TS Lê Đăng Doanh: Việt Nam vẫn tăng trưởng nhờ bán tài nguyên
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 05:21, 30/07/2015
Theo chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng nhờ vào bán tài nguyên và sự phát triển của doanh nghiệp FDI, còn cải cách nền kinh tế thì diễn ra chậm chạp.
Đây là thực tế được TS. Lê Đăng Doanh chỉ ra tại Tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế quý 2/2015 do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung Ương (CIEM) tổ chức ngày 29.8
Năng suất lao động kém, sử dụng nguồn vốn không hiệu quả!
Theo ông Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của CIEM, trong 6 tháng đầu năm 2015, tăng trưởng kinh tế phục hồi rõ nét, được thể hiện ở cả đầu tư và chi tiêu dùng. Trong đó, công nghiệp – xây dựng là điểm sáng chính với tốc độ tăng trưởng 9,1% so với cùng kỳ 2014, sản xuất và đơn hàng vững chắc.
Bên cạnh đó, lạm phát cũng ổn định ở mức thấp dưới, trong quý 2 CPI chỉ tăng 0,65%; nguồn tín dụng tăng mạnh. Vốn đầu tư nước ngoài cũng tiếp tục tăng trưởng. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu hút được 8,8 tỷ USD vốn cấp mới. Tuy nhiên, doanh nghiệp FDI vẫn đang làm chủ cuộc chơi ở Việt Nam khi xuất khẩu của khu vực FDI chiếm tỷ trọng lớn và có xu hướng tăng lên nhanh chóng trong giai đoạn 2013-2015.
Ngoài những điểm sáng về tăng trưởng kinh tế được ông Nguyễn Tú Anh chỉ ra, TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM cho rằng, bức tranh kinh tế Việt Nam nhìn bề ngoài có thể tốt, nhưng nhìn sâu hơn, dài hơn thì có quá nhiều vấn đề nội tại mà chưa giải quyết được.
Cụ thể, ông Cung cho biết, dù có phục hồi nhưng xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng rất chậm trong 6 tháng đầu năm. Thâm hụt thương mại cũng đạt con số lớn, lên đến 2,4 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm và 3,07 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm.
"Cùng với đó là năng suất lao động có xu hướng đi xuống và những nghịch lý trong việc sử dụng vốn tại Việt Nam đang đặt ra rất nhiều vấn đề", ông Cung nói.
Viện trưởng CIEM lấy ví dụ như năng suất lao động của Việt Nam trong thập kỷ 1990 - 2000 chủ yếu là tăng năng suất lao động nội ngành. Còn từ năm 2000 trở lại đây, năng suất nội ngành giảm, năng suất tăng chủ yếu do phân bố lại, cơ cấu lại nguồn lực. Đối với người lao động cũng chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp nên năng suất tăng lên, chứ không phải năng suất tăng do kỹ năng tăng lên hay nhờ áp dụng khoa học công nghệ.
Riêng về sử dụng nguồn vốn, ông Cung cho rằng, nguồn vốn hiện nay đang được đổ vào những ngành kém hiệu quả, sử dụng vốn hiệu quả thấp, trong đó chủ yếu là những ngành có năng suất lao động thấp như ngân hàng, tài chính, bất động sản... "Đây chính là nghịch lý đang tồn tại ở Việt Nam", ông Cung nhận định.
Tăng trưởng nhờ vào khai thác tài nguyên!
Đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng chỉ ra một thực tế rằng, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng nhờ vào bán tài nguyên và sự phát triển của doanh nghiệp FDI, còn cải cách nền kinh tế thì diễn ra chậm chạp.
"Nhìn đi nhìn lại tôi vẫn thấy nền kinh tế của chúng ta vẫn cứ tăng trưởng bằng việc khai thác tài nguyên thiên nhiên và sự phát triển của khu vực FDI. Trong khi đó cải cách thì diễn ra rất chậm chạp, cổ phần hóa không được bao nhiêu", TS. Lê Đăng Doanh nói.
Theo ông Doanh, Việt Nam cần phải thực hiện triệt để hơn nữa Nghị quyết 19, đẩy mạnh cổ phần hóa và đánh giá kỹ những tác động mà các Hiệp định thương mại sẽ đem lại cho Việt Nam trong thời gian tới. Chẳng hạn như Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ là rất tích cực, hai nền kinh tế sẽ bổ sung cho nhau và thúc đẩy cải cách tại Việt Nam diễn ra mạnh.
"Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận lại là từ nay đến cuối năm đồng đô la sẽ mạnh lên, giá các loại tiền tệ khác giảm đi và xu thế hội nhập sẽ khiến các loại hàng hóa tràn vào Việt Nam với giá rẻ. Thịt gà của Mỹ là một ví dụ. Khi đó, nhập siêu sẽ thế nào? Tỷ giá liệu có tăng lên?", ông Doanh nói.
TS. Lưu Bích Hồ, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách cũng nhất trí với quan điểm của TS. Lê Đăng Doanh và cho rằng, cần phải lưu ý thêm việc thâm hụt thương mại với Trung Quốc ngày càng có khoảng cách lớn. Đặc biệt là việc thị trường chứng khoán rơi vào khủng hoảng có ảnh hưởng tới Việt Nam như thế nào?
"Việt Nam lên lấy nợ công của Hy Lạp làm tấm gương và lấy thị trường chứng khoán của Trung Quốc làm bài học trong việc sử dụng nguồn vốn", TS. Lưu Bích Hồ nhận định.
Duyên Duyên