“Lee Nguyễn cũng từng bị kiện cáo vì nghi ăn gian tuổi”
Thể thao - Ngày đăng : 21:23, 18/11/2014
Ông Phẩm kể về thân thế: “Lee Nguyễn sinh ngày 7 tháng 10 tại Richardson, Dallas, Texas và có tên Việt là Nguyễn Thế Anh. Tôi và mẹ Lee Nguyễn là đều là người Việt theo cha mẹ di cư sang Mỹ từ lúc nhỏ. Tôi quê ở Giồng Trôm, Bến Tre sang Mỹ năm 1973 lúc 12 tuổi. Gia đình bên ngoại của Lee sống Biên Hòa nhưng có quê gốc ở Huế, ông ngoại Lee là người Mỹ nên Lee có 1/4 máu Tây trong người”.
Ông Phẩm khi sang Mỹ sinh sống rất đam mê bóng đá và võ thuật và chữ “Lee” là tên do một võ sư người Mỹ là cha nuôi của ông Phẩm đã đặt cho theo tên huyền thoại Lý Tiểu Long (Bruce Lee) khi vợ chồng ông Phẩm đón đứa con đầu lòng ra đời. Ông Phẩm là kỹ sư điện toán và từng có thời gian làm cho General Dynamics là tập đoàn quốc phòng nổi tiếng của Mỹ nhưng lúc nào có thời gian rãnh là ông Phẩm lại dạy Lee Nguyễn đá banh khi con chỉ mới chập chững biết đi.
Lee Nguyễn lúc 4 tuổi (ảnh tư liệu gia đình Lee Nguyễn cung cấp) |
“Ngày nào khi làm xong tôi cũng tập cho Lee đá banh, năm này qua năm kia. Lúc 4 tuổi thì Lee đã đá được quả banh da ở sân cỏ rồi. Tôi bắt nó phải sút quả banh vào người tôi ở khoảng cách 15m và nếu sút không trúng thì phải đi nhặt quả banh nên Lee rất sợ sút trật thì đi lượm banh nên nó tập rất nhiều để sút cho chuẩn. Rồi tôi bắt nó phải tâng banh hai chân 10 cái, 20 cái rồi tăng lên 100 cái nếu tâng không xong thì phải tâng cho được mới về nhà ăn cơm. Cứ như vậy, kiên trì qua từng ngày thì đến khoảng 6-7 tuổi, Lee xử lý quả banh rất thuần thục, banh dính vô chân nó. Và nó gần như đi đâu cũng mang theo quả banh bên người”, ông Phẩm hồi tưởng lại những ngày thơ ấu của con trai.
Năm 7 tuổi khi Lee Nguyễn bắt đầu học tiểu học thì cậu bé đã chứng tỏ khả năng chơi bóng nổi bật so với các đám trẻ con người Mỹ cùng tuổi hoặc lớn hơn và chính từ đây rắc rối bắt đầu nảy sinh vì các phụ huynh người Mỹ nghi ngờ “thằng nhỏ châu Á kia ăn gian tuổi”.
Ông Phẩm nhớ lại: “Lúc 7-8 tuổi thì Lee đá banh nức tiếng ở khu nó ở với ở trường học rồi. Nó nhỏ con nhưng rất có khiếu, nên trận nào có nó thì đội nó cũng ăn người ta đến 7-8 bàn. Nó cầm quả banh lừa đám trẻ con Mỹ quay như chong chóng. Có lúc nó sút banh mạnh quá trúng mặt mấy đứa nhỏ nít người Mỹ làm tụi nó đau quá ôm mặt khóc. Cũng chính vì vậy mà có đến 6-7 lần đá giải, mấy phụ huynh người Mỹ họ kiện lên trọng tài là không cho Lee đá nữa vì họ bảo rằng “thằng nhỏ châu Á” kia ăn gian tuổi mới đá hay như vậy mặc dù Lee nhỏ con hơn đám trẻ nít người Mỹ”.
Để tránh bị kiện cáo rắc rối nên cứ lần nào chở Lee Nguyễn đá banh ở các giải trong thành phố Dallas hay giải trường nọ với trường kia, ông Phẩm đều cầm theo giấy khai sinh của Lee Nguyễn để đề phòng khi bị kiện hay trọng tài hỏi thì lấy ra để chứng minh tuổi thật.
“Lee nó nhỏ con nhưng nó tập đá banh từ sớm nên nó khác với tụi con nít Mỹ chỉ tập chơi chơi. Nhiều lần bị kiện hoài cũng bực mình nên mình phải lận theo giấy khai sinh. Cứ ai kiện thì mình giơ ra, vậy là êm chuyện”, ông Phẩm nói.
Khi Lee Nguyễn lên 9 tuổi, ông Phẩm nhắm khả năng của mình khó dạy con được giỏi hơn nữa nên đã tìm thầy cho con trai. Người mà ông Phẩm tìm được là một HLV người Brazil di cư sang Mỹ từng là đồng đội của Pele ở đội Santos để dạy cho Lee Nguyễn vì ông Phẩm nghĩ rằng lối đá kỹ thuật của người Brazil khắc phục điểm yếu vóc dáng nhỏ con của người châu Á.
Lee Nguyễn nhận phần thưởng "Cầu thủ trung học hay nhất năm 2004" từ tay huyền thoại bóng đá Mỹ Claudio Reyna |
Năm 1999, Lee Nguyễn được 13 tuổi và thi trúng tuyển vào Học viện bóng đá Dallas Texans của HLV Hassan Narazi là cựu tuyển thủ người Iran dự World Cup 1968 di cư sang Mỹ mở trường bóng đá. Khi thấy Lee Nguyễn, ông Hassan Narazi đã nhớ lại: “Cậu ấy lúc đó 13 tuổi, người rất nhỏ con nhưng đôi chân nhanh cực kỳ. Lee là đứa trẻ rất thông minh và tiếp thu nhanh những điều mà HLV chỉ dạy. Lúc đó Lee đá tiền đạo nhưng gặp bất lợi vì bị các hậu vệ đá xấu nhiều quá nên tôi đã điều chỉnh bằng cách kéo lùi cậu ấy xuống đá sau lưng tiền đạo mũi nhọn. Ở vị trí này Lee đã chơi rất hay, đem lại nhiều thành tích cho Dallas Texans từ U.13 đến U.18”.
Ông Phẩm cho biết thêm về cách chọn cầu thủ hay VĐV nhí ở Mỹ: “Ở Mỹ khi nhận cầu thủ trẻ, họ chia tuổi cầu thủ trẻ theo khoảng cách 6 tháng. Cầu thủ sinh trước tháng 7 học khóa trước, cầu thủ sinh từ tháng 7 về sau học khóa sau. Vì vậy nên cũng sinh năm 1986 nhưng Lee học khóa sau vì nó sinh tháng 10. Người Mỹ làm vậy vì để tránh chênh lệch vì ở tuổi nhỏ lớn hơn 6 tháng cũng có nhiều khác biệt nên phải tách ra để dạy cho chuẩn”.
Đăng Khoa