Từ liveshow Lê Uyên: Trả lại cho con người cái gì của con người
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 15:28, 01/12/2014
Đưa tin về live show Sol vàng của nữ danh ca Lê Uyên hôm 8.11, báo Tuổi Trẻ ngày 10.11 viết: “Sáu năm trước, trong chương trình Duyên dáng Việt Nam 19, nữ ca sĩ Lê Uyên xuất hiện lần đầu sau 30 năm xa quê bằng một bài hát của nhạc sĩ Lê Uyên Phương (Vũng lầy của chúng ta). Sáu năm sau, cũng vẫn bài ấy và thêm được sáu bài hát nữa được cấp phép hát chính thức cho chương trình Sol vàng. Bảy sáng tác của Lê Uyên Phương cho một live show chính thức đầu tiên dù hơi ít, nhưng cũng đủ trở thành chiếc
Điều gì đã làm cho những nhạc phẩm 40 năm trước của Lê Uyên Phương cũng như những Bài không tên của Vũ Thành An vừa được cấp phép cũng trong những ngày này và trước đó nữa là một số bài của Phạm Duy và một số nhạc sĩ khác, trải qua bao chông gai, cuối cùng cũng đã được thừa nhận và chính thức đến với công chúng? Điều gì đã làm nên sức sống, làm nên giá trị lâu bền của những nhạc phẩm ấy, để cuối cùng chúng được chính thức công nhận?Ai cũng biết, trước đó, dù chưa được cấp phép chính thức thì ở những chỗ riêng tư những ca khúc ấy vẫn cất lên trên môi của những người yêu nhạc và yêu những gì chứa trong ca từ của những nhạc phẩm ấy. Đó là vì chứa đậm trong ca từ của những ca khúc ấy chính là tính nhân bản, là tình người, là những gì liên quan đến con người mà cho dù chiến tranh, đạn bom, máu lửa, sự xung đột ý thức hệ - bối cảnh ra đời của những ca khúc ấy - vẫn không xoá nhoà đi được, làm mất đi được nơi người sáng tác và cả nơi người nghe. Cái gì thực sự thuộc về con người thì dù có bị vùi dập, bị quy kết, bị cố tình làm cho lãng quên, cuối cùng cũng sẽ trở về với con người. Vì con người không chỉ có một chiều chiến đấu. Chiến đấu chỉ là một trạng thái nhất thời, có khi là một hoàn cảnh bất thường mà con người bị đặt vào. Con người còn có những nhu cầu bình thường như hơi thở: yêu một giọt nắng, một giọt mưa, yêu thương giận hờn đôi lứa, yêu cảnh thanh bình, ghét chém giết, mong mỏi hoà bình, thương một cảnh đời,một phận người, ngậm ngùi cho một hoàn cảnh lịch sử của đất nước v.v.
Chứa đậm trong ca từ của những ca khúc ấy chính là tính nhân bản, là tình người, là những gì liên quan đến con người mà cho dù chiến tranh, đạn bom, máu lửa, sự xung đột ý thức hệ – bối cảnh ra đời của những ca khúc ấy – vẫn không xoá nhoà đi được, làm mất đi được nơi người sáng tác và cả nơi người nghe.
Ấy vậy mà trong quá khứ chưa xa, vì ý thức hệ, vì hẹp hòi hoặc có khi chỉ vì những thứ trần trụi hơn, tất cả những thứ rất đỗi bình thường và rất người ấy đã bị lên án, bị cấm đoán, bị phủ định, bóp méo, xuyên tạc, cố tình làm cho quên lãng. Người ta vẫn còn nhớ, chưa phải lâu lắc gì, một ca khúc về mùa thu và nỗi nhớ nhung đôi lứa phổ từ một bài thơ của thi sĩ Pháp Guillaume Apollinaire ra đời từ lâu trước tháng 8.1945 đã bị chụp cho cái mũ chính trị như thế nào. Do đó mà dẫu sao sự thừa nhận chính thức hôm nay đối với một số ca khúc Sài Gòn trước 1975 cũng là điều đáng ghi nhận, dù vẫn còn nhiều điều cần xem xét thêm nữa.
Nguyễn Phú Yên, một nhạc sĩ của phong trào sinh viên học sinh miền Nam trước 1975, trong một bài đăng trên trang Facebook cá nhân của anh ngày 14.11.2014 có tựa là Trao đổi với Nguyễn Thuỵ Kha về ca nhạc Sài Gòn trước 1975, viết: “Và đây, hãy nghe Trịnh Công Sơn hát: “Ai có nghe, ai có nghe tiếng nói người Việt Nam. Chỉ mong hoà bình sau cơn tăm tối, chỉ mong một ngày tay ấm trong tay...”.Nguyễn Thuỵ Kha có hiểu được tâm tư người lính và khát vọng hoà bình cháy bỏng trong lòng người thanh niên miền Nam không? Dù sao kết bài anh cũng viết được: “Bây giờ nhìn lại, mới thấy quý những góc nhìn chân thực... những giai điệu thấm vào lòng người, mang ý nghĩa gợi mở cho cách nhìn hôm nay thêm một lần nhận rõ về cuộc chiến tranh đã đi qua”. Anh đã nghe ra được những giai điệu ấy trong ca khúc Sài Gòn! Rất mong nhiều người trong chúng ta, kể cả Nguyễn Thuỵ Kha, vượt qua được cái nhìn hời hợt, phiến diện, định kiến phi học thuật, nhiều thiếu sót và ác cảm trong mấy chục năm qua để nhìn lại cuộc chiến tranh đẫm máu mang tên Việt Nam, để hiểu rõ con người miền Nam, âm nhạc Sài Gòn nói riêng và tài sản văn hoá văn nghệ miền Nam nói chung, vốn đã bị khai tử sau ngày 30.4.1975! Bất cứ dòng ca nhạc nào cũng đều có bài hay, bài dở; vấn đề là biết gạn đục khơi trong, biết giữ lại những điều giá trị nhất. Ca nhạc Sài Gòn trước 1975 còn tồn tại được chính do giá trị nghệ thuật thấm đẫm tinh thần nhân bản bao đời ăn sâu trong tâm hồn Việt vậy”.
Cách đây mấy năm, có mặt ở chợ Cửa Lò, Nghệ An ngày gần Tết, tôi đã nghe vang lên từ chiếc loa gắn trên một chiếc xe đạp bán dạo bài Xuân này con không về, một ca khúc của miền Nam trước 1975. Mọi người đều lắng nghe, tỏ ra ưa thích.“Con biết bây giờ mẹ chờ tin con/ Khi thấy mai đào nở vàng bên nương /Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về /Nay én bay đầy trước ngõ /Mà tin con vẫn xa ngàn xa/ Ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui /Nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi/ Bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng/ Trông bánh chưng ngồi chờ sáng /Đỏ hây hây những đôi má đào/ Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm/ Mái tranh nghèo không người sửa sang/ Khu vườn thiếu hoa đào mừng xuân/ Đàn trẻ thơ ngây chờ mong/ Anh trai sẽ đem về cho tà áo mới/ Ba ngày xuân đi khoe phố phường…”. Có lẽ những ca từ giản dị, mộc mạc mà chân thật, đẫm tính người ấy đã chinh phục được những con người bình thường ở một miền đất mà trong quá khứ từng đối địch với miền đất của tác giả ca khúc.Âm nhạc, một khi chứa đựng nỗi niềm của con người, quả là không có biên giới.
Térence, nhà văn, nhà viết kịch La Mã từng có câu nói được coi là ngọn nguồn của chủ nghĩa nhân bản ở châu Âu từ thế kỷ 16: “Tôi là người, và không có cái gì thuộc về con người lại xa lạ với tôi”. Có lẽ đã đến lúc cần trả lại chiến tranh cho chiến tranh và trả hết lại cho con người cái gì thuộc về con người trong ca nhạc, và không chỉ trong ca nhạc.
Theo Đoàn Khắc Xuyên (Người Đô Thị)