Tồn tại Quỹ bình ổn xăng dầu là do mâu thuẫn lợi ích?

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 11:30, 29/08/2015

Trong khi nhiều chuyên gia cho rằng, không cần thiết phải duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, và tồn tại Quỹ Bình ổn xăng dầu là do mâu thuẫn lợi ích, thì ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) lại cho rằng, việc hình thành Quỹ bình ổn giá xăng dầu là cần thiết, đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối và nền kinh tế - xã hội.
Tồn tại Quỹ bình ổn xăng dầu là tồn tại mâu thuẫn lợi ích?
Thời gian vừa qua, các chuyên gia kinh tế đã lên tiếng xoay quanh câu chuyện Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) và các quy định về điều hành giá xăng dầu của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.
Theo đó, các chuyên gia cho rằng, không nên níu kéo và không cần thiết phải tiếp tục duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, bởi cơ chế trích lập và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện nay chưa phù hợp. Bên cạnh đó, nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục đà giảm thì không nên trích Quỹ Bình ổn giá, bởi việc trích Quỹ như vậy là sai. 
Một số chuyên gia cũng khẳng định, việc tồn tại của Quỹ Bình ổn giá là tồn tại mâu thuẫn lợi ích, vì việc điều hành Quỹ Bình ổn giá thời gian qua còn thiếu công khai, minh bạch.
Trước những ý kiến trái chiều này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá đã lên tiếng phản bác và đưa ra quan điểm của cơ quản lý.
Theo đó, ông Tuấn khẳng định việc hình thành Quỹ bình ổn giá xăng dầu là cần thiết, bởi thông qua việc điều hành sử dụng Quỹ - công cụ tài chính góp phần quan trọng bình ổn giá xăng dầu trong nước, qua đó góp phần bình ổn mặt bằng giá cả nói chung. 
“Nếu hỏi người dân thì chắc chắn họ không đồng tình với việc mỗi ngày đi chợ, nếu mua được hàng giá rẻ thì mang tiền dư của mình đưa cho “ông hàng xóm” nào đó giữ hộ, đến hôm giá đắt thì sang nhà “ông hàng xóm” xin lại tiền bù vào. Quỹ BOG về bản chất cũng giống như vậy nên nó hoàn toàn không cần thiết” - một chuyên gia từng hoạt động trong Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam ví von.
"Có thể thấy rằng, việc hình thành Quỹ Bình ổn giá đã đem những lợi ích nhất định không chỉ đối với người tiêu dùng mà cả thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối và nền kinh tế - xã hội. Đối với người tiêu dùng, nhờ cơ chế trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ BOG, vì vậy mà người tiêu dùng được dùng xăng, dầu ổn định hơn, giảm tần suất và mức độ điều chỉnh. 
Đối với kinh tế - xã hội: nhờ cơ chế trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ BOG, vì vậy mà giảm được tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới biến động phức tạp khó lường, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và ổn định an sinh xã hội", ông Tuấn cho biết.
Cũng theo ông Tuấn, việc trích lập Quỹ BOG đã được quy định cụ thể tại văn bản quy phạm pháp luật, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định về lập Quỹ BOG tại điểm a khoản 3 Điều 17 của Luật Giá. Đồng thời, việc quy định trích Quỹ Bình ổn giá là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu thực tế.
Cơ quan quản lý luôn công khai, minh bạch Quỹ BOG
Bên cạnh đó, đối với những ý kiến cho rằng việc quản lý Quỹ BOG hiện nay chưa thực sự minh bạch, ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, trong quá trình điều hành giá xăng dầu, khi thay đổi mức trích, mức sử dụng Quỹ BOG, Liên Bộ đều có thông cáo báo chí gửi các cơ quan thông tấn báo chí, đồng thời đăng tải toàn văn công văn điều hành trong đó có chi tiết mức trích, mức sử dụng Quỹ BOG từng thời điểm cụ thể để giúp dư luận hiểu rõ hơn về định hướng điều hành của Liên Bộ, góp phần đảm bảo công khai, minh bạch trong điều hành giá xăng dầu. 
"Đồng thời, thực hiện thường xuyên liên tục việc công khai chi tiết tình trích lập, sử dụng, lãi phát sinh và số dư Quỹ BOG của từng thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối hàng Quý trên trang thông tin điện tử của Liên Bộ.
Việc trích Quỹ BOG là nhằm tạo ra một nguồn lực tài chính để thực hiện bình ổn giá xăng dầu góp phần vào việc bình ổn mặt bằng giá nói chung, kiểm soát lạm phát của nền kinh tế và chỉ phục vụ mục tiêu bình ổn giá thị trường trong nước khi giá thế giới tăng cao, không sử dụng vào mục đích nào khác. Đây cũng là một trong những biện pháp tài chính mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện để bình ổn giá", ông Tuấn nói.
Duyên Duyên

Một Thế Giới