Ai sẽ thay thế vị trí của Trung Quốc trong tương lai?

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 06:22, 28/11/2015

Nước nào có khả năng trở thành nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trên thế giới sau khi Trung Quốc đang trên đà xuống dốc.
Những số liệu gần đây cho thấy rằng Trung Quốc đang bước vào đà xuống dốc tăng trưởng.
Vậy khi Trung Quốc xuống hạng, nước nào có thể vươn lên thay thế vị trí này? Liệu nước láng giềng Ấn Độ có thể vượt mặt Trung Quốc trong tương lai?
Xét về tương quan giữa hai nước thì Ấn Độ và Trung Quốc có khá nhiều điểm tương đồng, khi đều nằm trong nhóm những nền kinh tế có quy mô và tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Ngoài ra, về phương diện dân số thì Trung Quốc đang đứng nhất còn Ấn Độ đứng nhì thế giới, mỗi nước chiếm khoảng 20% dân số toàn cầu. Đặc biệt, hai nước còn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại toàn cầu, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm tới 40-50% GDP.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tương đồng với Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, thì Ấn Độ cũng có nhiều điểm khác biệt mà theo đó có thể là chìa khóa thành công của nước này trong tương lai
Triển vọng tăng trưởng
Điểm khác biệt thứ nhất là cả hai nước có quỹ đạo tăng trưởng khác biệt nhau. Trong khi, Trung Quốc đang bước vào chu trình suy giảm, thì ngược lại tốc độ tăng trưởng tại Ấn Độ đang ngày một cải thiện và đi lên. Theo nhiều ý kiến đánh giá nếu Ấn Độ vẫn giữ được mức tăng trưởng như vậy thì nhiều khả năng nước này sẽ đuổi kịp Trung Quốc trong một vài năm tới.
Trung Quoc, An Do, kinh te, the gioi, xep hang
Xu hướng trái chiều về tốc độ tăng trưởng kinh tế giữa Trung Quốc và Ấn Độ
Đặc biệt, nhiều ý kiến đã đưa ra nhiều dự báo rằng tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới. Đơn cử, Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) ước tính GDP của Trung Quốc sẽ sụt giảm xuống mức 6,8% trong năm 2015 và giảm tiếp xuống còn 6,3% vào năm 2016. Trái ngược, IMF lại có dự báo triển vọng của Ấn Độ khả quan hơn. Theo đó, IMF cho rằng GDP của Ấn Độ trong năm nay có thể đạt 7,3% và sẽ tăng lên 7,5% vào năm tới và tiếp tục tăng lên 7,7% cho đến năm 2020.
Nhân khẩu học
Mặc dù tổng dân số mỗi nước hiện đang chiếm 20% dân số thế giới nhưng cơ cấu dân số thì khác nhau. Không như Trung Quốc đang phải đối mặt nguy cơ già hóa, Ấn Độ là nước có cơ cấu dân số trẻ rất lớn.
Trung Quoc, An Do, kinh te, the gioi, xep hang
Nhóm dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đang có xu hướng đi xuống, còn của Ấn Độ thì vẫn đang trên đà đi lên
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), dân số trong độ tuổi lao động từ 15-64 tuổi tại Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng lên trong vài năm tới và nhiều khả năng sẽ vượt qua Trung Quốc, vốn có lực lượng lao động đang bị thu hẹp lại trong 10 năm gần đây.
Ngành kinh tế
Điểm khác biệt lớn nhất giữa Ấn Độ và Trung Quốc hiện nay là về cơ cấu kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc hiện đang sụt giảm, một phần do nền kinh tế quá tập trung vào sản xuất theo hướng xuất khẩu, chi tiêu công chủ yếu dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng và mức tiêu dùng của các hộ gia đình còn rất hạn chế. Trong khi đó, Ấn Độ đã là một nền kinh tế dịch vụ và tiêu dùng, từ đó từng bước chi xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy tăng sản lượng đầu ra.
Ngoài ra, quá trình chuyển đổi nền kinh tế của Trung Quốc đã mang lại kết quả là ngành dịch vụ hiện chiếm 48% GDP và ngành sản xuất chiếm 43%, còn lại là nông nghiệp. Ngược lại, lĩnh vực dịch vụ của Ấn Độ hiện chiếm tới 53% GDP nước này, lĩnh vực sản xuất đạt 30% và ngành nông nghiệp chiếm 27%, theo số liệu của WB.
Với cơ cấu nền kinh tế chú trọng lĩnh vực dịch vụ đã phần nào giúp Ấn Độ không chịu ảnh hưởng đáng kể nào từ sự sụt giảm tăng trưởng đang diễn ra tại Trung Quốc cũng như một số nước trên thế giới.
Yếu tố rủi ro
Yếu tố rủi ro lớn nhất của Trung Quốc đến từ bên ngoài, vì ngành sản xuất của Trung Quốc chủ yếu là để xuất khẩu. Do đó, nền kinh tế Trung Quốc có mối quan hệ mật thiết với nhu cầu trên toàn thế giới. Điều này khiến cho mọi nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc vực dậy đà tăng trưởng của nước này khó trở thành hiện thực, do lực cầu trên thế giới vẫn còn khá yếu. Chính sách kích cầu bằng cách tăng nguồn cung tín dụng sau đợt khủng hoảng 2008 - 2009 còn dẫn tới tình trạng các khoản nợ xấu không ngừng tăng lên trong nền kinh tế nước này.
Trong khi rủi ro lớn nhất của Ấn Độ lại đến từ tình hình nội tại của nước này. Nền kinh tế Ấn Độ là nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu tiêu dùng trong nước nhiều hơn việc xuất khẩu ra bên ngoài. Vì vậy, khi giá dầu sụt giảm đã giúp thu hẹp khoảng cách thương mại trong tiêu dùng tại Ấn Độ.
Điều này đồng nghĩa rằng rủi ro lớn nhất mà Ấn Độ phải đối mặt hiện nay có thể là vấn đề thời tiết khi nước này vẫn có gần 47% dân số làm nông nghiệp, theo số liệu WB.
Như vậy, Ấn Độ đang nổi lên như là một điểm sáng về tốc độ tăng trưởng để nhiều nhà đầu tư phải cân nhắc hơn. Tuy nhiên về dài hạn thì chính phủ nước này vẫn cần phải làm nhiều việc để kiểm soát lạm phát, thực hiện cải cách cơ cấu kinh tế và phòng chống hạn hán
Thiên Minh - Nhịp cầu đầu tư

Một Thế Giới