Rút quyền đăng cai World Cup 2018 của Nga: Nói dễ làm khó!

Thể thao - Ngày đăng : 16:02, 27/07/2014

Phó thủ tướng Anh Nick Clegg là nhân vật chính khách mới nhất của phương Tây đã lên tiếng kêu gọi rút quyền đăng cai World Cup 2018 của Nga vì cho rằng, chính quyền của tổng thống Putin đã hậu thuẫn cho quân ly khai ở Ukraine bắn rơi máy bay MH17. Dù vậy, khả năng Nga mất quyền tổ chức World Cup 2018 là rất nhỏ.

Mặc dù cuộc điều tra thủ phạm gây ra thảm họa hàng không cho chuyến bay MH17 vẫn đang được điều tra, nhưng các chính khách phương Tây gần như đã “mặc định” máy bay chở 298 người của Malaysia Airlines bị bắn rơi bởi tên lửa Buk của phiến quân ly khai ở Đông Ukraine do Nga hậu thuẫn.

Phó thủ tướng Anh Nick Clegg phát biểu trên tờ Sunday Times cho rằng: “Thế giới cần phải làm điều gì đó cứng rắn với Tổng thống Putin. Không thể để một chính quyền gây mất ổn định ở quốc gia khu vực, bảo trợ cho các phiến quân ly khai lại được đón nhận vinh dự tổ chức World Cup 2018”.

Trước đó một nhóm chính trị gia thuộc phái bảo thủ ở Đức do nghị sĩ Michael Fuchs cũng bắt đầu vận động các chính khách ở Đức ủng hộ việc tước quyền đăng cai World Cup của Nga. Trong khi đó Hà Lan, nước có số nạn nhân lớn nhất trong thảm kịch máy bay MH17, dù dè dặt song LĐBĐ Hà Lan cũng đã ra tuyên bố khi cho rằng việc tổ chức World Cup 2018 rất dễ gây ra những tổn thương đối với gia đình các nạn nhân cũng như tình cảm chung của người dân Hà Lan sau thảm kịch hàng không tồi tệ nhất xứ sở hoa tulip.

Đức, Anh, Hà Lan là 3 cường quốc bóng đá thế giới nên về mặt nào đó tiếng nói của họ sẽ có tác động đến các nước phương Tây nói chung, nhất là các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU). Dù vậy, LĐBĐ thế giới (FIFA) dường như cố ý đừng ngoài cuộc tranh cãi nhạy cảm này dù chưa đưa ra thông báo hay phát ngôn chính thức về chuyện tước quyền đăng cai World Cup 2018 của Nga.

Theo nguyên tắc trung lập và phi chính trị, FIFA sẽ không để các tác động chính trị tác động vào hoạt động bóng đá. FIFA cũng đưa ra quy định nghiêm cấm chính quyền các nước có LĐBĐ là thành viên FIFA dùng quyền lực chính trị can thiệp, tác động hoạt động bóng đá, nếu không FIFA sẽ cấm ĐTQG nước đó tham dự các giải đấu quốc tế do FIFA tổ chức.

Với yếu tố “phi chính trị”, FIFA thậm chí còn phạt cả những hành vi như tiền đạo Didier Drogba (Bờ Biển Ngà) mặc áo thun bên trong có in dòng chữ tưởng nhớ Nelson Mandela, khi cựu tổng thống Nam Phi qua đời hồi cuối năm 2013.

Tuy nhiên, trong lịch sử FIFA cũng từng có động thái trừng phạt một ĐTQG do sức ép về chính trị là trường hợp của đội tuyển Nam Tư ở Euro 1992. Với lý do Nam Tư xảy ra nội chiến, thanh trừng sắc tộc, FIFA - dưới yêu cầu của Liên Hiệp Quốc đã cấm ĐTQG Nam Tư tham dự VCK Euro 1992 tổ chức ở Thụy Điển. 
Thay vào đó, FIFA đã điền tên Đan Mạch là đội đứng sau Nam Tư ở vòng loại Euro tham dự VCK mà sau đó Đan Mạch đã làm nên điều thần kỳ là đoạt chức vô địch châu Âu.

Với diễn biến phức tạp hiện nay tại Đông Ukraine, khả năng Nga bị FIFA tước quyền tổ chức World Cup 2018 dù nhỏ nhưng không phải là không thể không xảy ra nếu chiến sự leo thang hoặc có thêm những sự cố, thảm kịch nào đó khiến quốc tế phải chung tay hành động.

Bàn Thành


Một Thế Giới