Bức xúc từ câu chuyện chết 3 năm mới được truy tặng nghệ sĩ nhân dân
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 07:30, 14/07/2015
Cố diễn viên Phương Thanh - người bạn đời của nghệ sĩ Nguyễn Anh Dũng cũng được truy tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND) sau 3 năm ngày bà mất. Hai năm trước, khi nghệ sĩ Văn Hiệp qua đời, nhờ có lá đơn của NSND Khải Hưng cùng chữ ký của nhiều nghệ sĩ khác, “ông trưởng thôn” mới được đặc cách xét danh hiệu nghệ sĩ ưu tú (NSƯT). Cùng năm đó, khi nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ 20 Hà Thị Cầu mất đi, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên cho biết, cụ xứng đáng nhận danh hiệu NSND nhưng đến giờ vẫn chưa thấy danh hiệu được truy tặng.
Ngại cơ chế xin - cho danh hiệu
“Lúc anh Văn Hiệp còn sống, tôi nói mãi, anh làm đơn xét phong tặng NSƯT đi. Tạo được thương hiệu “ông trưởng thôn” như anh mà không được phong tặng là quá đáng tiếc. Nhiều lần nhắc mà anh cứ cười cười, rồi chẳng làm”, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN, đồng thời là ủy viên của Hội đồng xét tặng chuyên ngành cấp nhà nước lý giải vì sao nghệ sĩ Văn Hiệp không có danh hiệu nào cho đến khi ông mất.
“Nói xin - cho là hạ thấp danh hiệu!”, NSND Lê Tiến Thọ nói. Ông cho rằng việc nộp hồ sơ chỉ là nguyên tắc hành chính phải làm. “Nghệ sĩ phải tự làm hồ sơ thành tích của mình vì những thành tích, cống hiến của họ làm sao ai biết hết được. Chỉ trừ mấy nghệ sĩ xuất hiện trên ti vi, tham gia game show, tấu hài là người ta còn biết, còn những nghệ sĩ như nghệ sĩ rối đứng đằng sau cánh gà, sau tấm mành, những nghệ sĩ giao hưởng thì mấy ai biết được", ông Thọ giải thích.
Theo Nghị định 89 (mới ban hành vào năm 2014) quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, trong hồ sơ xem xét, ngoài bản kê khai thành tích, cần phải có bản sao, bản xác nhận chứng thực các quyết định tặng giải thưởng, danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng... “Kiểu xét như vậy không khác gì nghệ sĩ phải đi xin”, NSƯT Tố Uyên nói. Để bỏ hình thức này, nên chăng các hội nghệ thuật đề xuất danh sách để trao tặng danh hiệu.
Trúng hay trượt là do hội đồng quyết
Năm nay là năm thứ 8 xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT NSND Lê Ngọc Cường (nguyên Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn) cho rằng, Nghị định 89 ở mức hoàn thiện cao nhất so với các văn bản trước đó. Nhờ vậy, nhiều nghệ sĩ tự do, nghệ sĩ cống hiến âm thầm cũng được xét công bằng như những nghệ sĩ nổi tiếng khác.
Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ âm nhạc truyền thống suốt hàng chục năm bền bỉ âm thầm cống hiến nhưng lại chưa được xét danh hiệu một cách xứng đáng. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nói: “Trong lịch sử chèo đương đại VN không thể không nhắc đến tài năng và công lao của các nghệ sĩ Thanh Ngoan, Thúy Ngần, Khắc Tư, Minh Thu, vậy mà họ lại bị đánh trượt danh hiệu NSND. Phải đặt dấu hỏi với hội đồng. Riêng nghệ sĩ Thanh Ngoan còn bị đánh trượt tới hai lần, thật quá bất công. Đó là nghệ sĩ đã hàng chục năm nay bỏ biết bao công sức, tiền túi của mình, có lúc không nhận cả cát sê chỉ để khôi phục, bảo tồn, phát triển nghệ thuật truyền thống, không chỉ ở loại hình chèo mà cả xẩm. Có nghệ sĩ nói thẳng hội diễn bây giờ là cuộc chạy đua giành huy chương, thậm chí có cả chuyện chạy huy chương. Để cuối cùng những huy chương này lại dùng để xét danh hiệu”.
Theo NSND Lê Tiến Thọ, hội đồng duyệt nắm quyền quyết định hoàn toàn trong việc xét duyệt danh hiệu. Nếu nghệ sĩ có số huy chương theo đúng tiêu chí nhưng lại không đủ sức lan tỏa thì có thể bị đánh trượt, hoặc thiếu huy chương nhưng đủ sức lan tỏa thì cũng có thể được duyệt. “Tất cả là do hội đồng đánh giá” ông Thọ nói. Chẳng hạn như trường hợp nghệ sĩ Chí Trung bị đánh trượt vừa rồi là do chỉ có 10/14 phiếu đồng ý của hội đồng. Trong khi, yêu cầu xét duyệt là phải đủ 90% số phiếu của hội đồng tán thành.
Một thành viên trong Hội đồng xét tặng chuyên ngành cấp nhà nước thừa nhận: “Nghệ sĩ chưa được chọn lỗi là do hội đồng, từ xưa đến nay đều thế cả”.
Ngọc An/Thanh Niên
"Tôi nghĩ quy định phải có huy chương là không phù hợp. Chỉ áp dụng quy định đó cho những nghệ sĩ mới vào nghề, vì họ còn đi thi để kiếm huy chương vàng, bạc. Chứ những nghệ sĩ đã cống hiến mấy chục năm, khán giả ái mộ, như Út Bạch Lan, Minh Vương, Thanh Tuấn... thì nhà nước phải gọi là "thưởng", không đòi họ "thi" nữa. Ai cũng biết, sân khấu miền Nam xã hội hóa gần hết, người quản lý có quyền không tham gia các cuộc liên hoan sân khấu, nghĩa là không đi thi, thì nghệ sĩ làm sao tìm huy chương".
NSND Lệ Thủy
"Mười mấy năm nay, tôi đều được yêu cầu phải làm đơn xin phong tặng danh hiệu và đều từ chối. Sao lại phải "xin"?
Nghe nó "kỳ" quá! Nghệ sĩ hoạt động ra sao thì khán giả và lãnh đạo đều biết, cứ thế mà xem xét và trao tặng thôi. Chính vì không làm đơn mà rất nhiều nghệ sĩ như tôi không thể nào có danh hiệu.
Nhưng tôi cũng không để tâm nữa, vì có ôm danh hiệu mà sống đâu. Sân khấu xã hội hóa buộc chúng tôi phải đau đáu lo nghĩ về nồi cơm của anh em, về sự làm nghề tử tế, về phản ứng của khán giả. Bao nhiêu đó đã quá mệt rồi. Nếu có danh hiệu thì tốt, động viên mình làm nghề hơn nữa, còn nếu không có thì cũng phải hoạt động đàng hoàng, bởi người "xét" mình chính là khán giả. Huy chương vàng của mình do khán giả trao tặng.
Đạo diễn Ái Như
Hoàng Kim ( ghi)