Kỹ thuật trốn chạy độc đáo của loài nhện sa mạc

Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 16:55, 07/05/2014

Một loài nhện mới được nhà phân loại học người Đức Peter Jäger phát hiện tại sa mạc thuộc đông nam Ma-rốc, có tên khoa học là Cebrennus rechenbergi không chỉ khiến cho các nhà nghiên cứu về loài mà các nhà nghiên cứu chế tạo công nghệ cũng cảm thấy rất thích thú vì cú nhảy độc đáo để trốn chạy của nó.

Loài nhện này là một sinh vật sống về đêm, ban ngày chúng giấu mình trong cát. Khi đi săn, nếu cảm thấy bị đe dọa, chúng sẽ có phản ứng chạy trốn bằng cách thực hiện động tác lật được gọi tên là “flic – flac” có thể làm tăng tốc độ của nó lên gấp đôi từ 3,3 mét mỗi giây vượt thành 6,6 mét.

Chúng ta biết rằng, từ trước tới nay có rất nhiều thành tựu khoa học công nghệ của loài người có được là từ việc bắt chước các loài sinh vật. Ví dụ như mấu đuôi của chuồn chuồn và bộ phận giữ thăng bằng cho phần đuôi của máy bay, hay việc phát sóng siêu âm của loài dơi,…

Động vật là một nguồn cảm hứng rất lớn để chế tạo nên các máy móc, rô bốt,… đặc biệt là đối với các vũ khí quân sự bí mật được sử dụng trong ngành tình báo.

Bởi thế, cú lật “flic-flac” độc đáo của loài nhện sa mạc này rất được các nhà khoa học quan tâm, chúng có thể gợi nên một ý tưởng nào đó cho chế tạo rô bốt. Vấn đề duy nhất có vẻ như hơi tiêu cực, đó là kỹ thuật lẩn tránh độc đáo này tiêu tốn rất nhiều năng lượng.

Nếu như loài nhện sa mạc này thực hiện khoảng năm đến mười lần trong vòng một ngày thì nó có thể chết.

Chúng ta cùng thưởng thức cú “flic-flac” độc đáo của loài Cebrennus rechenbergi qua clip:

T.An(theo tạp chí Discover)

Một Thế Giới