'Nghệ sĩ già' Mạc Can lại nhập viện
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 07:00, 28/01/2015
Nhắc lại tình bạn già với NSUT Hồ Kiểng lúc sinh thời, Mạc Can suy tư: “Tui với ông Hồ Kiểng thấy vậy chứ lạc quan lắm, không “khổ” như mọi người vẫn nghĩ đâu!”.
Cái “khổ” mà ông nói ở đây không phải là sự thiếu thốn, cơ cực mà là “khổ” trong tâm hồn. Ông nói, nhiều người nhìn vào cứ tưởng những người như ông sẽ buồn lắm cho cuộc đời của mình. Nhưng mọi người đâu có hiểu được, vì đó là cái “tụi tui” đã chọn và chấp nhận, thế nên thay vì buồn bã hãy cứ vui vẻ đối mặt. Cũng như ai đó nhìn ông xót xa rằng có bao giờ cảm thấy cuộc đời quá bất công với mình không, ông chỉ bật cười: “Người đời họ than thay cho tui, chứ bản thân tui nào có thấy buồn, thấy khổ. Nghèo thì nghèo thật, khổ cũng khổ thật, cuộc đời rày đây mai đó thật... nhưng biết phải làm sao nếu không vui với nó?".
Mạc Can của những ngày này lại vất vả với đôi chân của mình, cái đôi chân ngày nào đưa ông lang bạc “rong chơi”, giờ phải ngồi lặng yên bởi nó sưng phù đau nhức... Hôm qua còn làm “ông lão ăn mày” cho bộ phim đang dang dở ở Bình Dương, hôm nay lại phải về để vào bệnh viện Nguyễn Tri Phương “đặng... mong được uống thuốc”.
Gặp Mạc Can lần này, thấy ông gầy hẳn, nghe tin bác sĩ lại bảo bị thoái hóa khớp, ông thở dài rồi bật cười. Cái cười cứ làm người đối diện phải lúng túng vì không biết ông đang nghĩ gì... Ông lại trấn an: “Già rồi cháu, sao tránh khỏi được bệnh tật...”, nhưng rồi bất chợt nhìn thấy bác sĩ đẩy một bệnh nhân lớn tuổi nằm bất động trên giường bệnh, ông nhắm mắt, quay đi, nhìn xa xăm...
Trong lúc đợi bác sĩ gọi tên, ông hàn huyên chuyện trò với những người xung quanh. Ông nói: “Bác sĩ ở đây ưu ái cho tui lắm, họ bảo ngày thường tui đi phục vụ bà con, bây giờ tui vào đây, họ sẽ hết lòng phục vụ để tui mau khỏe”. Hết chuyện vào viện, ông lại kể đến chuyện viết văn, làm báo... Tuy câu chữ đứt quãng, giọng nói yếu ớt, có khi đang nói lại trầm ngâm suy nghĩ, rồi cười, thế mà ai cũng “sướng rơn” ngồi nhìn ông trìu mến. Chứng kiến những cái nắm tay, những câu động viên từ các bác sĩ, y tá, từ những người xa lạ mới thấy thấm thía cái câu “nghèo tiền, nghèo bạc chẳng lo/ Nghèo nhân, nghèo nghĩa mới lo là nghèo...”.
Chẳng muốn nhắc lại chữ nghèo, chữ khổ đúng nghĩa của cuộc đời Mạc Can. Bởi khi trò chuyện cùng ông, mới thấy chẳng đành lòng để người nghệ sĩ già này một lần nữa phải gập ghềnh trên những đoạn gian truân hay lặn hụp trong từng câu chữ nặng nhọc của những kẻ viết báo, làm thơ... Bây giờ, Mạc Can của thường ngày là một nghệ sĩ, những lúc rảnh rỗi thì làm nhà văn, rồi tết đến lại hóa thành ông hề. Cứ thế, ông chẳng mong gì ngoài việc có đủ sức khỏe để được “phục vụ bà con”.
Ông bây giờ, chẳng còn mong Tết như ngày còn bé, nếu có chăng, Tết đến để ông được làm ông hề già chọc vui các cháu thiếu nhi. Niềm vui của ông là được làm người khác vui, cười. Ấy thế mà, ông khóc. Không phải khóc vì buồn hay tủi, mà vì ông vui quá, hạnh phúc quá khi thấy mình còn đủ sức để tạo tiếng cười cho những người yêu mến ông. Ông trãi lòng: “Có những lần thấy người ta cười, mình cũng cười theo nhưng là cười trong nước mắt...”
Thế nên nhắc đến tết lòng lại rộn ràng, bước chân không mỏi hứa hẹn sẽ tìm đến những nơi xa xôi, hẻo lánh khô cằn, chỉ một mình thôi, cứ thế đi để mang xuân góp nắng, để rồi có một Mạc Can cứ đi là người ta nhớ, ở lại làm người ta thương...
Oanh Thủy