Vì sao nhà mạng không chặn được tin nhắn rác?
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:00, 10/01/2016
Con số 150% người Việt Nam sở hữu thuê bao di động cho thấy Việt Nam là mảnh đất màu mỡ của các công ty viễn thông.
Tuy nhiên theo thống kê của hãng bảo mật Kaspersky và Symantec hiện nay Việt Nam đứng thứ 7 về việc phát tán tin nhắn rác và thứ 3 về số lượng người dùng di động bị mã độc tấn công. Thống kê của Công ty an ninh mạng Bkav cũng cho thấy năm 2015 tình hình tin nhắn rác gia tăng hơn so với năm 2014, trung bình mỗi ngày lên tới 13,9 triệu tin.
Hành lang pháp lý để ngăn chặn tin nhắn rác bao gồm Nghị định 77 của Chính phủ về chống thư rác, Chỉ thị số 82 CT/BTTT năm 2014 của Bộ TT&TT, Thông tư 04 của Bộ TT&TT… tuy nhiên mật độ tin nhắn rác vẫn tiếp tục gia tăng.
Nguyên nhân thường được các nhà mạng đưa ra là hàng rào kỹ thuật và hành lang pháp lý. Với lý do này thì người dùng di động Việt Nam chắc chắn sẽ sống lâu dài với tin nhắn rác vì công nghệ spam thay đổi hàng ngày.
Tin nhắn rác xuất phát từ 3 nguồn là sim rác, tin nhắn OTT và các dịch vụ nội dung số. Riêng nguồn sim rác cứ để tình trạng như hiện nay là việc quản lý của các nhà mạng đang có vấn đề mà trên nhiều diễn đàn các chuyên gia và nhà quản lý đã từng nói là có vần đề lợi ích nhóm.
Năng lực các nhà mạng hiện nay có thể ngăn chặn tin nhắn rác được không? Chắn chắn là có. Viettel đã phát triển hệ thống chặn spam vSMSC, VTTEK chặn tin nhắn theo tần suất, nguồn gửi và từ khoá. Mobifone cũng đã áp dụng hệ thống chặn từ khoá… Khó khăn về kỹ thuật của các nhà mạng hiện nay là các dịch vụ cloud SMS nhưng đòi hỏi các nhà mạng phải có phương án đáp ứng đòi hỏi năng lực này.
Tin nhắn rác hiện đang làm mưa làm gió, ảnh hưởng đến xã hội một cách nghiêm trọng. Tin nhắn rác không loại trừ bất cứ một ai. Từ một người dân đến những lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đều có thể trở thành nạn nhân của tin nhắn rác.
Nhất là các dịp sinh hoạt chính trị quan trọng, các thế lực thù địch lợi dụng tin nhắn rác để phá hoại đoàn kết nội bộ, làm ảnh hưởng uy tín cá nhân cần phải bị ngăn chặn và làm rõ.
Cân bằng lợi ích doanh nghiệp, lợi ích xã hội, lợi ích quốc gia, an ninh quốc gia là vấn đề phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc.
Bảo Hoàng