Kiến nghị dừng thu phí đường bộ đối với mô tô, xe máy

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 10:17, 24/07/2015

Sau 2 năm thực hiện chính sách thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với mô tô, xe máy, có thể thấy rõ công tác thu phí rất khó khăn, hiệu quả thấp.
Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương mới đây vừa có tờ trình kiến nghị Chính phủ cho phép tạm thời dừng thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với mô tô, xe máy.
Ngừng do hiệu quả thấp
Tờ trình nêu rõ, sau 2 năm thực hiện chính sách thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với mô tô, xe máy, có thể thấy rõ công tác thu phí rất khó khăn, hiệu quả rất thấp.
Năm 2013 và 2014 số thu chỉ đạt khoảng hơn 21% kế hoạch thu. Sang năm 2015, số thu 6 tháng đầu năm 2015 giảm rõ rệt so với cùng kỳ các năm trước và mới chỉ đạt 6,71% kế hoạch năm.
Nguyên nhân của tình trạng trên là việc tổ chức thu ở cấp xã, phường chưa đồng bộ, chưa thống nhất từ khâu quản lý số lượng ô tô, xe máy trên địa bàn đến việc tổ chức thu và nộp vào ngân sách.
Đồng thời, chế tài xử phạt được quy định tại Điều 11, Thông tư số 133/2014/TT-BTC ngày 11.9.2014 của Bộ Tài chính chưa khả thi, khó kiểm soát vì thẩm quyền xử phạt không phải do cơ quan công an mà do cơ quan thuế, thanh tra sở chuyên ngành, ủy ban nhân dân các cấp thực hiện.
Do vậy, sau một năm đầu tiên thực hiện đóng phí nhiều chủ phương tiện không tiếp tục thực hiện nghĩa vụ nộp phí sử dụng đường bộ cho các năm tiếp theo.
Không những vậy, việc thu phí phụ thuộc chủ yếu vào ý thức tự giác của người dân, tuy nhiên ý thức của một bộ phận người dân trong việc chấp hành nghĩa vụ nộp phí sử dụng đường bộ chưa cao, việc triển khai thu phí tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa còn khó khăn.
Bên cạnh đó, một bộ phận lớn người dân làm việc và học tập lại có sự di chuyển ngoài tỉnh, mang theo xe máy nên có sự chênh lệch giữa kê khai thực tế và số liệu đăng ký trên địa bàn, dẫn đến khâu lập kế hoạch thu chưa chính xác.
Đáng chú ý, cơ quan này cho rằng một số địa phương thực hiện thu, nhưng cũng có địa phương lại chưa thu hoặc dừng thu (như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa...) tạo nên sự không công bằng và dư luận không tốt trong xã hội.
Nên tạm dừng thu phí từ ngày 1.1.2016
Trên cơ sở đó, mặc dù một số địa phương có báo cáo đề nghị vẫn tiếp tục thu phí, Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương nhận thấy số thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện đối với mô tô, xe máy còn rất thấp, biện pháp tổ chức thu không hiệu quả, chế tài xử phạt khó thực hiện nên việc kiểm soát phương tiện chấp hành đóng phí chưa nghiêm, việc thu phí mang lại hiệu quả thấp, người dân chưa tự giác đóng phí mặc dù mức thu rất thấp (trung bình 70.000đ/xe/năm).
Do đó, trong khi chờ sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thu phí sử dụng đường bộ đối với mô tô, xe máy, Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm thời dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với mô tô, xe máy từ ngày 1.1.2016.
TP.HCM vẫn tiếp tục kiến nghị được thu phí
Trong một diễn biến khác, ngày 20.7, UBND TP.HCM cũng có Văn bản số 4124 báo cáo về tình hình triển khai thực hiện thu phí sử dụng đường bộ đối với mô tô, xe máy trên địa bàn thành phố. Đáng chú ý, trong văn bản này, UBND TP kiến nghị cho tiếp tục thực hiện thu phí theo đúng quy định của nhà nước, kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy và nghị quyết của HĐND TP.
UBND TP.HCM cho rằng việc thu phí là tuân thủ những nội dung đã quy định trong Luật Giao thông đường bộ mà Quốc hội khóa 12 thông qua vào năm 2008, Thông tư 179 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định 18 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ, quy định triển khai thu phí đường bộ xe máy từ năm 2013.
Phan Diệu

Một Thế Giới