Đoàn xiếc lưu động trở lại Sơn Tây biểu diễn sau sự cố sập rạp
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 16:39, 20/08/2015
Tối qua, nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng 8 và hướng tới kỷ niệm 2/9, chương trình xiếc lưu động do Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã có buổi biểu diễn đặc biệt tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội).
Chương trình dành cho con em đối tượng chính sách, trẻ em nghèo và gia đình các cán bộ công an ở 15 phường xã theo lời mời của phòng văn hoá thông tin thị xã Sơn Tây. Đây được xem là hoạt động ý nghĩa mà Liên đoàn xiếc Việt Nam phối hợp cùng thị xã Sơn Tây trong dịp này. Tới dự buổi biểu diễn còn có các đồng chí lãnh đạo thị xã Sơn Tây. Ông Nguyễn Huy Khánh, thường vụ Thị uỷ, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây tới dự buổi biểu diễn khai mạc cho biết, đây là lần đầu tiên có một rạp xiếc lớn đến vậy về với Sơn Tây nên khán giả của thị xã, nhất là trẻ em đã háo hức chờ đợi từ khi bắt đầu dựng rạp cả tuần nay.
Những tiết mục biểu diễn của Liên đoàn xiếc được các em nhỏ hào hứng đón xem
Mặc dù thời tiết không thuận lợi với những đợt mưa kéo đến bất ngờ nhưng buổi biểu diễn đã thu hút 1500 khán giả tới xem, rất nhiều khán giả không có vé đã phải ra về trong tiếc nuối. Không chỉ trẻ con mà cả các khán giả là bố mẹ các em, thanh niên, người lớn tuổi… đều vô cùng háo hức vì đây là lần đầu tiên họ được xem ở rạp xiếc bạt hình tròn “khổng lồ” không khác gì hình ảnh những rạp xiếc họ thường thấy trong phim ảnh hoặc từng xem tại rạp xiếc Trung ương. Hơn 30 nghệ sĩ xiếc với các tiết mục xiếc đặc sắc từ thăng bằng, uốn dẻo, hề xiếc, ảo thuật, xiếc thú… đã khiến khán giả hò reo và vỗ tay không ngừng.
Với rạp xiếc bạt lưu động hình tròn theo tiêu chuẩn quốc tế với 1500 chỗ ngồi được Bộ văn hoá đầu tư, chương trình biểu diễn xiếc lưu động của Liên đoàn Xiếc Việt Nam liên tục có mặt ở khắp mọi miền đất nước để phục vụ công chúng yêu nghệ thuật xiếc, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Những trụ an toàn được thiết kế tốt, chống lún cũng được đầu tư chú trọng hơn khi diễn lưu động
Mô hình biểu diễn xiếc lưu động được Liên đoàn xiếc Việt Nam quan tâm phát triển trong 5 năm trở lại đây và đã đem đến nhiều hiệu quả cao cả về mặt kinh doanh, góp phần ổn định, nâng cao chất lượng đời sống của nghệ sĩ xiếc lẫn việc góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của khán giả khắp mọi miền đất nước. Trước đây, các chương trình biểu diễn của Liên đoàn thường phải diễn ở các sân khấu hình vuông, các sân khấu có sẵn…không đảm bảo chất lượng nghệ thuật và thường bị các chương trình xiếc tư nhân, nhỏ lẻ mượn danh, “nhái” theo. Để khán giả khắp mọi miền đất nước đều có thể xem xiếc được như đang ngồi xem tại rạp xiếc Trung ương, Bộ văn hoá đã đầu tư cho Liên đoàn xiếc rạp xiếc lưu động hình tròn đúng tiêu chuẩn quốc tế, rạp xiếc hình tròn khổng lồ này cũng đã tạo nên thương hiệu riêng của Liên đoàn xiếc Việt Nam mà bất cứ chương trình xiếc tư nhân nào cũng không thể “nhái” được.
Cách đây khoảng 15 ngày, rạp xiếc lưu động của Liên đoàn xiếc Việt Nam cũng đã gặp sự cố đáng tiếc khi bị sập một góc rạp tại Hải Dương khiến 17 người bị thương nhẹ. Nghệ sĩ ưu tú Tạ Duy Ánh, giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam, trực tiếp thị sát, chỉ đạo chương trình biểu diễn xiếc lưu động tại Sơn Tây cho biết: Suốt 5 năm biểu diễn, sử dụng, sự cố tại Hải Dương là lần đầu tiên rạp xiếc bạt lưu động gặp phải. Tuy nhiên, sự cố này hoàn toàn không phải do vấn đề kỹ thuật hay chất lượng của rạp mà là do đất nền của khu vực dựng rạp mới được san lấp lại gặp đúng đợt mưa lớn kéo dài gây lũ gập nhiều nơi tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương tác động nên lún. Khi dựng rạp, các cán bộ kỹ thuật đã đo độ cân bằng của tất cả các sàn ghế, nhưng khi khán giả ngồi lên có tải trọng nên khu đất lún không đều gây nghiêng và sập một góc rạp.
Ông Tạ Duy Ánh chia sẻ: “Việc giữ an toàn cho buổi diễn là khâu đầu tiên mà chúng tôi phải lo đến, vì thế nên việc mà chúng tôi đặt lên hàng đầu chính là thường xuyên kiểm tra linh kiện, chuyển rạp đến đâu là phải gia cố cẩn thận, có lưới căng, các cọc được đóng đều gia cố thêm dây chắc chắn, các mối ốc vít đều có buộc thêm dây thép… Rạp này rất nặng mỗi lần di chuyển phải có 4 container để vận chuyển, dựng rạp mất gần 1 tuần, hạ xuống cũng mất 5 ngày và phải có 30 công nhân thi công chưa kể diễn viên phụ giúp. Mỗi lần dựng rạp đều có thợ hàn kiểm tra kỹ từng mối hàn. Sau khi rạp dựng xong, lãnh đạo Liên đoàn xiếc đều kiểm tra cẩn thận rồi mới cho biểu diễn. Cho nên, nếu đất nền tốt như ở đây (Sơn Tây- PV), thì chắc chắn không bao giờ bị sập như ở Hải Dương. Sự cố Hải Dương là nằm ngoài dự liệu của chúng tôi, ngay hôm đó anh em diễn viên cũng đã đưa khán giả bị tai nạn vào viện, ngay trong đêm cũng đã có hơn chục khán giả ra viện. Ngày hôm sau chúng tôi có đến thăm những khán giả bị nạn, họ đều vui vẻ và thông cảm với sự cố không may đó”.
Tuy nhiên, theo ông Ánh, sự cố không may tại Hải Dương cũng đã nhắc đoàn cẩn trọng hơn trong việc nghiên cứu địa hình, đất nền ở những khu vực chuẩn bị tới dựng rạp biểu diễn. Ông Nguyễn Huy Khánh, thường vụ Thị uỷ, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho biết thêm, thị xã cũng quan tâm sâu sắc tới buổi biểu diễn, phòng văn hoá thông tin cũng cử cán bộ thẩm định kỹ lưỡng về các vấn đề đảm bảo an toàn, đặc biệt là phương án phòng khi mưa bão nên rất yên tâm về các buổi biểu diễn của Liên đoàn xiếc.
Sau buổi diễn khai mạc cho các gia đình chính sách, trẻ em nghèo, con em ngành công an, chương trình xiếc lưu động của Liên đoàn xiếc Việt Nam sẽ tiếp tục biểu diễn phục vụ khán giả vào 20h các tối từ 26- 30/8 tại khu đô thị mới Văn Miếu (Đường Lâm, thị xã Sơn Tây).
Minh Khuê