Bộ trưởng Tài chính: “Chúng tôi sai, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm“

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 18:35, 26/03/2016

Đó là lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3.2016 ngày 26.3.
Trong thời gian qua, trước thông tin lỗ hổng thuế xăng dầu khiến doanh nghiệp lãi hàng nghìn tỉ, hai bộ Tài chính và Công thương đã lên tiếng quy trách nhiệm cho nhau, khiến dư luận chưa thấy thỏa đáng. Ngày 26.3, góp mặt tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3.2016, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã lên tiếng làm rõ vấn đề.
Mở đầu phần trình bày, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: "Việc lỗ hổng về thuế xăng dầu trong thời gian qua khiến doanh nghiệp lãi hàng nghìn tỉ, nhiều ý kiến cho rằng hai bộ Tài chính và Công thương đang đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Tuy nhiên, tôi nhận chúng tôi sai, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm, vì đổ lỗi cho nhau cũng không giải quyết được gì. Vấn đề của chúng ta hiện nay là phải khắc phục và thực tế vừa qua đang làm như thế".
Trên thực tế, các mặt hàng xăng dầu hiện nay đang phải chịu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các cam kết của các hiệp định thương mại tự do trong và ngoài khu vực. Các mức thuế nhập khẩu khác nhau thì nguồn nhập khẩu cũng khác nhau. Cụ thể, thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng là 20%, dầu Diesel, dầu Mazut... giảm còn 7%. 
Theo một số hiệp định FTA, mặt hàng xăng dầu thuộc diện cắt giảm theo lộ trình. Cụ thể, theo các Hiệp định thương mại tự do khối ASEAN (AFTIGA) thì thuế suất thuế nhập khẩu các mặt hàng dầu (dầu hoả, dầu diesel, nhiên liệu bay) sẽ là 0% từ năm 2016 trở đi. Theo Hiệp định thương mại tự do Hàn Quốc - Việt Nam, thuế với mặt hàng xăng sẽ được cắt giảm còn 10% từ 20.12.2015. Còn theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc từ năm 2016 trở đi, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi với mặt hàng xăng là 20%; các mặt hàng dầu lần lượt là 5-8-10%.
Theo Nghị định 83 của Chính phủ, giá bán xăng dầu đã được thực hiện theo cơ chế thị trường dưới sự quản lý của nhà nước và được điều chỉnh do Liên bộ Công thương - Tài chính. Theo đó, việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo cam kết của các hiệp định đã có ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của giá xăng dầu trong nước, vì vậy Bộ Tài chính đã ban hành thông tư 48/2016, giảm thuế ưu đãi các mặt hàng dầu từ 10% xuống còn 7% và giữ nguyên thuế suất của mặt hàng xăng là 20%. Việc lấy mức nhập khẩu ưu đãi xăng dầu để ước tính cho việc điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã không còn phù hợp với thực tế giá xăng dầu như hiện nay.
"Với cách tính như vậy thì quyền lợi người tiêu dùng sẽ được đảm bảo hơn vì thuế bình quân của xăng hiện nay chỉ là 18,08%, giảm gần 2% so với trước đó. Mặt hàng dầu là 7% thì sẽ còn 0,6% (giảm tới 6,4%)", Bộ trưởng Dũng khẳng định.
Theo người đứng đầu Bộ Tài chính, hiện nay, giá xăng dầu của Việt Nam đứng thấp thứ 27/180 quốc gia, vùng lãnh thổ. Bộ sẽ vẫn tiếp tục rà soát, quản lý sao cho giá càng thấp, có lợi cho người tiêu dùng, cho nền kinh tế; đảm bảo hài hòa quyền lợi của nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Về việc hoàn thuế 3.500 tỉ đồng cho nhân dân, theo ông Dũng, Bộ Tài chính đã tổ chức thanh tra điều tra các doanh nghiệp đầu mối và có phương án điều chỉnh chặt chẽ. Về sợ bộ thì sẽ rà soát, báo cáo với chính phủ thêm.
Theo số liệu thống kê, tổng số ngân sách xăng dầu đã thu của năm 2015 là 35.000 tỉ đồng và tổng số thuế phải hoàn năm 2015 của 23 doanh nghiệp tư nhân đầu mối tính đến ngày 24.3.2016 là 3.475 tỉ đồng, trong đó, số thuế giá trị gia tăng là 335 tỉ đồng.
“Số tiền thuế được hoàn của DN không làm giảm tổng số thu ngân sách Nhà nước, do hoàn thuế trong khâu nhập khẩu thì phải nộp tăng khâu tiêu thụ nội địa. Thực chất doanh nghiệp không được hưởng lợi”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.
Theo đó, số tiền phải hoàn cho thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt là 3.120 tỉ đồng. Trong tổng số tiền được hoàn cho 23 doanh nghiệp đầu mối thì có 2.794 tỉ  là của 11 doanh nghiệp nhà nước (chiếm 88% thị phần tiêu thụ xăng dầu trong cả nước) và 325 tỉ đồng của 12 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 12% thị phần).
Tuyết Nhung

Một Thế Giới