Nhật Bản 'bật đèn xanh' giúp phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Á
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 12:01, 22/11/2015
Động thái này được xem là thể hiện vị thế quốc gia của Nhật Bản trước Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng. Ngân hàng này cũng được đánh giá là đang cạnh tranh với một số thể chế tài chính hiện có như Ngân hàng phát triển châu Á (ADB).
Phát biểu bên lề cuộc họp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á tại Kuala Lumpur (Malaysia), ông Abe khẳng định Nhật Bản và Ngân hàng phát triển châu Á sẽ xem xét khoản trợ giúp trị giá 110 tỉ USD vào cơ sở hạ tầng châu Á trong vòng 5 năm tới.
Trước đó, Nhật Bản đã từ chối tham gia AIIB trong khi các quốc gia như Anh, Pháp, Úc, Đức đã đăng ký để trở thành thành viên sáng lập.
Nhật Bản và Trung Quốc đang ganh đua nhằm tăng cường tầm ảnh hưởng chính trị của mình ở châu Á bằng cách trở thành nhà cung cấp cơ sở hạ tầng.
Theo ông Abe, châu Á có rất nhiều nhu cầu về cơ sở hạ tầng. Ông ước tính nhu cầu này có thể lên tới 100.000 tỉ yen/năm (tương đương 814 tỉ USD/năm).
Trong khi Trung Quốc là một thành viên của ADB thì Nhật Bản và Mỹ lại là những cổ đông lớn nhất và là những nhà lãnh đạo hàng đầu của tổ chức tài chính này kể từ khi nó được thành lập vào năm 1966
Định hướng của ông Abe là nhằm tăng cường vai trò như một nhà cung cấp cơ sở hạ tầng của Nhật Bản bằng cách tập trung về chất lượng và an toàn, kết hợp với kỹ thuật tiên tiến nhất của Nhật Bản.
"Việc theo đuổi lợi nhuận ngắn hạn về doanh số mà không có sự hỗ trợ sẽ không phải là con đường mà Nhật Bản thực hiện. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để chia sẻ công nghệ tinh vi và độ tin cậy của khách hàng với nhãn hiệu "Made in Japan", ông Abe cho biết.