Nguy cơ khi Trung Quốc “xả hàng“
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 17:43, 17/08/2015
Khả năng cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã suy giảm đáng kể khi Chính phủ Trung Quốc hành động mạnh tay về vấn đề tỉ giá.
Trước tình cảnh nhu cầu nội địa tăng chậm lại và xuất khẩu tháng 7 bất ngờ sụt giảm đến 8,3% so với cùng kỳ năm trước, không có gì bất ngờ khi Trung Quốc sử dụng công cụ tỉ giá để nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế và thúc lượng hàng hóa đang dư thừa trong nước ra bên ngoài.
Tuy vậy, với tỉ lệ phá giá đồng Nhân dân tệ (CNY) tổng cộng 4,6% chỉ trong tuần thứ 2 của tháng 8, thế giới đã cảm thấy sốc trước hành động quyết liệt của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Nhưng có lẽ hành động này sẽ chưa dừng lại sớm. “Chúng tôi nhìn thấy rất khả năng đồng CNY sẽ tiếp tục rớt 10% hay 15% so với đồng USD trong một hay hai tuần tới”, chuyên gia Duncan Innes-Ker của hãng tư vấn The Economist Intelligence Unit nhận định.
Cạnh tranh xuất khẩu
Có một điều chắc chắn là bước đi của Trung Qụốc sẽ kéo theo việc các quốc gia khác quyết liệt hơn trong các chính sách tiền tệ của mình, nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh xuất khẩu. Điều này đã phản ánh rõ rệt với việc giảm sâu của đồng Ringgit của Malaysia, đồng Bath của Thái Lan hay đồng Rupiah của Indonesia. Dĩ nhiên, điều này sẽ gây nên sức ép cạnh tranh mới cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam đã suy yếu khá rõ so với các năm trước. Tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm chỉ đạt 9,3%, kém hơn khá nhiều so với con số 14,9% của cùng kỳ năm trước. Trong khi các mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh trở lại đã khiến Việt Nam bị thâm hụt thương mại lên đến hơn 3 tỉ USD trong nửa đầu năm 2015.
Vì vậy, sức ép cho nhà điều hành chính sách tiền tệ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu không phải là nhỏ, bất chấp tăng trưởng kinh tế tốt hơn nhờ nhu cầu tiêu dùng trong nước cải thiện đáng kể.
Điển hình là tình trạng khó khăn của ngành tôm. Theo báo cáo của Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm trong nửa đầu năm gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vào thị trường Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu tôm vào Mỹ chỉ đạt 262 triệu USD, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. “Việc suy giảm này là do nhu cầu tiêu thụ tôm ở Mỹ thấp vì hàng tồn kho lớn từ 2014. Đồng USD tăng giá trở lại cũng khuyến khích các quốc gia khác tăng xuất khẩu vào Mỹ và gia tăng sức ép cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam”, VASEP đánh giá.
Một ngành khác có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là may mặc có kim ngạch xuất khẩu trong nửa đầu năm 2015 cũng chỉ tăng trưởng 10%, so với mức tăng 19% cùng kỳ năm trước. Điều đáng ngại là thủy sản và may mặc đều là những mặt hàng mà doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc tại các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu.
Trong khi các hiệp định thương mại lớn như TPP và FTA châu Âu - Việt Nam vẫn còn mất khá nhiều thời gian để có hiệu lực, hiện khả năng cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã suy giảm đáng kể khi Chính phủ Trung Quốc hành động mạnh tay về vấn đề tỉ giá.
Lấn chiếm sân nhà
Nhưng nguy cơ không chỉ giới hạn ở các thị trường bên ngoài. Ngay tại Việt Nam, nguy cơ người Hoa xả hàng giá rẻ cũng hiện hữu. Trong 7 tháng đầu năm, theo ghi nhận của Hải quan Trung Quốc, giá trị xuất khẩu thép của quốc gia này đã tăng mạnh kỷ lục 27% so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 62,13 triệu tấn. Theo dự đoán của Ngân hàng Citigroup, trong năm nay, sản lượng xuất khẩu thép của Trung Quốc có thể sẽ đạt 100 triệu tấn, tăng thêm 21 triệu tấn so với năm ngoái.
Trong những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam luôn phải cạnh tranh quyết liệt với các sản phẩm thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Nhiều khả năng tình trạng này sẽ căng thẳng hơn trong vài tháng tới và sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận năm 2015 của các doanh nghiệp trong ngành. Đó cũng là viễn cảnh của ngành xi măng, phân bón, vải sợi…
Trong năm 2014, giá trị nhập siêu của Việt Nam đối với Trung Quốc là 29 tỉ USD. Nửa đầu năm nay, con số này đã là 16 tỉ USD. Nếu vẫn giữ mức tăng như thế thì nhiều khả năng, con số nhập siêu trong năm 2015 của Việt Nam với người láng giềng phương Bắc sẽ ghi nhận một mức kỷ lục mới.
Được mất của việc hạ tỉ giá
Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhanh chóng điều chỉnh biên độ tỉ giá từ 1% lên thêm 2% là một hành động phù hợp. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Bản Việt, mặc dù đây không phải là động thái làm giảm giá đồng tiền trực tiếp, nhưng về bản chất có tác động tương tự khi tiền Ðồng đang giao dịch ở mức trần trong thời gian qua.
Việc cho phép tiền Ðồng hạ giá cũng có thể giúp hạn chế bớt nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng xa xỉ phẩm, ôtô hạng sang. Việc này cũng sẽ khuyến khích người nước ngoài đến Việt Nam du lịch nhiều hơn.
“Ngân hàng Nhà nước về mặt kỹ thuật có thể tiếp tục cam kết giữ mức phá giá tiền Đồng tối đa 2% trong năm 2015 ở thời điểm hiện tại, nhưng cũng mở đường cho biến động tiền tệ lớn hơn nếu việc phá giá thông qua điều chỉnh tỉ giá bình quân là cần thiết. Nói một cách khác đi, trong khi đây là một động thái kéo dài thời gian, đợt phá giá đồng tiền tiếp theo sẽ có biên độ lớn hơn và sẽ diễn ra không sớm thì muộn”, Chứng khoán Bản Việt đánh giá.
Việc hạ tỉ giá tiền đồng không phải không có những tác động lớn trên các khía cạnh khác của nền kinh tế. Điển hình là cơ hội giảm lãi suất tiền Ðồng sẽ bị thu hẹp bớt. Các sản phẩm nhập khẩu thiết yếu như xăng dầu sẽ tăng giá. Đặc biệt, gánh nặng nợ nước ngoài sẽ tăng lên đáng kể nếu tiền Ðồng mất giá quá sâu.
“Tỉ giá VND/USD tăng 1% thì gánh nặng nợ công tăng thêm 10.000 tỉ đồng”, Tiến sĩ Trần Văn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chia sẻ trong diễn đàn Kinh tế Mùa xuân của Quốc hội diễn ra hồi đầu năm nay.
Sơn Nguyễn/ Nhịp cầu Đầu tư