Nhà thơ Dương Kỳ Anh: “Nghệ thuật không phải là cởi quần áo, gào thét gàn dở”
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 09:24, 13/01/2015
Năm 2014, cái tên Lệ Rơi như từ trên trời rơi xuống làng giải trí, những tác phẩm trình làng của Lệ Rơi là những bản cover gây đinh tai, nhức óc cho người nghe, nhưng lại được cộng đồng mạng ở khắp nơi tung hô, tán thưởng. Theo ông, những thứ dở tệ được tung hô như những tác phẩm nghệ thuật lại được khán giả đón nhận, phải chăng gu thưởng thức nghệ thuật của khán giả đang ở mức báo động?
Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Đúng như vậy đấy! Hiện nay có một bộ phận khán giả, gu thưởng thức nghệ thuật đang bị hạ thấp. Nhưng tôi nghĩ, những người làm nghệ thuật, văn học, thi ca... chân chính không nên chiều theo những gu thưởng thức hạ thấp ấy. Đừng vì chạy theo thương mại mà chiều theo những gu thấp quá như vậy, làm cho cuộc sống, văn hóa của nước mình dần dần có thể bị băng hoại.
Chính vì thế, rất cần những người làm nghệ thuật chân chính hãy tìm cách nâng cao thị hiếu thưởng thức cho khán giả, không nên đánh tụt hay hạ quá thấp nghệ thuật cho ngang bằng với thị hiếu của khán giả, để thu hút khán giả. Làm nghệ thuật mà vì tiền thì vứt hết!
Mà tôi thấy không riêng gì hiện tuợng Lệ Rơi đâu, ngay cả trong văn học nghệ thuật, kể cả thơ, truyện, sách..., nhiều tác phẩm rẻ tiền lắm, nó cũng chi cần đáp ứng nhu cầu rất rẻ tiền của một bộ phận người đọc. Thế nên, những tác phẩm ấy không đi sâu vào vấn đề lớn của đất nước, của nhân loại, của con người, vấn đề của triết học... hay những vấn đề thuộc về đạo lý, truyền thống văn hóa nghìn đời của nhân dân ta.
Nếu khán giả cứ chiều theo mà đón nhận những thứ nhiều phần phản cảm, phản nghệ thuật ấy, chẳng khác nào họ đang làm cho nghệ thuật đi vào ngõ cụt, ngõ tối?
Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Đúng là một số thứ, một số xu hướng trong nghệ thuật đang đi vào những con đường cụt.
Những người làm nghệ thuật chân chính, đổ mồ hôi, công sức học tập, rèn giũa... dường như lại ít được truyền thông để mắt đến, nhưng những hiện tượng “dị dạng, bất thường” như Lệ Rơi hay là cô diễn viên chỉ nổi tiếng với một vai diễn như Angela Phương Trinh; thường xuyên tạo scandal bằng những thứ trang phục hở hang, “lộ hàng”, phản cảm, phát ngôn gây sốc... thậm chí còn bị Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấm vì trang phục biểu diễn phản cảm... lại liên tục được báo chí đưa tin, đăng tải hình ảnh. Như vậy có quá bất công với những con người làm nghệ thuật chân chính hay không?
Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Không những bất công mà nó còn tạo ra một nghịch lý là những cái hay, cái đẹp, cái bổ ích thực sự thì không được tung hô, không được tuyên truyền quảng bá, không được đưa đến với công chúng. Ngược lại những thứ “rẻ tiền”, thậm chí chả ra làm sao... thì lại được quan tâm.
Tôi nghĩ, đã đến lúc báo chí nên có định hướng khi đưa tin, hãy dè chừng với những thứ đó, vừa phải thôi, đừng có tung hô nữa. Nên tập trung vào những tác phẩm nghệ thuật thực sự. Có thể, buổi đầu những tác phẩm nghệ thuật chính đáng, những bài thơ hay, truyện hay... nó không hấp dẫn lắm bởi người ta chưa biết đến, nhưng khi biết đến rồi, tôi nghĩ khán giả sẽ chẳng bao giờ quay lưng đâu.
Nhưng điều đáng lo ngại hiện nay là những thứ thật giả cứ lẫn lộn. Trên một tờ báo mà đưa cả hay cả giở, lẫn lộn như thế thì người đọc chả muốn xem, chả muốn đọc nữa, bởi họ chả biết đâu mà lần.
Cẩn thái độ phê phán
Nói như ông, những thứ “nghệ thuật rẻ tiền" kia tồn tại được là do lỗi tại truyền thông, báo chí?
Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Không phải lỗi tại truyền thông, mà truyền thông có lỗi một phần trong đó. Hiện giờ, nếu không có truyền thông thì mạng xã hội cũng rất nhiều, không có thứ này sẽ có thứ khác.
Ông có lo ngại khi những hiện tượng như Lệ Rơi hay những cô nàng gây bão bằng việc phát ngôn gây sốc, “lộ hàng” như Angela Phương Trinh đuờng đường chính chính xuất hiện trên các kênh truyền hình quốc gia?
Nhà thơ Dương Kỳ Anh: - Tôi nghĩ, đó là những điều không nên, nếu đưa, hãy đưa ở khía cạnh đó là những hiện tượng cần phải phê phán, hay rút kinh nghiệm gì đó. Chứ mà đưa họ như những tấm gương cần được biểu dương, hay tán thưởng thì thật là... hài hước!
Vốn dĩ, sóng truyền hình quốc gia có cả triệu triệu người xem, nếu như giới trẻ học theo cách làm và lối sống của những nhân vật ấy trên truyền hình thì sẽ ra sao?
Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Truyền hình thường tác động rất mạnh đến khán giả, nhất là lớp khán giả trẻ, bước đầu họ chưa biết phân biệt đầy đủ, rất dễ làm cho một bộ phận giới trẻ bị lạc, lạc vào những cái không phải hay, thậm chí họ tưởng cái dở là cái hay. Cho nên, những nguời làm báo chí, làm truyền hình cần phải hết sức thận trọng khi chọn vấn đề để đưa lên sóng, lên báo, lên mạng...
Vậy theo ông, làm thế nào để loại bỏ được những cơn gió độc gây hại này?
Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Cái này thuộc về các cơ quan quản lý, không nên làm ngơ.
Từ những vấn đề trên, ông có nghĩ rằng, đạo đức xã hội đang ngày một suy thoái?
Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Suy thoái và xuống cấp nghiêm trọng! Có một câu thơ của nhà thơ Nga mà tôi rất tâm đắc thế này: “Cuộc đời đã dở, trách nhau càng buồn! Dành nhau tốt cảnh tức cười hơn.”
Ông có cho rằng, nghệ thuật là những thứ ngẫu hứng, tự phát mà không phải rèn giũa khổ công rèn luyện?
Nhà thơ Dương Kỳ Anh: - Nghệ thuật, lúc ra đời có thể là ngẫu hứng nhưng nghệ thuật chưa bao giờ hình thành theo kiểu tự phát. Nghệ thuật bao giờ cũng có một con đường để người ta theo đuổi, sống chết cả đời, hi sinh cả đời, mất mát cả đời mới hình thành được.
Cả đời người ta mới vẽ ra được một bức tranh, mới sáng tác được một bài thơ hay,... họ phải đọc hàng ngàn cuốn sách, đi khắp nơi trải nghiệm, vui sướng khổ đau tột cùng, thậm chí phải trả giá mới hình thành được những tác phẩm ấy. Chứ không phải chỉ cởi quần, cởi áo, gàn dở hay gào thét thế này thế khác là làm nghệ thuật đâu. Nói đến những vấn đề này, tôi thấy buồn lắm!
Cám ơn ông về cuộc trò chuyện!
Theo Phương Trinh / Đời sống & Pháp luật