Những scandal chấn động của Victoria's Secret
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 15:00, 02/12/2014
Không chỉ chăm cải tiến mẫu mã, nắm bắt thị hiếu của phái đẹp, hãng nội y nổi tiếng còn nhanh nhạy trong việc tạo các chiêu PR đánh bóng tên tuổi như tổ chức show thời trang đầy sáng tạo, thuê dàn chân dài hàng đầu sexy nhất hành tinh hay sản xuất những bộ nội y triệu đô độc đáo. Tuy nhiên bên cạnh thành công, Victoria s Secret không ít lần vướng phải những scandal lùm xùm khiến danh tiếng ít nhiều bị giảm đi.
Tối nay, show diễn được trông đợi nhất hình tinh - Victoria s Secret 2014 sẽ chính thức diễn ra. Nhân sự kiện này, cùng nhìn lạ những scandals để đời của thương hiệu đồ lót nổi tiếng thế giới.
Bị tẩy chay vì thông điệp "Cơ thể hoàn hảo"
Ngay trong không khí náo nức chờ đợi Victoria s Secret Fashion Show 2014, một tin không hay lại đến với thương hiệu nội y nước Mỹ vào đầu tháng 11 khi chiến dịch quảng cáo với thông điệp "Perfect Body" (Tạm dịch: Cơ thể hoàn hảo) vừa tung ra đã bị phản đối rầm rộ. Theo đó, chữ "Body" trong ngoặc kép hãng để nhằm ám chỉ dòng nội y mang tên Body chứ không phải cơ thể người mẫu. Tuy nhiên, một nhóm sinh viên Anh (khởi xướng là Gabriella Kountourides, Laura Ferris và Frances Black) phối hợp trang web Charge.org đã cho rằng thông điệp này mang tính xúc phạm, vô trách nhiệm và độc ác. Theo họ, việc đặt slogan “Thân hình hoàn hảo” trên hình ảnh những siêu mẫu Behati Prinsloo, Lily Aldridge.. mảnh mai, chân dài, eo thon của Victoria’s Secret là “ám chỉ” phải gầy mới là đẹp, là hoàn hảo. Điều này gây khó chịu và bị cho là đả kích lớn đối với 99,9% số nữ giới trên thế giới, những người không có vẻ ngoài đạt đủ tiêu chuẩn như hãng đưa ra. Quảng cáo này của Victoria’s Secret nhanh chóng gây ra nỗi thất vọng và chỉ trích trên diện rộng.
Nhiều phụ huynh cũng đồng tình với nhóm sinh viên vì sợ các con gái của mình sẽ bị ám ảnh bởi vòng một nở nang và eo con kiến như các thiên thần nội y. Họ cho rằng quảng cáo không phù hợp với tất cả phụ nữ vì không phải ai cũng có số đo như vậy. Thân hình gầy gò, thiếu sức sống của các siêu mẫu Victoria s Secret không phải là chuẩn.
Một trong những scandal chấn động của Victoria s Secret là ngầm chê bai phụ nữ thấp và béo |
Bê bối "ngoại tình" của nữ giám đốc điều hành
Có vẻ như mối quan hệ cá nhân không ảnh hưởng đến thương hiệu, nhưng thực tế scandal này lại khiến hãng nội y được chú ý nhiều hơn, vì cái tên của bà Sharen Jester Turney luôn được gắn với Victoria s Secret.
Bà Sharen sinh năm 1957, hiện là CEO và Chủ tịch của Victoria s Secret. Tháng 9/2013, bí mật về chuyện ngoại tình của bà thu hút tò mò của không ít người hâm mộ. Người tình của bà, nhà môi giới bất động sản Cliff Donenfeld (50 tuổi) chính là người khơi ra tin đồn. Ông Cliff cho biết đã gặp bà Sharen từ 2008, quan hệ với nhau bí mật trong suốt 2 năm. Bà chủ Victoria s Secret còn hứa sẽ bỏ chồng để chung sống với ông Cliff trong một biệt thự triệu đô.
Tuy nhiên, mối quan hệ của họ tan vỡ năm 2010 dù vẫn coi nhau là bạn. Đến năm 2013, Cliff nhờ bà nữ triệu phú giới thiệu cho ông gia nhập làng thời trang nhưng bà kiên quyết từ chối khiến quý ông này rất đau đớn và thất vọng. Quá đau khổ vì thấy mình "chỉ là công cụ của bà ấy trong suốt 2 năm, từ cuộc sống cá nhân cho đến công việc", trong khi chưa từng đòi hỏi bà bất cứ điều gì, ông quyết định tiết lộ sự việc.
Người đại diện của Limited Brands cho biết, công ty không bình luận về đời sống riêng tư của nhân viên, phía bà Sharen cũng không xác nhận sự việc. Theo lý lẽ thông thường, câu chuyện ngoại tình của cá nhân vị giám đốc điều hành không liên quan gì đến thương hiệu. Nhưng thực tế, sự việc này một lần nữa lại "hâm nóng" tên hãng nội y Victoria s Secret, được không ít người quan tâm. Một số người nói vui, chuyện giữa quý bà "hồi xuân" và gã "phi công" đào mỏ có thể làm các quý bà ùn ùn kéo đến các cửa hàng của Victoria s Secret vì chắc hẳn một phần nhờ những bộ nội y hấp dẫn mà bà Sharen quyến rũ được người đàn ông 50 tuổi kia.
Quảng cáo đồ lót khêu gợi dành cho trẻ em
Đầu năm 2013, Victoria s Secret cho ra mắt bộ sưu tập Pink dành cho các cô gái trẻ kèm theo chiến dịch quảng cáo với slogan "Bright young things". Ngay lập tức, chiến dịch quảng cáo này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các bậc phụ huynh có con em 13-16 tuổi. Họ cho rằng các sản phẩm quá khêu gợi, slogan và những dòng chữ trên trang phục rất nhạy cảm, sẽ khiến các bé quan tâm đến ngoại hình và cổ súy quan hệ tình dục khi còn quá nhỏ.
Hãng nội y bị hàng loạt người tiêu dùng buộc tội "cố tình tiêm nhiễm tư tưởng người lớn" vào đầu con cái họ, khiến họ khó nuôi dạy con cái theo lối sống lành mạnh và không chấp nhận được việc thương hiệu nước Mỹ nhắm đến các bé độ tuổi trung học vào chiến dịch thương mại của mình. Nhiều khách hàng quen thuộc còn tuyên bố sẽ không dùng đồ Victoria s Secret nữa vì hành động xấu này.
Động chạm đến trang phục truyền thống của thổ dân Mỹ
Show Victoria s Secret năm 2012, diễn ra ngày 7/11 tại New York đã gây được hiệu ứng nồng nhiệt từ khán giả. Tuy nhiên, một sự kiện mà hãng nội y không hề ngờ tới là bộ trang phục do chân dài Karlie Kloss trình diễn bị những người Mỹ bản địa chỉ trích gay gắt.
Trang phục gồm bộ đồ lót bằng da lộn, đi kèm trang sức màu ngọc lam và mũ lông lấy cảm hứng từ chiếc mũ truyền thống của nam giới thuộc bộ tộc da đỏ Sioux, tượng trưng cho sự dũng cảm của họ. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, để một phụ nữ da trắng đội chiếc mũ là một hành động đặc biệt xúc phạm và chà đạp lên giá trị văn hóa, phân biệt chủng tộc
Trước những tranh cãi và sự phẫn nộ của người Mỹ bản địa, phát ngôn viên Tammy Robert Meyers của Limited Brands - công ty sở hữu Victoria Secret đã chính thức nói lời xin lỗi và hứa sẽ cắt phần trình diễn trang phục này trước khi phát trên truyền hình vào ngày 4/12 năm đó. Chân dài Karlie Kloss cũng lấy làm tiếc về điều này: "Tôi thành thực xin lỗi nếu những gì tôi mặc trong chương trình của Victoria s Secret xúc phạm đến ai đó. Tôi ủng hộ quyết định của Victoria s Secret để loại bỏ trang phục này khỏi chương trình phát sóng".
Nghi án gian dối về chất liệu và liên quan đến nạn bóc lột lao động trẻ em
Vụ bê bối của Victoria s Secret công bố vào cuối năm 2011 được coi là khá chấn động trong làng thời trang. Theo đó, cuộc điều tra của phóng viên hãng thông tấn Bloomberg đã tố cáo hãng nội y nước Mỹ liên quan đến việc bóc lột lao động trẻ em trong trang trại trồng bông vải tại quốc gia châu Phi Burkina Faso. Mặc dù đã cam đoan sẽ dùng các chất liệu bông nhân tạo, Victoria s Secret vẫn bị "lật tẩy" đây là chỉ là lời hứa suông.
Rất nhiều sản phẩm của Victoria s Secret được may từ sợi bông xuất xứ từ Burkina Faso do trẻ em trồng. Những em bé này chỉ khoảng trên dưới 10 tuổi, phải bỏ học, bị ép buộc lao động hàng nhiều giờ mà không được trả công.
Loại bông này được Victoria s Secret nhập khẩu, đem đến các nhà máy ở Ấn Độ và Srilanka rồi sản xuất ra những bộ nội y đắt đỏ. Trong khi đó từ năm 2007, Victoria s Secret đã là đối tác của Tổ chức Thương mại Thế giới của WTO (Fair Trade) và chương trình bông hữu cơ vi sinh organic cotton thân thiện với môi trường (không phun thuốc trừ sâu, không chứa chất độc hại, bảo vệ sức khỏe). Bộ sưu tập nội y mùa Valentine năm 2009 được tung ra với lời hứa sử dụng 100% bông hữu cơ. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn trái ngược khi những gì Victoria s Secret đã làm là tiếp tay cho việc lạm dụng lao động dưới tuổi vị thành niên, đồng thời chất xơ (fiber) được trộn vào để sản xuất hàng nghìn bộ nội y.
(Theo Đẹpplus)