Từ Phù Sa nhìn lại câu chuyện phát triển công nghệ cao

Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 10:20, 04/07/2014

Từ thực tế phát triển của công ty Phù Sa cho thấy, người có năng lực thật sự sẽ biết cách thu hút vốn và đội ngũ để phát triển dự án phát triển doanh nghiệp, chứ không phải trông chờ vào chính sách hỗ trợ của nhà nước kiểu xin - cho.
Nhà khoa học Việt kiều chuộng "hàng" nội "tỉnh lẻ"
Cái tên Phù Sa của một công ty đặt trụ sở tại khu công nghiệp Bình Minh ven bờ Hậu Giang dễ khiến chúng ta hình dung về một công ty nông nghiệp bình thường. Nhưng đó là nơi sản xuất sản phẩm công nghệ gene Oligo đầu tiên ở Việt Nam do kỹ sư công nghệ sinh học Ngô Quốc Nam, một Việt kiều từ California - Mỹ về xây dựng. 
Nhìn từ trên cầu Mỹ Thuận, phía Vĩnh Long sẽ thấy lô xô mái nhà trắng của Phù Sa nằm lọt thỏm giữa mênh mông đất trống trong khu công nghiệp Bình Minh chưa được phủ kín. 
Sau 5 năm hoạt động, Phù Sa đã xây dựng các nhà xưởng, phòng thí nghiệm hiện đại theo tiêu chuẩn Mỹ và đang chuẩn bị xây toàn nhà 4 tầng trong năm 2015. Quan trọng hơn, một kế hoạch cử cán bộ kỹ thuật nòng cốt đưa sang đào tạo dài hạn tại Mỹ đã được ban giám đốc hoạch định trong năm 2014-2015.
Các sản phẩm của Phù Sa đều là sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học như Oligo (đoạn gene ngắn mạch đơn, dùng trong công nghệ gene, khuếch đại trình tự gene). Công nghệ này ứng dụng trực tiếp sản xuất Kit chẩn đoán, nghiên cứu, pháp y… 
Sản phẩm của Phù Sa được ứng dụng vào Kit chẩn đoán bệnh trên người - bệnh lao, thủy sản - bệnh đốm trắng trên tôm, trong nông nghiệp - chẩn đoán cây biến đổi gene hay còn gọi là cây GMO (Genetically Modified Organism). 
Ngoài ra còn có công nghệ sản xuất Frit (viên nhỏ màu trắng, dạng hình trụ tròn, bé như hạt đậu) là giá thể pha rắn dùng tổng hợp Oligo. Các chế phẩm này giúp giảm giá thành trong quá trình phát hiện bệnh, giúp người có thu nhập thấp cũng có khả năng chẩn đoán bệnh bằng công nghệ tiên tiến.
Điều đáng nói trong việc sản xuất ra các sản phẩm công nghệ cao, bên cạnh nhà khoa học Ngô Quốc Nam chính là các sinh viên tốt nghiệp tại các trường đại học trong nước như đại học Cần Thơ, đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, được tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp để huấn luyện đào tạo. Giờ đây, lứa sinh viên tuyển dụng đầu tiên năm 2008-2009 đã vững vàng ở các vị trí phó giám đốc, trưởng phòng hoá, phòng kỹ thuật.
Công ty đang liên kết, hợp tác hoạt động khoa học và ứng dụng cho công trình nghiên cứu đa dạng với bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP.HCM; khoa thủy sản nông nghiệp đại học Cần Thơ, Viện Sinh học Nhiệt đới TP.HCM.
Nhìn từ Phù Sa
Hiện nay, ngoài 2 khu công nghệ cao TP.HCM và Hoà Lạc thì còn nhiều khu công nghệ cao có quy mô nhỏ hơn và chuyên ngành, như khu nông nghiệp kỹ thuật cao.  
Bài học từ Mỹ cho thấy không phải thung lũng Silicon được lập ra trước để tạo ra những doanh nghiệp như HP, Microsoft, Apple… mà chính con người đã nghiên cứu sáng tạo ra nó. 
Tuy nhiên, ngay cả khu công nghệ cao TP.HCM được xem là hoạt động khá thành công thì hầu như chỉ toàn công ty nước ngoài. Và phần nhiều trong đó chỉ thực hiện sản phẩm lắp ráp chứ không thực sự nghiên cứu và sản xuất sản phẩm CNC như công ty Phù Sa. 
Việt Nam đã nhiều năm xem việc phát triển doanh nghiệp công nghệ cao là chiến lược quan trọng, giúp Việt Nam thực sự thoát khỏi cái “bẫy trung bình” để tiến vào nhóm các nước công nghiệp. Nhưng cho đến nay chương trình vẫn đang trong giai đoạn “tạo đà”.
Thực tiễn thành công của các công ty công nghệ cao Mỹ tại thung lũng Silicon, hay thành công của một số công ty công nghệ cao do Việt kiều về xây dựng như Phù Sa đã cho thấy để phát triển thành công doanh nghiệp công nghệ cao cần có một số yếu tố sau:
•  Quan trọng nhất là tạo môi trường thuận lợi để những người có tâm huyết và thực tài chủ động phát triển dự án và doanh nghiệp.
•  Những doanh nghiệp cần được hỗ trợ mạnh một cách chính đáng từ Chính phủ nếu có, phải là những doanh nghiệp đạt được kết quả rõ rệt bước đầu trên thị trường như công ty Phù Sa, chứ không phải là những doanh nghiệp với dự án được viết một cách thuyết phục.
•  Hạt nhân để phát triển công nghệ cao phải từ các nhà khoa học với kết quả nghiên cứu đã được thực chứng.
Phát triển công nghệ cao phải dựa vào con người có năng lực và đang lấy công nghệ cao làm hạt nhân chứ không phải từ chính sách, chương trình ưu đãi của Nhà nước với nhiều kinh phí đầu tư, dựa vào cơ chế xin cho và những người có “chức vị, học vị” nhưng lại không có công trình thực tế. 
Bài học từ Mỹ cho thấy không phải thung lũng Silicon được lập ra trước để tạo ra những doanh nghiệp như HP, Microsoft, Apple… mà chính con người đã nghiên cứu sáng tạo ra nó. Việt Nam bắt chước phần xác để bỏ tiền xây dựng khu công nghệ cao như Hoà Phát nhưng không tạo ra được phần hồn.
Việc trải thảm đỏ mời nhân tài hiện nay chỉ thu hút được các giáo sư hữu danh vô thực luôn đòi hỏi được ưu đãi cấp nhà, cấp tiền nghiên cứu nhưng kết quả thì luôn ở dạng triển vọng. Có người còn có quan điểm “hãy ưu đãi chúng tôi để tạo sự thu hút cho các người tài khác tin tưởng”. 
Từ thực tế phát triển của công ty Phù Sa cho thấy, người có năng lực thật sự sẽ biết cách thu hút vốn và đội ngũ để phát triển dự án phát triển doanh nghiệp. Tại Mỹ từ HP, Apple, Google đến gần đây nhất là Snapchat với 2 thành viên trẻ tuổi, sau 2 năm đã tạo ra doanh nghiệp 3 tỉ USD.
Hiện trạng của hệ thống viện - trường to
Thế nhưng, các nhận định trên không có nghĩa là phủ nhận vai trò của các chương trình phát triển hỗ trợ của Chính phủ như khu công nghệ cao, vườn ươm công nghệ và sắp tới có thể là quỹ đầu tư mạo hiểm  công nghệ cao. 
Điểm cốt yếu là các chương trình, chính sách này phải là điểm tựa để những người có thực tài chủ động sáng tạo, chứ không nên xem phần xác là vai trò chủ yếu để rồi tạo cơ chế xin - cho, đôi khi có tác dụng ngược, tạo điều kiện để người kém tài chỉ huy người tài hoặc “dìm” người tài.
Trong khoa học công nghệ ứng dụng để phát triển doanh nghiệp công nghệ cao, một dự án triển vọng phải được hiểu một cách chủ yếu nhất là tạo ra được kết quả có thể thu hút nhà đầu tư dám bỏ vốn ra đầu tư. Tất nhiên sẽ có những dự án được hỗ trợ ban đầu của Nhà nước nhưng không nên là phổ biến. 
Chỉ cần nhìn vào hệ thống viện - trường to lớn với kinh phí hàng năm rất lớn nhưng không thể tạo ra được máy nông nghiệp so với vài nông dân chứ chưa nói đến công nghệ cao.
Những doanh nghiệp cần được hỗ trợ mạnh một cách chính đáng của Chính phủ nếu có, phải là những doanh nghiệp đạt được kết quả rõ rệt bước đầu trên thị trường như công ty Phù Sa, chứ không phải là doanh nghiệp với dự án được viết một cách thuyết phục nhưng chưa có kết quả thực chứng để nhận được nhiều tỉ đồng đầu tư của Nhà nước.
Hạt nhân để phát triển công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao phải từ các nhà khoa học, có các công trình được thực chứng từ thị trường như thực tiễn phát triển công nghệ cao của Mỹ. 
Nếu xây dựng các chương trình, chính sách đồ sộ, bỏ nhiều chi phí cho hạ tầng, cho các chuyến tham quan, đề tài báo cáo… mà các nội dung mang tính xin - cho, xét duyệt chứ không dựa trên yếu tố con người và công trình cụ thể thì kết quả đóng góp vào GDP là các chi phí đầu tư đã bỏ ra, nhưng giá trị gia tăng cho nền kinh tế thì rất thấp, thậm chí bị âm. 
Chỉ cần nhìn vào hệ thống viện - trường to lớn với kinh phí hàng năm rất lớn nhưng không thể tạo ra được máy nông nghiệp so với vài nông dân chứ chưa nói đến công nghệ cao.
Bài toán "con gà và cái trứng"
Yếu tố quan trọng bậc nhất đối với một doanh nghiệp công nghệ cao chính là có nguồn nhân lực nghiên cứu trình độ cao. Từ việc thất bại trong việc đào tạo nhân lực  công nghệ cao các năm gần đây và thực tiễn thành công của công ty Phù Sa, có thể rút ra một số nhận định chính sau:
•  Quan trọng nhất là có môi trường ứng dụng, trong đó doanh nghiệp có nhu cầu thị trường là môi trường lý tưởng nhất. Thứ hai là có những người thầy “trụ cột” giỏi về ý tưởng sáng tạo và ứng dụng thực tiễn.
•  Đào tạo trong trường đại học cốt yếu là lý thuyết nền tảng và khả năng tự học hỏi. Doanh nghiệp là nơi tạo môi trường phát triển khả năng ứng dụng của sinh viên chứ không phải là nơi đòi hỏi sinh viên mới bước từ trường đại học ra đã giỏi việc, thậm chí phải giỏi những việc cần sáng tạo.
•  Nhân lực giỏi (đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp) phải là người được đào tạo và tự rèn luyện để có khả năng tự học hỏi từ thực tế công việc. 
Các trường đại học Việt Nam, thay vì luôn kết nối với nghiên cứu từ cuộc sống và giảng dạy để đưa trở lại cuộc sống thì lại “khệnh khạng” bắt sinh viên “tầm chương trích cú” những bài giảng đa số được sao chép từ sách. 
Tại Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng do nhân lực trình độ thấp nên các doanh nghiệp không phát triển được, ví dụ ngành phần mềm thất bại là do thiếu người giỏi. Do vậy cần phải đẩy mạnh phát triển đào tạo, dồn nguồn vật lực phát triển các trường đại học. 
Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngành công nghệ thông tin không phát triển được dù đã phát triển hàng trăm khoa công nghệ thông tin ở các trường đại học trong vòng chưa đến 10 năm. Hiện nay, dù tỉ lệ sinh viên trên dân số vẫn chưa bằng Thái Lan, nhưng đã dư thừa sinh viên và sẽ tiếp tục tăng dư thừa trong nhiều năm tới. 
Trong bài toán “con gà - cái trứng, cái nào có trước” thì doanh nghiệp và thị trường mới là người quyết định. 
Do vậy giữa 2 nhiệm vụ “tạo môi trường phát triển doanh nghiệp để phát triển đội ngũ nhân lực” và “đào tạo nhân lực để thu hút doanh nghiệp” thì nhiệm vụ thứ nhất phải là trọng tâm, không nên “cầm đèn chạy trước xe” để tốn hao tài lực của quốc gia và người dân.
Một quan điểm sai lầm nữa là đòi hỏi các trường đại học trang bị thiết bị hiện đại như doanh nghiệp, “doanh nghiệp có máy gì mới thì trường phải có máy đó”. Quan điểm này xuất phát từ sự thiếu thốn và lạc hậu thiết bị đào tạo. 
Đây là quan điểm cực đoan “nói theo thời thượng” mà không hiểu cốt lõi của đào tạo nhân lực trình độ cao; thiên về phần xác mà quên chức năng trọng tâm của trường đại học là tạo kiến thức nền tảng khoa học và khả năng tự học hỏi của sinh viên. 
Rất nhiều sinh viên giai đoạn 1975-1990 học chương trình cũ, thiết bị lạc hậu nhưng vẫn đảm đương các công việc trình độ cao với thiết bị hiện đại, đó là do kiến thức nền và năng lực tiếp thu tốt. Trong khi hiện nay với chương trình và thiết bị hiện đại nhưng nhiều sinh viên không đáp ứng được công việc. 
Một tình trạng nguy hiểm khác là đang có sự kiêu ngạo trong chức danh và học vị của nhiều giảng viên ở trường đại học; cổ vũ cho nhân lực trình độ cao có nghĩa là thi đạt điểm cao và lấy bằng cấp cao. 
Rất nhiều lãnh đạo khoa, viện nghiên cứu do chức danh và học vị mà có chứ không từ các lý thuyết, công trình nghiên cứu được xã hội thực chứng. Rất nhiều người trọng vọng trình độ khoa học bằng chức danh và học vị, mà quên rằng ngay cả những lý thuyết vật lý bao quát và sâu nhất như thuyết hấp dẫn của Newton và thuyết tương đối của A.Einstein được tạo ra ngoài khung trường đại học. 
Như vậy, các trường đại học Việt Nam, thay vì luôn kết nối với nghiên cứu từ cuộc sống và giảng dạy để đưa trở lại cuộc sống thì lại “khệnh khạng” bắt sinh viên “tầm chương trích cú” những bài giảng đa số được sao chép từ sách. 
Phù Sa đã chứng minh ngược cho quan điểm và cách thức giảng dạy tại nhiều trường đại học hiện nay về kiến thức và nhân lực. Từ những sinh viên bình thường ở “tỉnh lẻ” vẫn tiếp thu và đảm đương được công việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao mà không cần các chương trình đào tạo chất lượng cao hay chương trình đào tạo 10.000 tiến sĩ…
TS. Đinh Thế Hiển

Một Thế Giới