Khẳng định chủ quyền bằng nghiên cứu khoa học trên biển Đông
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 08:34, 18/06/2014
Bài báo “Hệ thống dầu khí và cơ chế hình thành các bể trầm tích ở thềm lục địa Việt Nam” do TS Nguyễn Xuân Huy cùng các đồng nghiệp nghiên cứu, vừa được đăng trên tạp chí chuyên ngành quốc tế Journal of Energy Sources vào đầu tháng 6 năm nay.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Huy hiện là giảng viên khoa Kỹ thuật Địa chất và dầu Khí, ĐH Bách khoa TP.HCM, đồng thời là giáo sư thỉnh giảng tại ĐH Sejong, Seoul, Hàn Quốc. TS Huy đã có hơn 20 bài báo được đăng trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật dầu khí.
Theo bài báo, các bể trầm tích tại biển Đông Việt Nam có trữ lượng dầu và khí rất lớn, ngoài ra còn tàng chứa nguồn tài nguyên mới cho tương lai đó là gas Hydrate (băng cháy) dưới biển sâu. Các nghiên cứu cho thấy bể trầm tích Cửu Long có trữ lượng dầu lớn nhất Việt Nam. Sau thời gian khai thác gần 30 năm, sản lượng khai thác của các mỏ đang suy giảm đáng kể, hơn một nửa so với lúc đỉnh điểm.
Lớn thứ 2 là bể trầm tích Nam Côn Sơn và Tư Chính - Vũng Mây (gần quần đảo Trường Sa), có trữ lượng dầu khí lớn, đặc biệt là khí (năng lượng sạch, dùng phát điện năng rất tốt). Tuy nhiên, do vấp phải sự quấy rối, gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông về ranh giới lãnh hải, nên một số mỏ đã được phát hiện từ năm 1992 tại đây, đến nay vẫn chưa thể đưa vào phát triển khai thác được, trong khi đây là vùng biển chủ quyền thuộc đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Hệ thống các bể trầm tích trên biển Đông Việt Nam
Theo nhiều tài liệu đã công bố, phần lớn các mỏ dầu khí ở các bể trầm tích biển Đông Việt Nam hiện đang được khai thác có chiều sâu mực nước biển lên đến hàng trăm mét. Tuy nhiên, công nghệ tìm kiếm, thăm dò và khai thác ở vùng nước sâu, xa bờ của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa bắt kịp được với trình độ của thế giới. Dự đoán, vùng này có trữ lượng dầu khí lớn gấp nhiều lần so với trữ lượng đã phát hiện được, đặc biệt là tiềm năng băng cháy.
Trong khi đó, TS Huy cho biết, Trung Quốc đã thành công trong việc vận hành khai thác ở vùng nước sâu tới 1.450 mét so với mực nước biển, đặc biệt hàng loạt mỏ dầu khí đã được phát hiện và đang khai thác ở vịnh Bắc Bộ, và bể trầm tích Qiongdongnan liền kề quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam…
Ngoài ý nghĩa khoa học, nội dung bài báo vừa được công bố trên tạp chí Journal of Energy Sources còn có ý nghĩa góp phần khẳng định chủ quyền các bể dầu khí của Việt Nam ở biển Đông, cũng là chủ quyền biển đảo dưới góc độ khoa học, thông qua các bản đồ, bảng biểu, số liệu minh chứng khoa học.
Lê Quỳnh