Volkswagen trở thành mối nguy hiểm hơn cả khủng hoảng Hy Lạp
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 18:30, 24/09/2015
Vụ bê bối gian lận mức khí thải của Volkswagen đang làm rúng động nền kinh tế Đức, một nền kinh tế lớn nhất của châu Âu. Volkswagen cũng được đánh giá là trở thành mối nguy hiểm hơn cả cuộc khủng hoảng Hy Lạp
Ngày 19.9 vừa qua, cuộc điều tra của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đã phát hiện Volkswagen sử dụng phần mềm khai gian về lượng khí thải lắp trên 500.000 chiếc xe chạy bằng động cơ diesel của Volkswagen.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết cơ quan này chắc chắn sẽ tiến hành một cuộc điều tra đối với Volkswagen mà mức phạt tối đa theo ước tính của EPA có thể lên tới 18 tỷ USD.
Theo đó, vụ bê bối khí thải của Volkswagen đã gây nên một cú sốc lớn tới lĩnh vực kinh doanh và chính trị của nước Đức. Các nhà phân tích cho rằng, vụ bê bối của hãng xe này có thể phát triển thành mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế Đức.
"Vụ việc này diễn ra vô cùng bất ngờ, đối với Đức, Volkswagen đã trở thành mối nguy hiểm hơn cả cuộc khủng hoảng Hy Lạp", Trưởng kinh tế Carsten Brzeski của ING cho Reuters biết.
"Nỗi trớ trêu của vấn đề này chính là mối đe dọa lại xuất phát từ bên trong, chứ không phải từ bên ngoài," Brzeski cho biết thêm.
"Nếu doanh số bán hàng của Volkswagen sụt giảm mạnh ở Bắc Mỹ trong những tháng tới, điều này không chỉ sẽ có tác động nguy hiểm tới hãng này, mà còn tới nền kinh tế Đức," ông nói thêm.
Volkswagen đã bán được gần 600.000 chiếc xe tại Hoa Kỳ năm ngoái, chiếm khoảng 6% trong 9,5 triệu chiếc trên toàn cầu.
Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ cho biết, hãng này có thể phải đối mặt với hình phạt lên đến 18 tỷ USD, nhiều hơn so với tổng lợi nhuận năm ngoái của công ty. Đặc biệt, vụ bê bối này đang rấy lên mối lo ngại về việc cắt giảm một khối lượng lớn công việc.
Mối quan tâm lớn hơn đối với chính phủ Đức hiện giờ là các nhà sản xuất xe hơi khác như Daimler (DAIGn.DE) và BMW (BMWG.DE) có thể bị ảnh hưởng từ thảm họa Volkswagen.
Dù vậy, nhưng ngày 23.9 vừa qua, chính phủ Đức vẫn cho biết rằng ngành công nghiệp ô tô sẽ vẫn là ngành "trụ cột quan trọng" đối với nền kinh tế Đức bất chấp khủng hoảng sâu sắc xung quanh Volkswagen.
"Đây là một ngành công nghiệp rất sáng tạo và rất thành công đối với Đức, ngành công nghiệp này đã tạo ra rất nhiều công việc", một phát ngôn viên của Bộ Kinh tế và Năng lượng cho biết.
Tuy nhiên, các nhà phân tích đánh giá rằng chính vì nền kinh tế Đức phụ thuộc vào ngành ô tô, nên vụ bê bối này của Volkswagen sẽ là mối đe dọa lớn tới nền kinh tế Đức.
"Doanh số bán ô tô đã giảm, điều này đã ảnh hưởng hưởng lớn tới các nhà cung cấp", chuyên gia ngành công nghiệp ô tô Martin Gornig ở thành phố Berlin cho biết.
Trong năm 2014, có khoảng 775.000 người làm việc trong lĩnh vực ô tô của Đức, chiếm gần 2% trong toàn bộ lực lượng lao động của quốc gia.
Hơn nữa, lĩnh vực xuất khẩu linh kiện ô tô được xem là lĩnh vực thành công nhất của Đức. Năm 20014, lĩnh vực này đã bán được 200 tỷ euro (tương đương với 225 tỷ USD) tới các khách hàng nước ngoài, chiếm gần 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Đức.
"Đó là lý do tại sao vụ việc của Volkswagen không phải là vấn đề nhỏ. Trụ cột của nền kinh tế Đức đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng", Michael Huether, người đứng đầu của Viện kinh tế IW của Đức cho biết.
Bên cạnh những cái nhìn không mấy khả quan về ngành công nghiệp ô tô và nền kinh tế Đức trước vụ việc của Volkswagen, thì ở đó vẫn có nhiều nhà kinh tế nhận định rằng, không nên quá phóng đại những tác động của vụ việc này.
"Tôi không nghĩ ngành công nghiệp ô tô Đức sẽ chìm hoàn hoàn. Sẽ không có một cuộc suy thoái nào chỉ vì một công ty", nhà kinh tế trưởng Joerg Kraemer của Commerzbank phát biểu với Reuters.
Hiệp hội Thương mại BGA của Đức cũng đang cố gắng trấn an công chúng bằng cách thông báo rằng, không có dấu hiệu cho thấy khách hàng ở nước ngoài bắt đầu nghi ngờ về chất lượng và độ tin cậy của các công ty xe hơi Đức.
"Không có bất kỳ nghi ngờ gì về các nhãn hiệu mang tên "Made in Germany", Giám đốc quản lý của BGA, Andre Schwarz, phát biểu với Reuters.
Tuy nhiên, ông vẫn thừa nhận rằng có nhiều mối quan tâm tới các công ty ô tô của Đức sau khi Volkswagen bị phát hiện sử dụng phần mềm khai gian lượng khí thải tại thị trường Mỹ.
Ông cũng cho biết, vấn đề này có thể tác động đến toàn lĩnh vực kinh kinh doanh của Đức, làm mất uy tín của thương hiệu "Made in Germany" đã được xây dựng bấy lâu nay.
Hiện nay, nền kinh tế Đức không chỉ phải đối mặt với khủng hoảng nợ của khu vực đồng euro, sự suy thoái trong nền kinh tế Trung Quốc, mà còn phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm lớn nhất trong các công ty ô tô trong nước.
Volkswagen là hãng xe lớn nhất của Đức và là một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất tại quốc gia này với 270.000 việc làm.
Giám đốc điều hành Martin Winterkorn của Volkswagen là người đầu tiên phải trả giá cho vụ bê bối của Volkswagen, ông đã đệ đơn từ chức vào ngày 23.9. Các nhà kinh tế hiện đang đánh giá tác động của vụ việc này đối với nền kinh tế của Đức.
Tuyết Nhung (Theo Reuters)