duy độc lập
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:52, 21/11/2014
“Giáo dục tiểu học phải đào tạo những trẻ em biết tư duy độc lập” là chia sẻ của nhà giáo Phạm Toàn trong buổi chia sẻ kinh nghiệm Giáo dục tiểu học của nhóm Cánh buồm mới đây.
Trao đổi với Báo điện tử Một Thế Giới, nhà giáo Phạm Toàn cho biết, Giáo dục tiểu học cần cho trẻ có ý thức tự trọng ngay từ những ngày đầu tiên cắp sách đến trường bằng cách thầy cô chỉ là người hướng dẫn cho trẻ tự tư duy.
Giáo dục tiểu học có ổn định và đảm bảo chất lượng thì toàn bộ nền giáo dục mới được ổn định, từng gia đình ổn định, xã hội cùng ổn định. Đây là quan điểm xuyên suốt của nhóm Cánh Buồm đối với giáo dục bậc tiểu học.
Giáo dục tiểu học là giai đoạn trụ cột và định hướng sự phát triển của trẻ, vậy thì theo ông chúng ta cần hiểu về bậc học này như thế nào?
Ngày mai, 22.11, nhóm Cánh buồm sẽ tổ chức khóa học đầu tiên cho các thầy cô giáo sử dụng sách giáo khóa của Cánh buồm tại Vạn Bảo, Hà Nội.
Nhà giáo Phạm Toàn: Trước hết, muốn hiểu Giáo dục tiểu học thì phải định nghĩa được từng bậc học và định nghĩa được trẻ em. Theo đó, bậc tiểu học là bậc học phương pháp; bậc trung học cơ sở là bậc dùng phương pháp để tự mình đem kiến thức về cho mình; bậc trung học phổ thông là bậc tập nghiên cứu; bậc đại học là bậc tập độc lập nghiên cứu.
Theo quan điểm của chúng tôi, trẻ em là một thực thể người đang phát triển về thể chất, tâm hồn, tư duy, quan hệ… và theo đó giáo dục là cơ quan tổ chức phát triển. Đối với bậc tiểu học, trẻ em cần học 3 nội dung đó là: Học có ý thức (biết mình học cái gì, học như thế nào và có kết quả gì); Học phương pháp học (trong đối tượng môn học, trong thao tác làm việc của người đi trước và trong sản phẩm học sinh tự làm ra); Học cách tự học và tự đánh giá (học khái niệm, học cách làm ra khái niệm và học cách tự sơ kết).
Như vậy, giai đoạn giáo dục tiểu học chỉ có vai trò tổ chức cho học sinh có phương pháp học, định hướng các em phát triển tư duy.
"Giáo dục tiểu học có ổn định và đảm bảo chất lượng thì toàn bộ nền giáo dục mới được ổn định, từng gia đình ổn định, xã hội cùng ổn định", nhà giáo Phạm Toàn chia sẻ. |
Để có thể giúp các em học sinh tiểu học tư duy độc lập và phát triển tư duy, chúng ta cần có phương pháp dạy học gì, thưa ông?
Đối với bậc giáo dục tiểu học, theo tôi, chúng ta chỉ nên cung cấp công cụ phương tiện, phương pháp, cách làm cho trẻ. Các em sẽ tự làm ra khái niệm, tự sơ kết quá trình và cả tổng kết quá trình.
Ví dụ, trong những bài học Ngữ văn lớp 1 của Cánh buồm, các em sẽ phải tự làm ra nghiên cứu ngữ âm từ 3 thao tác: phát âm, phân tích, ghi lại từ đó rút ra đúng sai và phương pháp phát âm hay định nghĩa nguyên âm.
Hoặc một ví dụ khác lấy hai câu thơ “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa; Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương...” của Nguyễn Duy. Khi cho các em đọc thầm hai câu này sau đó để các em diễn tả cảm nhận của mình bằng ngôn ngữ. Có em bằng lời, có em bằng hành động (diễn kịch với bạn) hoặc có em vẽ lại khung cảnh đó theo trí tưởng tượng của mình.
Điểm mấu chốt là phải cho các em làm và tự kiểm tra, tự đánh giá, đó là chính con người tư duy được làm ra ngay từ bậc tiểu học.
Trẻ em là một thực thể đang phát triển, vậy theo ông, trong giáo dục tiểu học, ngoài tư duy chúng ta cần định hướng phát triển những khía cạnh gì của các em?
Trí tưởng tượng và khiếu hài hước là hai điều chúng tôi muốn nhấn mạnh sau tính tư duy độc lập. Trong phương pháp học của Cánh buồm, chúng tôi dạy văn theo cách cho các em nhập vai để phát huy trí tưởng tượng. Ví dụ khi học một đoạn văn, các em sẽ tự đóng vai theo cách các em hiểu về đoạn văn đó, từ đó hiểu sâu sắc hơn nội dung, ý nghĩa.
Hiện tại, nhiều trẻ em “nghiện” truyện tranh đang “đánh mất” đi trí tưởng tượng của mình. Nếu như đọc truyện chữ, các em có thể chuyển thể ngôn ngữ chữ viết sang ngôn ngữ khác theo trí tưởng tượng của mình.
Bên cạnh đó, chúng ta cần tạo ra những trẻ em có đầu óc hài hước. Chúng ta đang dạy những con người, nếu thiếu tính hài hước thì tất cả sẽ khô khan và rập khuôn. Có khiếu hài hước, các em sẽ vượt lên được cả suy nghĩ và hành động.
Trong khảo sát mới đây về học sinh lớp 12 của một thầy giáo thì có nhiều em không biết sửa xe, nhiều em ăn cơm nhưng không biết nấu cơm… vậy thì có phải là chúng ta cần phải giáo dục kỹ năng sống cho các em ngay từ bậc tiểu học?
Đây là một vấn đề đáng bàn, chúng ta đang đào tạo những con người, chứ không phải “chế tạo máy” và chúng ta cũng không phải nền giáo dục công nghiệp hàng loạt.
Sự trưởng thành của con em mới là giáo dục, đó là việc học chứ không phải việc dạy. Đối với giáo dục thì học cái gì không phải là quan trọng nhất, trải nghiệm nội dung đó mới có ý nghĩa. Do đó, chúng tôi chủ trương cho các em học theo phương pháp “Làm thì học”, tức là trong quá trình làm, các em sẽ học được cái gì thì đó là của các em.
Trải nghiệm là việc hết sức quan trọng đối với việc giáo dục tiểu học. Thay vì để các em trải nghiệm và rút ra bài học, kinh nghiệm, kiến thức thì nhiều bậc phụ huynh đang làm thay tất cả. Tại sao chúng ta không cùng con đọc sách, rửa bát hay trồng cây… và để trẻ đóng vai trò người thực hiện, chúng ta chỉ là người hướng dẫn?
Chúng ta đang “tước đoạt” nhiều quyền lợi của trẻ em mà không biết?
Cũng có thể nói như vậy, cuộc sống hiện đại, nhiều người đang dành cho con cái chế độ đặc biệt đó là không phải đụng tay vào cái gì, chỉ học. Đây là giai đoạn hạt mầm và chúng ta không nên ươm trong lồng kính.
Xin cảm ơn ông!
Nguyệt Vũ (thực hiện)