Những câu chuyện hoang đường về kình ngư Ánh Viên

Thể thao - Ngày đăng : 16:12, 03/07/2015

Khi kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên nổi lên như một ngôi sao chói sáng tại SEA Games 28 đồng thời đi kèm rất nhiều bài báo khai thác chi tiết về cuộc sống đời tư cho đến việc ăn uống, tập luyện của VĐV người Cần Thơ. Thế nhưng, có nhiều bài báo đưa người đọc vào những câu chuyện hỗn mang phi thực tế, thậm chí là phản khoa học đến mức “hoang đường”.

Ăn mỗi bữa 1kg thịt bò + 50 con tôm + uống 1 lít sữa…

Trong những ngày Ánh Viên thi đấu và liên tiếp gặt HCV tại Singapore thì không rõ từ nguồn gốc nào có những bài viết nói rằng để đạt được thành tích vẻ vang, Ánh Viên có chế độ ăn uống vô cùng kinh khủng là mỗi bữa 1 kg thịt bò, 50 con tôm hấp + uống 1 lít sữa nguyên kem cùng với cơm, rau, bánh mì và trái cây. Có bài cho rằng Ánh Viên khi ở Mỹ tập huấn đã ăn theo tiêu chuẩn của Micheal Phelps là 12.000 kcal/ngày.
chuyen hoang duong ve kinh ngu Anh Vien
 Bữa ăn của Ánh Viên lúc ở SEA Games 27
nhưng góc chụp này cố tạo ra sự hiểu lầm
vì đây là phần ăn của 2 người.
Một bài viết rồi nhân lên thành 100 bài rồi 1.000 bài trên đủ cả các loại báo in, báo điện tử, trang mạng cho đến lên hẳn các Đài truyền hình Trung ương đến địa phương đọc ra rả hàng ngày. Người ta đăng tải công thức bữa ăn của Ánh Viên: “1kg bò + 50 con tôm + 1 lít sữa..” như một điều hiển nhiên đúng. Không thấy ai suy xét hay chí ít tự đặt câu hỏi Ánh Viên liệu có đúng ăn như vậy không và có phải HLV Đặng Anh Tuấn là người cung cấp công thức bữa ăn này cho cánh phóng viên? Chính vì vậy, công thức “1kg bò + 50 con tôm + 1 lít sữa..” cứ thế lan truyền như một thứ bệnh dịch trên mặt báo.

Cho đến khi có một phóng viên dày công nghiên cứu về dinh dưỡng thể thao, fitness đã đặt nghi ngờ về tính vô lý của bữa ăn này chỉ bằng những phép tính vô cùng đơn giản thì mọi thứ mới vỡ lẽ ra là bữa ăn của Ánh Viên chỉ nằm trong trí tưởng tượng.

Với cách tính dễ là tôm sú loại ngon 20 - 25 con/kg để quy đổ ra 50 con tôm hấp Ánh Viên ăn mỗi bữa có cân nặng lên đến trên 1 - 1,5kg. Như vậy chỉ tính riêng thịt bò + tôm, mỗi bữa Ánh Viên đã ăn 2,5kg và nếu nhân lên cho 4 bữa/ngày sẽ có con số tổng cộng là. 10kg thịt bò và tôm. Đó là chưa kể sữa, cơm, bánh mì, mì sợi, rau và trái cây.
chuyen hoang duong ve kinh ngu Anh Vien
 Bữa sáng của Micheal Phelps bao gồm: 3 lát bánh mì và
3 trứng ốp-la, một bát bột kiều mạch, 3 bánh mì nướng kiểu
Pháp + trứng chiên, salad + cà chua và 3 bánh chuối rắc
chocolate và 2 tách cà phê.

Trên thế giới, kể cả các lực sỹ thể hình Mr Olympia trong giai đoạn tăng cân mạnh nhất cũng không ai có thể nuốt 1 ngày đến cả 20kg thức ăn vào dạ dày.

Công thức “huyền thoại” về bữa ăn của Ánh Viên đã sụp đổ nhanh chóng. Chính HLV Đặng Anh Tuấn sau khi trở về từ SEA Games 28 cũng đã phủ nhận công thức “1kg bò + 50 con tôm”. Cánh phóng viên của làng báo thể thao Việt Nam rốt cuộc ngớ người ra và coi đây như một bài học kinh nghiệm để nhắc nhau rằng: “Không phải cứ nghe ai nói gì cũng tin”.

Ánh Viên hàng ngày bơi từ 30 – 50km

Đặc điểm truyền thông, báo chí thể thao ở Việt Nam là khi có một hiện tượng nóng sốt nào đó, thường xuất hiện những bài viết đưa vấn đề đi quá xa sự kiểm chứng về chuyên môn lẫn bản chất khoa học.

Cũng không rõ từ đâu, có bài viết lại dẫn lời HLV Đặng Anh Tuấn nói rằng: "Ánh Viên chỉ riêng khởi động làm nóng đã 10km, nguyên khối lượng tập luyện 1 ngày là 30-50km". Thêm một lần nữa, giống như công thức “1kg bò + 50 con tôm” thì câu chuyện về khối lượng tập luyện của Ánh Viên được “nhân bản vô tính” trên khắp mặt báo.

Và một lần nữa, người ta cũng tin rằng Ánh Viên tập luyện theo chế độ huấn luyện của huyền thoại Micheal Phelps. Tay bơi người Mỹ giành nhiều HCV nhất trong lịch sử Olympic được đem ra làm kim chỉ nam hay “kim bài miễn tử” cho những bài viết mà không hề được kiểm chứng.

Tuy nhiên chỉ bằng những phép tính số học đơn giản, huyền thoại về khối lượng tập luyện lên đến 50km/ngày hóa ra chỉ là sự tưởng tượng “lãng mạn và bay bổng” của ai đó.

Tại SEA Games 28, Ánh Viên tranh tài ở nội dung 100m tự do nữ và chị đã giành HCB với thành tích 56 giây 05 sau VĐV Quah Ting Wen của Singapore (55 giây 93). Đó là đã nói đến chuyện nội dung 100m tự do nhảy phóng từ trên bục phóng xuống lúc "Start".

Vậy thử tính nhẩm: cứ cho 100m Ánh Viên bơi hơn 1 phút. 10 phút = 1.000m (1km), 100 phút = 10km và 200 phút, tức 3 tiếng 20 phút = 20km. Như vậy nếu một ngày Ánh Viên tập 2 buổi (6 tiếng 40 phút), cứ vừa ra đến hồ là nhảy xuống nước cắm đầu cắm cổ bơi, không cần HLV truyền đạt chỉ đạo, không cần nghỉ xả hơi, bơi đúng 1 kiểu free style và bơi đúng với tốc độ đạt kỷ lục SEA Games thì cũng đạt 40km là... “hết xí quách”.

Tại SEA Games 28, kình ngư Lâm Quang Nhật đoạt HCV và phá kỷ lục SEA Games ở nội dung 1.500m nam với thời gian 15 phút 31 giây 03. Đây mới chỉ là 1.500m (1,5km) mà thôi và hãy nghĩ nếu con số đó là 15km thử hỏi ngay cả kình ngư Micheal Phelps liệu có duy trì được tốc độ bơi như thế không?

Người ta thường hay mượn hình ảnh Micheal Phelps làm chuẩn, song chẳng mấy ai biết rằng tay bơi đến từ thành phố Baltimore (Maryland) này chỉ tập luyện mỗi ngày khoảng 5 tiếng đồng hồ.

chuyen hoang duong ve kinh ngu Anh Vien
 Ánh Viên thi đấu nội dung 200m bướm

Ánh Viên tiêu thụ năng lượng 10.000 Kcal/ngày

Từ những câu chuyện về bữa ăn không có thật và khối lượng tập luyện chỉ có “trong mơ” lại đẻ ra thêm một câu chuyện đầy hoang đường khác là kình ngư Ánh Viên tiêu thụ mức

năng lượng mỗi ngày là 10.000 calorie (kcal). Thêm một lần nữa, Micheal Phelps với con số 12.000 kcal/ngày lại được đem ra làm “bùa hộ mệnh”.

Trong rất nhiều bài viết, nhiều cây bút thường cho biết chính HLV Đặng Anh Tuấn là người cung cấp thông tin. Quả tình chính bản thân người viết không rõ có phải HLV Đặng Anh Tuấn cung cấp thông tin hay không, hay là ông bị “oan” nhưng những thông tin sai lệch về mặt chuyên môn lẫn khoa học dù thế nào vô hình chung khiến độc giả và người hâm mộ thể thao bị “nhiễu loạn” với những chỉ số chỉ có trong tưởng tượng.

Ánh Viên là Ánh Viên và Micheal Phelps là Micheal Phelps. Không thể nào đánh đồng một kình ngư nữ Việt Nam chỉ cao 1,70m và nặng chừng 60kg với một tay bơi nam khổng lồ của Mỹ với chiều cao lên đến 1,93m và nặng từ 88-90kg.

Khoa học dinh dưỡng - thể thao đã chỉ ra mức tiêu thụ năng lượng của một người phụ thuộc vào 4 yếu tố căn bản: Giới tính, độ tuổi, cân nặng và mức độ hoạt động. Ánh Viên có đặc điểm, chỉ số cơ thể và mức hoạt động rất khác Micheal Phelps nên càng không thể đem ra so sánh.

Theo tài liệu môn bơi lội, 1 người cao nặng 130 pound (58kg) khi bơi với tốc độ nhanh thì 1 giờ sẽ đốt được 590kcal và bơi tốc độ chậm sẽ tiêu hao 413 kcal.

Ánh Viên bơi 5 giờ tiêu hao mức năng lượng khoảng 3.000 kcal. Cộng với mức tiêu hao năng lượng cơ bản mỗi ngày của người nữ tuổi thanh niên cao 1,70m, nặng 60kg vào khoảng 2.500 kcal thì tổng mức năng lượng tiêu thụ của Ánh Viên dao động từ 5.500 - 6.000 kcal/ngày.

Cũng 1 giờ bơi nhưng với người có cân nặng 200 pound (90kg) thì sẽ đốt 930kcal khi bơi nhanh và 650kcal khi bơi chậm. Như vậy, Micheal Phelps bơi 5 giờ sẽ tiêu hao gần 5.000 kcal và cộng với mức tiêu hao năng lượng cơ bản 3.500 kcal với thanh niên nặng 88kg thì tổng mức tiêu hao năng lượng ở mức 8.500 kcal/ngày.

Báo chí thể thao Mỹ từng cho biết, Micheal Phelps tiêu hao năng lượng trung bình trên 8.000kcal/ngày, khi tập cực nặng sẽ là 10.000kcal/ngày. Đỉnh của đỉnh năng lượng Micheal Phelps tiêu thụ là 12.000 kcal/ngày khi anh thi đấu ở Olympic Bắc Kinh 2008 giành 8 HCV và phá 7 kỷ lục thế giới (mức tiêu hao 12.000 kcal/ngày chỉ kéo dài 1 tuần khi thi đấu).

Cần biết thêm rằng ngay cả nam kình ngư Park Tae Hwan của Hàn Quốc là nhà vô địch Olympic 2008, ông hoàng châu Á ở cự ly 400m tự do (cao 1,83m, nặng 74kg) chỉ tiêu thụ mức năng lượng khoảng 7.000 kcal/ngày.

Việc quá nhiều bài viết cho rằng Ánh Viên tiêu thụ mức năng lượng 10.000 kcal/ngày hay sau đó có tờ báo “hạ giá” xuống còn 8.000 kcal rốt cuộc cũng chỉ là những con số đầy chất “hoang tưởng” như công thức “1kg bò + 50 con tôm” hay “bơi 50km/ngày”.

Vì sao làng báo thể thao Việt Nam lại quá dễ dàng rơi vào những câu chuyện đầy chất “thần thoại” như thế lại là một câu chuyện dài, khó nói?.

Theo Đăng Khoa (Duyên Dáng Việt Nam)


Một Thế Giới