Tan nát hết một lứa U.20 Việt Nam năm 2006

Thể thao - Ngày đăng : 15:19, 25/07/2014

Nhân vụ 6 cầu thủ Đồng Nai vừa bị bắt vì bán độ, lần giở lại những tấm ảnh tư liệu thì hầu hết những cầu thủ nhúng chàm đều là trụ cột của Đội tuyển U.20 Việt Nam năm 2006, một lứa cầu thủ đầy tài năng nhưng bây giờ gần như tan nát vì đánh mất mình với đủ các lý do khác nhau.

Kế thừa xứng đáng lứa Công Vinh, Vũ Phong, Phước Vĩnh

Trong các lứa tuyển U.20 Việt Nam tính từ năm 2000 đến nay thì tuyển U.20 VN năm 2003-2004 được coi là lứa thành công nhất sinh năm 1985 và 1986, do HLV Đoàn Minh Xương dẫn dắt bao gồm những gương mặt nổi bật:

Thủ môn: Bùi Tấn Trường, Trần Đức Cường. 
Hậu vệ: Châu Lê Phước Vĩnh, Châu Phong Hòa, Nguyễn Văn Biển, Đoàn Việt Cường. 
Tiền vệ: Phùng Công Minh, Nguyễn Minh Chuyên, Nguyễn Quý Sửu, Mai Tiến Thành, Nguyễn Vũ Phong, Nguyễn Xuân Thành, Phan Thanh Phúc, Ngô Văn Khoa.
 tiền đạo Nguyễn Anh Đức, Phan Thanh Bình, Lê Công Vinh…
Dù lứa cầu thủ này cũng có vài gương mặt rơi rụng dần khi trưởng thành, nhưng nhìn chung hầu hết đều phát triển rất tốt và trở thành trụ cột của tuyển U.23 và ĐTQG Việt Nam sau đó không lâu.
 Cho đến giờ những Tấn Trường, Vũ Phong, Anh Đức, Công Vinh, Xuân Thành, Thanh Phúc, Mai Tiến Thành, Văn Biển, Phước Vĩnh vẫn đang là các tuyển thủ thường trực của ĐTQG Việt Nam.

Kế cận tuyển U.20 Việt Nam năm 2003-2004 là lứa U.20 Việt Nam năm 2005-2006 với các cầu thủ sinh năm 1987 và 1988 do HLV Đoàn Phùng dẫn dắt (2005) và sau đó là HLV Lê Tuấn Long (2006). Lứa cầu thủ này gồm có:

Thủ môn Thanh Bình, Xuân Nam (Đà Nẵng), Trần Thanh Tùng (Hải Phòng). 
Hậu vệ Nguyễn Thành Long Giang, Trần Quốc Anh, Võ Nhật Tân (Tiền Giang), Phan Duy Lam, Trần Văn Học, Võ Hoàng Quãng (Đà Nẵng), Hoàng Trọng Phú (Bình Dương), Nguyễn Đắc Khánh (SLNA), Bùi Quốc Sơn (Bình Thuận), Văn Khánh (HN.ACB). 
Tiền vệ: Nguyễn Ngọc Điểu, Từ Hữu Phước (Khánh Hòa), Việt Dũng, Lê Văn Duyệt (Nam Định), Nguyễn Quang Tình, Nguyễn Công Minh (SLNA), Phạm Thành Lương (HN.ACB).
Tiền đạo: Huỳnh Phúc Hiệp (Tiền Giang), Hồ Ngọc Huy (TMN.CSG), Nguyễn Văn Khải (Thành Long).
Dù được coi là lứa kế thừa xứng đáng cho tuyển U.20 VN năm 2003-2004 song cho đến giờ ngoài Phạm Thành Lương, TM Nguyễn Thanh Bình là còn khoác áo ĐTVN và Võ Hoàng Quãng, Duy Lam, Nhật Tân, Văn Học, Quang Tình còn trụ lại V.League. 
Trong khi đó, có đến hơn 1/2 đi vào con đường tàn lụi nghề nghiệp mà trong đó Long Giang, Văn Duyệt đã dính vào vụ bán độ ở Đồng Nai, Vissai Ninh Bình.

Bóng dáng của “ông trùm” tương lai Trần Tiến Đại

Điều đáng nói là tuyển U.20 Việt Nam năm 2005-2006 về sau do HLV Lê Tuấn Long huấn luyện song thực chất thì trợ lý Trần Tiến Đại (trợ lý 1 kiêm phiên dịch) đã nắm quyền điều khiển. 
Ông Đại khi đó chỉ mới bắt đầu tập tành vào nghề môi giới cầu thủ nhưng chỉ sau một thời gian ngắn từ tuyển U.20 VN trở về đã nhanh chóng trở thành một ông trùm trên thị trường chuyển nhượng ngoại binh rồi cầu thủ nội. 
Về sau này, rất nhiều cầu thủ U.20 VN khi chuyển nhượng đều có bàn tay của “cò” Đại nhúng vào đổi lại cầu thủ nhận được các bản hợp đồng rất hậu hĩnh song con đường lụi tàn sự nghiệp lại hiện ra trước mắt. 
Những cầu thủ qua tay ông Đại có thể kể Long Giang (Tiền Giang, Navibank Sài Gòn, Xuân Thành Sài Gòn), Văn Duyệt (Nam Định, Vissai Ninh Bình), Hồ Ngọc Huy (TMN.CSG, XT.SG), Trọng Phú (Bình Dương, XT.SG)…
Một số cầu thủ khác rất tài năng từng lên U.23 VN và ĐTVN song nổi tiếng ăn chơi, thiếu rèn luyện khiến sự nghiệp cũng "đi tong": 
Nguyễn Ngọc Điểu, Từ Hữu Phước, Huỳnh Phúc Hiệp, Nguyễn Văn Khải, Trần Quốc Anh, Trương Đắc Khánh…
Nếu chỉ cần quay ngược thời gian khoảng 5 năm về trước thì tất cả các gương mặt về nêu trên đều được coi là những trụ cột tương lai của BĐVN. 
Bây giờ nhiều người treo giày giải nghệ khi tuổi đời chỉ mới 27 (Đắc Khánh, Văn Khải, Ngọc Huy, Phúc Hiệp, Quốc Anh, Từ Hữu Phước, Thanh Tùng, Văn Khánh…) hoặc thi đấu vật vờ ở giải hạng Nhất hay mài quần ở V.League hay tệ hơn nữa là sa vào vòng lao lý.
Sự tan nát của một đội tuyển trẻ U.20 Việt Nam năm 2005-2006 đã cho thấy cám dỗ và các hiểm hoạt luôn giăng sẵn trước mắt các cầu thủ trẻ, khi tiền bạc, danh vọng quá nhanh đã khiến họ “đốt đời” với quán bar, rượu mạnh, thuốc lắc, bàn nhậu, chân dài và cả thói cờ bạc đỏ đen.
Vậy mới biết, bóng đá chuyên nghiệp "kiểu Việt Nam" mới khủng khiếp đến mức nào!

Nam Kha

Một Thế Giới