Dùng mạng xã hội quá nhiều, nguy cơ trầm cảm tăng gấp 3 lần
Thông tin Y học - Ngày đăng : 15:02, 28/03/2016
Chris Matyszczyk, tác giả bài viết trên trang CNET đặt ra câu hỏi: “Bao lâu bạn lại truy cập vào mạng xã hội một lần?”, “Bạn chỉ lướt trang chủ hay thỉnh thoảng lại gửi đi một thông điệp nào đó?”… Chúng ta có thể đánh giá ai đó qua thói quen này hoặc không. Tương tự, với Facebook, bạn có thể tự nhìn nhận mức độ ảnh hưởng của nó đến cuộc sống của mình, nhưng cũng có thể phớt lờ, nếu thấy không thật sự cần thiết.
Vậy nên, chúng ta cứ tiếp tục dùng mạng xã hội thả ga, mặc cho những lời cảnh báo ở khắp nơi. Với dân công nghệ, họ sẽ cho rằng: Đừng xoắn nữa, còn lâu mới có chuyện gì đó xảy ra!
Thế nhưng, một nghiên cứu mới đây của ĐH Pittsburgh đã chỉ ra điều ngược lại: những người lạm dụng mạng xã hội có nguy cơ mắc chứng trầm cảm cao gấp 2,7 lần so với đối tượng ít sử dụng. Và con số chênh lệch đó là 1,7 lần dành cho người chơi mạng xã hội nhiều nhất so với người không thường xuyên truy cập.
Nghiên cứu này được thực hiện trên những đối tượng đang là thành viên của các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Twitter, Google Plus, Instagram, Snapchat, Reddit, Tumblr, Pinterest, Vine và LinkedIn. Khảo sát 1.787 người trưởng thành trong độ tuổi từ 19 đến 32 cho thấy, những người này sẽ có mặt trên mạng xã hội trung bình khoảng 61 phút/ngày và tần suất truy cập vào các trang mạng trên của họ là khoảng 30 lần/tuần. Một quỹ thời gian khá lớn.
Đây không phải là những nghiên cứu đầu tiên về tác động của mạng xã hội với cuộc sống con người. Còn nhớ, năm 2013 nghiên cứu từ ĐH Michigan (Mỹ) đã chỉ ra rằng Facebook đang đánh cắp hạnh phúc của những người trưởng thành. Và trước đó, năm 2009, một nghiên cứu từ ĐH Stony Brook (Mỹ) kết luận: dùng Facebook quá nhiều khiến các cô gái trẻ bị trầm cảm.
Bà Lui yi Lin - nhà nghiên cứu chính - giải thích vấn đề này: "Những người chán nản trong cuộc sống hiện tại có xu hướng tìm đến Facebook để khỏa lấp nỗi cô đơn. Tuy nhiên, nó lại khiến chúng ta rơi vào một vòng lẩn quẩn khác: càng sử dụng nhiều, càng nhìn thấy niềm vui, sự hạnh phúc của người khác, bạn lại càng cảm thấy mình cô đơn hơn; thậm chí là ghen tị và trầm cảm xuất hiện. Những người đã mắc chứng trầm cảm trước đó, có thể bị nặng hơn nếu cứ nghiện mạng xã hội”.
Tiến sĩ Brian Primack, Giám đốc Pitt, một trung tâm nghiên cứu về truyền thông, công nghệ và y tế, nhấn mạnh rằng không phải ai dùng mạng xã hội cũng bị trầm cảm nhưng ở những mức độ khác nhau, chúng sẽ gây ra cho bạn những mức bị tác động khác nhau.
“Các nghiên cứu trong tương lai nên xem xét đến việc tìm hiểu những thiết bị giúp người dùng khắc phục hoặc đẩy lùi tác dụng phụ của mạng xã hội” - tiến sĩ Brian Primack đề xuất.
Lê Ái/ Thanh Niên