Yếu kém trong giám sát đầu tư, thất thoát hàng nghìn tỉ đồng
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 13:21, 29/03/2016
Thất thoát, lãng phí nghìn tỉ
“Tôi xin lấy ví dụ về đầu tư xây dựng. Chúng ta đầu tư thiếu đồng bộ, dàn trải nên là gây thất thoát lãng phí rất lớn. Một cái cụm cảng Cái Mép – Thị Vải đầu tư 40 nghìn tỉ, do không đồng bộ nên không khai thác được toàn bộ. Cho đến nay, theo báo cáo chỉ khai thác được 20%. Đồng nghĩa với 80%, 32 nghìn tỉ chưa sử dụng được, gây lãng phí” – ông Trường nói.
Ông Trường dẫn thêm ví dụ, chúng ta lãng phí lớn như đầu tư vào làng sinh viên ở Lâm Đồng, hàng nghìn tỉ chỉ có một sinh viên ở. Rồi chúng ta đầu tư vào đường sắt ở Quảng Ninh cả nghìn tỉ nhưng mỗi ngày chỉ bán được 1 vé du lịch. Hay các công trình mà chúng ta đầu tư rất hoành tráng như các nhà thi đấu ở các địa phương, mỗi cái vài ba trăm tỉ đến nghìn tỉ nhưng mỗi năm chỉ sử dụng được vài ngày.
Theo ông Trường, về vấn đề đầu tư cho vùng sâu vùng xa, Chính phủ đầu tư là rất đúng nhưng công tác kiểm soát rất yếu, gây thất thoát, không hiệu quả. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta biết được các trường học được đầu tư nhưng không có học sinh, các trạm xá xây lên không có bác sĩ, không có cả bệnh nhân…Như vậy, cái đó đầu tư là không hiệu quả, lãng phí.
“Chúng tôi đề nghị trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa tới, cần phải giám sát chặt chẽ trong công tác đầu tư cho vùng sâu vùng xa bởi chủ trương đầu tư là đúng, nhưng không giám sát được thì cũng không hiệu quả” – ông Trường nói.
Theo vị đại biểu này, trong thời gian qua, nếu cộng những lãng phí riêng ở lĩnh vực đầu tư cơ bản thì chúng ta có thể dùng để đầu tư cho rất nhiều chương trình an sinh xã hội. Chính phủ, Quốc hội khóa tới cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này.
Cũng nói về vấn đề trên, đại biểu Trịnh Ngọc Phương(Tây Ninh) góp ý một số nội dung liên quan đến quản lý cân đối thu chi ngân sách. Theo bà Phương, trong quản lý thu cần thu đúng, thu đủ, chống thất thu, chuyển giá.
Trong quản lý chi cần ngăn chặn chi sai, lãng phí, chi hết ngân sách (cuối năm)... Đồng thời, cần xây dựng cơ chế phù hợp để thu hút, bố trí sử dụng nhân tài; nâng cao năng lực, trình độ, ý thức của đội ngũ cán bộ công chức; đổi mới giáo dục, đào tạo...
Tham nhũng nghiêm trọng, ý thức công dân kém
Tại nghị trường, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, tình hình tham nhũng nghiêm trọng đã xâm phạm quyền lợi của người dân, làm suy yếu tiềm lực đất nước, tàn phá tài nguyên quốc gia. Đặc biệt, tình hình phạm pháp đang diễn ra tràn lan và ngày càng công khai. Trách nhiệm về những vấn đề đó là của cả hệ thống chính trị.
Còn theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), cử tri và nhân dân rất bức xúc và thường xuyên kiến nghị Chính phủ cần quan tâm ngăn chặn đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí, chạy chức chạy quyền, chạy bằng cấp. Gần đây Tổng bí thư có nêu khái niệm mới là "chạy luân chuyển". Điều đó có nghĩa là có chính sách gì mới thì lại có chạy chọt.
Ông Phương cũng cho rằng báo cáo của Chủ tịch nước và Chính phủ cần tập trung đánh giá những giải pháp, những hạn chế trong tổ chức thực hiện chứ không nên đề cập nhiều về những nội dung khuyết điểm chung chung.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cũng cho rằng một vấn đề đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế xã hội mà chưa được đề cập trong báo cáo là ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ công chức, nhân dân.
Theo ông Cường, vấn đề này tác động tới môi trường đầu tư kinh doanh, công bằng xã hội, hiệu quả quản lý nhà nước và mọi mặt đời sống của nhân dân. Một quốc gia muốn phát triển kinh tế xã hội vững chắc phải có thể chế tốt, nguồn nhân lực chất lượng, ý thức chấp hành pháp luật.
“Khi thảm họa xảy ra ở Nhật, nhiều người cho rằng nước Nhật sẽ không bị rối loạn và mau chóng phục hồi. Bởi vì ngoài tiềm lực kinh tế, thế giới còn đánh giá cao họ ở ý thức chấp hành pháp luật. Hãy nhìn lại chúng ta, so với các nước, không nói đâu xa, so với thời bao cấp thôi, ý thức chấp hành pháp luật đi xuống tới mức báo động" - đại biểu Nguyễn Mạnh Cường so sánh.
Trí Lâm