80% doanh nghiệp Việt thiếu kiến thức về hội nhập
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 18:59, 30/10/2015
Lười tìm hiểu
Thông tin được ông Nguyễn Diễn, Phó giám đốc thường trực Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng đưa ra ngày 30.10 tại hội thảo "Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP): Tác động về thu hút đầu tư và phát triển thương mại đối với địa phương và doanh nghiệp" diễn ra tại Đà Nẵng.
Ông Diễn cho biết, theo ý kiến thăm dò của Edelman (Mỹ) thì 93% doanh nghiệp và 96% người tiêu dùng VN ủng hộ TPP và bày tỏ sự tin tưởng rằng hiệp định sẽ giúp mang lại lợi ích đối với kinh tế VN, phần lớn họ nhận thức tích cực về hiệp định.
Nhưng khảo sát này lại mâu thuẫn với khảo sát của Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, trong đó nêu 80% số doanh nghiệp được hỏi thiếu hẳn các kiến thức về hội nhập, hoàn toàn không hề biết điều gì đang chờ đợi mình phía trước…
Điều này theo ông Diễn là có thể hiểu được, bởi có một thực tế rằng rất ít doanh nghiệp trong nước (mà hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ) tự tìm hiểu, nghiên cứu về TPP để điều chỉnh công việc kinh doanh.
Ông Nguyễn Diễn đang trả lời báo chí. |
“Chúng ta đang ở trong tình trạng ai cũng mong muốn có sự thay đổi. Và khi có một điều gì đó hướng tới sự thay đổi, người ta thấy hay là ủng hộ chứ ít chịu tìm hiểu”, ông Diễn cho biết.
Ông Diễn lấy ví dụ, mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về phòng vệ thương mại ở VN đối với hàng hóa nước ngoài, khi khảo sát thì số đối tượng đã tìm hiểu kỹ chỉ có 1,89% vì có liên quan. Còn lại hơn 63% có nghe nói nhưng không biết gì sâu.
Ở VN hiện tại, 70% xuất khẩu là từ các công ty FDI.
Hiệp định TPP là hiệp định toàn diện nhất trong lịch sử. 12 quốc gia tham gia TPP chiếm hơn 40% GDP toàn cầu với gần 900 triệu người, một thị trường cực kỳ rộng lớn để khai thác.
Các chuyên gia nhận định với thực tế ở VN, việc gia nhập TPP sẽ có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn nếu về phía chính quyền và các doanh nghiệp không chủ động thay đổi về cách quản lý, chủ động tiếp cận theo luật chơi quốc tế.
Ông Nestor Scherbey, Chủ tịch Ủy ban thuận lợi hóa thương mại và hải quan - Amcham Vietnam ví dụ: “Tất cả mọi người đều yêu môn bóng đá, và mọi quốc gia đều muốn đội bóng mình được tham gia vào World Cup. Nhưng FIFA không thay đổi luật chơi để có lợi cho từng quốc gia. Do đó, các quốc gia phải chơi cùng một luật, và để chơi thành công thì tất cả chúng ta phải học thuộc luật đó và tập luyện”.
Cần đầu tư mạnh vào logistics
Ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Phòng thương mại Hoa Kỳ tại VN (AmCham Vietnam) cảnh báo, theo báo cáo của World Bank, đến năm 2018 tăng trưởng VN sẽ chậm lại và có xu hướng thụt lùi. Sự đảo lộn này do không cân đối phát triển mảng logistics.
Từ đó, ông khuyến cáo logistics vận chuyển và thương mại phát triển hơn sẽ thúc đẩy năng suất và cũng có khả năng cạnh tranh cho VN.
Tại Đà Nẵng, địa phương được đánh giá là có lợi thế về địa lý cũng như cơ sở hạ tầng, để đảm bảo chủ động cho việc gia nhập hiệp định mới, ông Phùng Tấn Viết, Phó chủ tịch UBND thành phố cho hay: “Chúng tôi đang tập trung nâng cao hạ tầng, cơ sở giao thông, xây dựng những cây cầu mới, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, kết nối giữa doanh nghiệp chính quyền bằng thư điện tử. Hiện chúng tôi đã yêu cầu Bộ GTVT cho đầu tư xây dựng cảng Đà Nẵng giai đoạn 2; ngoài ra chúng tôi thành lập năm doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp. Lĩnh vực công nghệ cao là một trong những lĩnh vực ưu tiên của chúng tôi. Cơ chế chính sách thì chúng tôi đã có sẵn. Chúng tôi đã quy hoạch 7 phân khu chức năng...”.
Ông Nestor Scherbey cho rằng chính quyền Đà Nẵng nên đề xuất thí điểm thành lập khu thương mại tự do dưới sự giám sát hải quan khu vực. Việc này sẽ thúc đẩy đầu tư sản xuất vì thuế nhập khẩu các linh kiện thiết bị, vật tư, máy móc sẽ được bãi bỏ. Đồng thời, các gánh nặng trong thủ tục hành chính cũng như yêu cầu giám sát chuyên ngành được giảm thiểu…
>>Kỳ 1: “Kẻ sùng tín” Baghdadi từng là ngôi sao bóng đá cỡ Messi!
>>Sơn Tùng M-TP gọi điện hỏi thăm, Adele dập máy phũ phàng
>>Chính phủ duyệt phương án nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân 9 ngày