Sẽ miễn thuế nhập khẩu nhiều loại ô tô hạng sang

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 15:00, 10/08/2015

Việt Nam sẽ miễn thuế nhập khẩu xe ô tô, xe phân phối lớn của các nước trong Liên minh châu Âu (EU). Thuế suất của các loại xe được sản xuất từ EU như Audi, BMW, Mercedes-Benz, Ferrari…sẽ về mức 0% thay vì phải chịu thuế như trước.
Bộ Công Thương mới công bố một số nội dung sau khi Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA).
Theo đó, đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết miễn thuế nhập khẩu từ 9 tới 10 năm, riêng xe máy có dung tích xy lanh trên 150cm3 có lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu là 7 năm. 
Vì vậy, thuế suất của các loại xe do một số nước thành viên EU sản xuất như Audi, BMW, Mercedes-Benz, Porsche (Đức), Bentley, Range Rover (Anh) hay Ferrari và xe máy Piaggio (Ý)...sẽ về mức 0% thay vì phải chịu thuế như trước.
Ngoài ra, Việt Nam đồng ý xóa bỏ thuế nhập khẩu trong thời gian tối đa là 10 năm cho các mặt hàng rượu vang, rượu mạnh, bia, thịt lợn và thịt gà từ EU.
Trong khi đó, EU cũng sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho các sản phẩm của Việt Nam trong vòng 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Với cá ngừ đóng hộp, EU đồng ý dành cho Việt Nam một lượng hạn ngạch thuế quan thỏa đáng.
Về gạo, EU dành cho Việt Nam một lượng hạn ngạch đáng kể đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm. Gạo nhập khẩu vào EU theo hạn ngạch này được miễn thuế hoàn toàn. Riêng gạo tấm, thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ theo lộ trình. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế nhập khẩu về 0% trong vòng 7 năm. EU cũng sẽ xóa bỏ thuế mật ong ngay khi Hiệp định có hiệu lực và không áp dụng hạn ngạch thuế quan.
Ngoài ra, toàn bộ các sản phẩm rau củ quả, rau củ quả chế biến, nước hoa quả khác, túi xách, vali, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ thủy tinh về cơ bản cũng sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Như vậy, khi EVFTA được ký kết, 99% dòng thuế sẽ được xóa bỏ, cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc xuất khẩu các sản phẩm sang thị trường châu Âu là rất lớn.
Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp sẽ phải chịu những áp lực rất lớn khi tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn non yếu.
Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom cho rằng Việt Nam cần có những bước chuẩn bị kỹ càng để bước vào sân chơi mới, đặc biệt là các sản phẩm nông sản. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải xây dựng được thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa của mình.
Trước đó, tháng 10.2010, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch Châu Âu (EU) đã đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) sau khi hai Bên hoàn tất các công việc kỹ thuật.
Ngày 26.6.2012, Việt Nam và EU đã chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA. Sau gần 3 năm đàm phán, Việt Nam và EU đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc về toàn bộ các nội dung cơ bản của Hiệp định.
Dự kiến cuối năm nay, Hiệp định này sẽ chính thức ký kết. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam với tổng kim ngạch hai chiều năm 2014 đạt hơn 36,8 tỉ USD.
Phan Diệu

Một Thế Giới