TTTM chưa thành công vì người dân vẫn theo tâm lý truyền thống
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 10:46, 10/12/2015
Đó là lời nhận định của bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tại Diễn đàn bán lẻ Việt Nam 2015 tổ chức ngày 9.12 với chủ đề "Trung tâm mua sắm và con đường phát triển ở Việt Nam".
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, ở Việt Nam, các trung tâm thương mại (TTTM) và trung tâm mua sắm (TTMS) thường bị "lẫn lộn" vì hai loại hình này mọc nhiều như nấm. Tuy nhiên, quy mô của TTTM ở Việt Nam vẫn còn quá nhỏ so với chuẩn quốc tế. Những TTTM đạt chuẩn quốc tế là 200.000 m2 thì khá ít. Về kinh doanh, TTTM và TTMS ở Việt Nam luôn phải hứng chịu cảnh "chợ chiều" vì khách hàng đến xem nhiều hơn mua. Kết quả là, nhiều TTTM, TTMS lớn, có vị trí đắc địa đã phải đóng cửa, ngưng hoạt động.
Chỉ ra nguyên nhân hoạt động kinh doanh chưa thành công,của các TTTM, TTMS ở Việt Nam bà Loan cho rằng, đó là do người dân Việt Nam vẫn thích những loại hình bán lẻ theo kiểu “chợ truyền thống”, nên việc kinh doanh các mặt hàng cao cấp ở các TTTM, TTMS thực tế chỉ dành cho một phân khúc người tiêu dùng nhỏ và khá phân tán khi họ thường mua hàng ở nước ngoài, hàng xách tay hay mua sắm trực tuyến.
Bên cạnh đó, những ảnh hưởng của suy thoái và khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng đến sức mua bình quân của người tiêu dùng. Mặc dù nguồn cung mặt bằng bán lẻ phong phú hơn nhưng giá thuê vẫn ở mức cao khiến nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận. Cùng với đó, thương mại điện tử và bán hàng trực tuyến phát triển nhanh, cạnh tranh trực tiếp với TTMS và các định dạng bán lẻ khác. Ngoài ra, nhiều TTMS chưa có chiến lược marketing thu hút khách hàng và hỗ trợ khách hàng dưới nhiều hình thức...
Dựa trên thực trạng hiện nay, nhiều câu hỏi đặt ra rằng liệu TTTM và TTMS đã hết thời? Bà Loan khẳng định điều này sẽ không xảy ra nhưng bà cho rằng TTTM, TTMS phải "chuyển mình" để đáp ứng nhu cầu của thời đại. Theo đó, bà Loan đã chỉ ra 5 lý do để lạc quan về tương lai của TTTM và TTMS, bao gồm:
Thứ nhất, dân số tăng nhanh và sự phát triển lớn mạnh của tầng lớp trung lưu chính là động lực lớn để duy trì và phát triển TTTM, TTMS.
Thứ hai, quá trình đô thị hóa cao sẽ kéo theo sự phát triển lớn mạnh của các TTTM, TTMS.
Thứ ba, nhu cầu tăng cao về một không gian bán lẻ như TTTM, TTMS trong một thế giới phẳng.
Thứ tư, với những ưu thế riêng, sức hút của các TTTM, TTMS sẽ không mất đi nhờ khả năng giúp khách hàng tương tác với các thương hiệu yêu thích của họ.
Thứ năm, vẫn còn nhiều người tiêu dùng yêu thích cơ hội “nhìn thấy, cảm thấy và thử” sản phẩm tại các TTMS đồng thời vẫn thỏa mãn nhu cầu mua sắm online khi mô hình Omni-Channel Retailing đang hiện diện tại TTMS.
Bà Loan cho biết, câu trả lời cho câu hỏi "TTMS, TTTM ở Việt Nam sẽ phát triển như thế nào?" quả thực là không đơn giản. Bởi vì, Việt Nam có thể đi theo kinh nghiệm của TTMS quốc tế hoặc là tìm hướng đi riêng cho mình hoặc là kết hợp cả hai hướng đi trên.
Theo quy hoạch của Nhà nước, đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.200 đến 1.300 siêu thị, 180 TTTM, 157 TTMS. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Công thương, đến cuối năm 2013, cả nước mới có khoảng 724 siêu thị và 132 TTTM các loại bao gồm cả TTMS.
Nhận định về thị trường bán lẻ, bà Loan cũng cho rằng, các TTTM tại Việt Nam đã trải qua một chặng đường khó khăn, đầy thách thức để khẳng định vị thế của một trong các định dạng bán lẻ hiện đại quan trọng, không thể thiếu của bất kỳ ngành công nghiệp bán lẻ của bất kỳ quốc gia nào, trong đó có Việt Nam.
Trung tâm thương mại tại Việt Nam sẽ hướng đến mục tiêu trở thành địa điểm lý tưởng, nơi mua sắm, vui chơi giải trí và thưởng thức ẩm thực, chăm sóc sức khỏe, cung cấp dịch vụ tài chính, ngân hàng, hoạt động cộng đồng, bà Loan cho hay.
Tuyết Nhung