Mạng xã hội Lief chưa được ưu ái vì quá kén người dùng

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:03, 11/11/2015

Sau khi ra mắt phiên bản chính thức cho ứng dụng di động trên iOS và Android vào tháng 10.2015, Lief đang đối mặt với mối lo ngại có khả năng bị chặn tại Việt Nam vì quá… kén chọn.

Khái niệm về sự riêng tư, bảo mật thông tin của các ứng dụng và mạng xã hội từ lâu đã là đề tài gây nhiều tranh cãi.  Tuy nhiên, việc xuất hiện ứng dụng chỉ cho phép kết nối với 12 người thân và được xây dựng dựa trên nềng tảng riêng tư và bảo mật trong các chia sẻ của người dùng Lief lại làm dấy lên lo ngại rằng nơi đây đang tạo ra một không gian tương tác quá bí mật, có thể gây ra những luồng dư luận khó ngăn chặn, khó kiểm soát. 

Trước lo ngại này, đại diện của Lief tại Việt Nam giải thích rằng những thông tin trên là không có cơ sở vì Lief không hoạt động giống như các mạng xã hội hiện nay. Người dùng Lief chỉ kết bạn, tương tác với những người thân thiết và các chia sẻ được gửi đến từng cá nhân cụ thể, chứ không truyền tải thông tin giữa các nhóm người. Hơn nữa, không ai có thể xem thông tin của người dùng trên Lief hoặc tìm cách liên hệ mà không được sự chấp thuận của người dùng. Đây là điều mà Lief muốn tạo khác biệt so với các mạng xã hội khác, nhất là khi nhiều người đang đặt câu hỏi về những thông tin không thể kiểm chứng hoặc kiểm soát trên mạng xã hội. 

Bên cạnh việc bị cho là... quá bí mật, ứng dụng này cũng đang đối mặt với một số rào cản khi hoạt động tại Việt Nam. Được biết, Lief được xây dựng với vốn đầu tư nước ngoài và dự đoán sẽ phát triển tại Việt Nam – đất nước đang trên đà trở thành một trong những trung tâm công nghệ tiếp nối của châu Á.  
Với việc đạt được thỏa thuận về TPP, cơ hội phát triển trong lĩnh vực phần mềm và công nghệ là vô cùng hứa hẹn và sẽ góp phần đưa Việt Nam tiến gần hơn với thế giới.  Đặc biệt, Việt Nam cũng đang nằm trong top 10 nước gia công phần mềm hấp dẫn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương và đang sở hữu thế mạnh về một đội ngũ trẻ với hơn 32.000 sinh viên tốt nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin mỗi năm. 

Tuy nhiên, hiện những người có ý định đầu tư vào lĩnh vực phần mềm, ứng dụng… đang chờ đợi xem tiềm năng công nghệ của nước này sẽ được chính quyền hỗ trợ hay phải đương đầu với nhiều rào cản, đặc biệt là các thủ tục, quy định về bản quyền, giấy phép. Có khả năng những rào cản này sẽ gây thất vọng cho những người ủng hộ Lief tại Việt Nam, khi mà ứng dụng này được người dùng quốc tế đánh giá cao, nhưng lại có nguy cơ bị phủ nhận khả năng phát triển ở nước nhà.

Thực tế cho thấy, một số ứng dụng, công nghệ phần mềm được đưa vào thực tiễn cuộc sống không được khích lệ phát triển tại Việt nam như Viber đã đóng cửa văn phòng đại diện chỉ sau chưa đầy 2 năm có mặt. Trong số các nguyên nhân, việc cơ quan quản lý đang xây dựng một số chính sách quản lý các ứng dụng OTT cũng là một phần lý do khiến Viber đóng cửa văn phòng đại điện. Mới đây, Uber và Grab taxi tuy đã phát triển tại một số nước nhưng cũng vấp phải những rào cản khi nhiều người cho rằng hai dịch vụ trên đã tạo ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh với các dịch vụ taxi truyền thống. Do đó, cả hai cũng đang cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ từ phía chính quyền địa phương. Thế nhưng, Lief lại là một trường hợp đang thiếu nền tảng hỗ trợ từ người dùng ở các quốc gia khác nên có thể khiến cho ứng dụng này gặp nhiều khó khăn để có chỗ đứng tại Việt Nam.

Trường hợp của Lief là một điển hình  không chỉ cho các nhà khởi nghiệp trong nước muốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ phần mềm mà còn cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn vào Việt Nam cân nhắc. Những gì xảy ra với Lief có thể được sử dụng để đánh giá liệu Việt Nam có thực sự sẵn sàng cho một sự bùng nổ đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ phần mềm hay không.
Nguyên Vy

Một Thế Giới