Bóng đá Việt Nam be bét: Báo động vai trò người thầy!

Thể thao - Ngày đăng : 16:22, 26/07/2014

Một trong những nguyên nhân khiến bóng đá VN ngày càng bê bết bởi vai trò của người thầy dạy trẻ quá xem nhẹ, gần như cầu thủ nào treo giày cũng “gõ đầu trẻ” được.

1 - Xưa nay với BĐVN thì nghề dễ làm nhất là nghề làm HLV các đội trẻ. Hầu như bất cứ cầu thủ nào dù nổi tiếng hay không nổi tiếng khi đến tuổi về vườn chỉ cần đi học qua loa các khóa HLV ngắn hạn là nghiêm nhiên được giao cho ngay các lứa U.11, U.13, U.15 hay U.17 Sau khi làm ở đội trẻ một thời gian nếu có chút thành tích sẽ đôn dần lên các đội lớn hơn như U.19 và U.21 rồi đến nấc cuối cùng là dẫn dắt đội 1 thi đấu ở V.League, hạng Nhất.

Làm HLV tuyến trẻ ở VN hiện nay dễ dãi đến mức khi một cầu thủ vừa treo giày không biết làm gì thì người ta cho đi dạy trẻ con đá bóng!

Đây là quan niệm phải nói là cực kỳ sai lầm, ấu trĩ đến mức phản giáo dục nhưng cũng xuất phát từ lối suy nghĩ chạy đua thành tích là trên hết. Các lãnh đạo ngành TDTT ở địa phương hay các nhà quản lý CLB ở Việt Nam xưa nay đều chung quan điểm là “dạy trẻ con đá bóng mà quan trọng gì, ai dạy mà chẳng được”. Cái gốc của sự hư hỏng bắt đầu từ đây.

Hôm qua, với sự kiện HLV trưởng là Vũ Hồng Việt cùng các đồng nghiệp trong Ban huấn luyện đội U.17 Hà Nội T&T ăn nhậu say kêu taxi chở đi quán bar chơi bời tiếp rồi mâu thuẫn với tài xế taxi đến nỗi đánh nhau loạn xạ bị Công an TP Huế tạm giữ đủ cho thấy tư cách của những người gắn mác “thầy” bóng đá. Vũ Hồng Việt (sinh 1979) là cựu cầu thủ thuộc dạng trung bình khá của CLB Hòa Phát Hà Nội và chỉ mới giải nghệ gần 3 năm sau khi CLB HP.HN giải thể vào cuối năm 2011.

Thầy như thế thì dạy trò nào cho nên người?

2- Bóng đá VN kể từ thời hội nhập trở lại, với cột mốc là chiếc HCB SEA Games 18 tại Chiangmai 1995 (Thái Lan) với thế hệ cầu thủ được coi là “Thế hệ vàng” song với những người am hiểu bóng đá nội thì đấy cũng là một thế hệ đầy tai tiếng bởi các nghi án tiêu cực.

Đầu tiên là ở Tiger Cup 1996 tại Singapore thì sau trận hòa Lào 1-1 ở vòng bảng, HLV Karl Heiz Weigang đã họp đội và chỉ thẳng mặt tên 4 cầu thủ rồi đòi đuổi về nước mà ông thẳng thừng nói: “Các anh bán trận này với giá bao nhiêu?”.  May lúc đó ông trưởng đoàn Tô Hiền đã ngăn HLV Weigang lại và ra điều kiện để 4 cầu thủ trên ở lại đoái công chuộc tội.

Báo chí ngày đó “gọi tắt” tên nhóm 4 cầu thủ này là “4 cầu thủ họ Nguyễn” và cả 4 đều xếp vào diện danh thủ nổi tiếng bậc nhất và bây giờ 2 trong số đó làm HLV tuyển trẻ của 2 trung tâm đào tạo nổi tiếng ngoài Hà Nội và tại TPHCM, còn HLV nữa thì đang cầm quân ở V.League.

Tiếp đến sau sự cố ở Tiger Cup 1996 là nghi án lớn nhất lịch sử BĐVN khi ĐTVN thua Singapore 0-1 ở trận chung kết Tiger Cup 1998. Nghi án này nhức nhối đến mức mà mới đây ông Phạm Ngọc Viễn – TGĐ công ty VPF và nguyên Tổng thư ký, Phó chủ tịch VFF nhân vụ cầu thủ Đồng Nai bán độ đã nhắc lại rằng: “Nếu không có bán độ thì ĐTVN đã vô địch Đông Nam Á từ năm 1998 chứ không phải đợi đến năm 2008”. Một trong những nghi can chủ mưu của nghi án Tiger Cup 1998 cũng chính là “một chàng họ Nguyễn” trong “4 chàng họ Nguyễn” của hai năm về trước.

Cuối năm 2005, BĐVN lại khui ra một loạt vụ tiêu cực từ vụ SLNA dùng tiền “mua” đội CA TPHCM rồi dùng tiền kích Cảng Sài Gòn thắng Nam Định để đoạt chức vô địch V.League 2001, cho đến vụ 7 cầu thủ U.23 VN bán độ ở SEA Games 23 năm 2005 cho đến các CLB Ngân hàng Đông Á mua chuộc một loạt trọng tài để giành quyền thăng hạng…  Rất nhiều cầu thủ, HLV và trọng tài đã bị kết án tù, treo giò và cấm hoạt động bóng đá một thời gian nhưng sau khi quay trở lại thì không ít người được bố trí vào công tác đào tào bóng đá trẻ.

3- Tư cách người thầy hiện tại của BĐVN nhất là các HLV ở các tuyển trẻ cực kỳ đáng báo động. Đành rằng trong cuộc sống không ai là không mắc sai lầm và chúng ta cũng không quá cay nghiệt với quá khức của từng người. Tuy nhiên, chúng ta không thể dễ dãi đến mức lại đi sử dụng những “cựu danh thủ” song một thời lăn lộn, lấm lem với thứ bóng đá tiêu cực, xin-cho, móc ngoặc để làm thầy của trẻ con.

Không phải tự nhiên mà người xưa đã đúc kết có 2 nghề khó nhất, gian nan nhất song cũng cao quý nhất là nghề thầy thuốc và nghề dạy học. Làm thầy mà nhất là thầy của trẻ con phải đặt yêu cầu cực cao vì một HLV chỉ dạy đứa trẻ đá bóng 2-3 năm nhưng lại tạo ra ảnh hưởng về suy nghĩ, thói quen, lối sống và cả tính cách đến cả cuộc đời đứa trẻ đó về sau. Một người thầy quá khứ không trong sạch và tư cách chẳng mấy gì đàng hoàng khi liệu có dạy dỗ được đứa trẻ nên người?

Để có một thói quen tốt, người ta cần dạy dỗ và uốn nắn sát sao đứa trẻ hàng chục, hàng trăm lần nhưng một thói xấu thì đôi khi không cần “dạy”, đứa trẻ cũng dễ dàng học được bằng cách bắt chước theo cái gương trước mắt. Người thầy HLV không tốt dù trước mặt học trò có cố giả vờ đạo mạo cỡ nào vẫn lộ ra bản chất ở khía cạnh khác và các học trò coi đó làm gương để “học” theo.

Nói về Học viện HAGL Arsenal JMG của bầu Đức nổi đình nổi đám thời gian qua, thật ra so với các nền bóng đá của Âu-Mỹ hay Nhật Bản, Hàn Quốc chẳng có gì ghê ghớm nếu không nói là rất bình thường khi họ chọn được một người thầy (HLV Guilaume Greachen) cho ra tư cách người thầy. Đó người thầy có đạo đức chuẩn mực, yêu trẻ và có trình độ chuyên môn sâu về công tác đào tạo trẻ.

Thành quả của Học viện HAGL Arsenal JMG thì mọi người đều thấy khi các cầu thủ chơi thứ bóng đá đẹp mắt, công hiến và trên hết là tinh thần Fair-Play. Những gì mà cầu thủ trẻ của Học viện HAGL Arsenal JMG thể hiện suy cho cùng cũng là điều quá đỗ rất bình thường ở các nền bóng đá tiên tiến nhưng ở Việt Nam nó lại hóa thành một “chuyện lạ”, một hiện tượng cũng bởi nền bóng đá VN đã bị vấy bẩn, lem luốc từ bóng đá “già” cho đến bóng đá trẻ.

Quanh đi quẩn lại, rốt cuộc vẫn là thầy không đàng hoàng thì lấy đâu ra học trò tử tế. Thầy từng tiêu cực, bán độ thì học trò cũng bán độ, tiêu cực có gì mà lạ!

Bàn Thành

Một Thế Giới