Họa sĩ Phạm Thúy Hương: “Tết Tây Ban Nha là ước muốn 12 trái nho…”

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 05:00, 01/01/2016

Vào những ngày đầu năm mới chúng ta thường có nhiều sự mong đợi ấm áp. Nhưng ly cà phê đầu năm sẽ uống với ai, cuốn sách nhà văn nào sẽ giở ra, viết những dòng đầu tiên gửi may mắn và hạnh phúc đến cho người bạn thân từ phương trời nào… còn tôi bây giờ lại có thêm một niềm vui nhỏ. Đó là chờ lá thư chuyển đến từ bưu điện và bộ lịch vẽ bằng tay gửi về từ Canarias Tây Ban Nha của họa sĩ Nguyễn Phạm Thúy Hương.
Thật lạ lùng khi những miền biên giới viễn liên được nối gần lại bằng internet thì có những người bạn từ đất nước văn minh công nghệ cấp tiến ấy vẫn muốn đo chiều dài tình bạn bằng sự chờ đợi, bằng những lá thư tay “độc bản”.
Tấm bưu thiếp hay tờ lịch tường vẽ những bông tuyết đầu năm, những thiên sứ mang hạnh phúc, những vì sao may mắn… bằng những nét cọ tài hoa độc đáo. Vì thế, bên bàn làm việc của tôi ở Tòa soạn tạp chí DDVN vẫn để tờ lịch “có một không hai” ấy. Để mỗi ngày là một ước mơ dịu dàng, một niềm vui nhỏ, đi qua năm tháng nhiều mơ ước và thử thách, cay đắng… 
Nguyễn Phạm Thúy Hương là một nữ họa sĩ gốc Việt, người Tây Ban Nha. Không chỉ thể hiện trên hộ chiếu mà trong phong cách hội họa của chị. Ví dụ như vẽ, chị luôn tìm một lối thoát riêng không đi theo “ăn sẵn” hay lối mòn. Mỗi tác phẩm là “độc bản”.
Đặc biệt trong trường phái vẽ chân dung, chị đã tạo được dấu ấn khiến nhiều nhà phê bình cũng như trong các họa sĩ giới mỹ thuật chú ý. Nhiều triển lãm cá nhân của chị đã thực hiện trong nước và thế giới. Tranh nữ họa sĩ có ở các bộ sưu tập giá trị trong, ngoài nước. Mới đây nhất, chị là gương mặt được chọn trong triển lãm 100 họa sĩ nổi tiếng đương đại tại Tây Ban Nha tháng 12.2015. 
Tet Tay Ban Nha, hoa si Nguyen Pham Thuy Huong
Cái tháp, sơn dầu, 146X196. Trích trong loạt: "Sáng
thế". Trình bày sự hiện hữu của Minh Triết. Sự sáng
tạo trong màu sắc và bút pháp. 
Là một nữ họa sĩ quê Đà Nẵng, sống và làm việc ở Tây Ban Nha, đề tài vẽ Tết Việt có trở lại trong khởi hứng sáng tạo của chị khi mùa xuân đến? 
Họa sĩ Nguyễn Phạm Thúy Hương: Trong hiện tại, mặc dù còn giữ hộ chiếu Việt, Thúy Hương vẫn nghĩ mình là họa sĩ Tây Ban Nha, gốc Việt, làm việc và sống tại Canarias. Về ý thức, Thúy Hương luôn muốn nghệ sĩ có khuynh hướng dấn thân, đi xa hơn. Tết Việt Nam làm nhớ quê hương. Nó cũng là đề tài suy tư, tạo cảm hứng. Chúng ta có gì trong văn hóa và truyền thống mà không ảnh hưởng Tàu? Đề tài và cũng là câu hỏi. 
“Màu sắc là ngôn ngữ chung của cả thế giới, ai cũng có thể chia sẻ”. Có một định nghĩa như vậy về hội họa. Chị nghĩ thế nào? 
Cho đến nay nhân loại chưa giải quyết được một ngôn ngữ chung. Người ta sẽ giải thích thế nào, có khi cùng chung một ngôn ngữ nhưng những người được xem là thân thiết đã không hiểu nhau. Vậy, màu sắc là ngôn ngữ hội họa trước hết phải rất riêng của họa sĩ. 
Phong cách có tùy thuộc vào việc dễ hiểu hay khó hiểu không? Bởi tôi thấy các nghệ sĩ lớn thì tác phẩm của họ không dễ tiếp cận và thường là khó hiểu? 
Phong cách tùy thuộc vào quá trình sinh trưởng và có tiến hóa. Sự hiểu tùy thuộc vào hai phía chủ quan và khách quan. Nghệ sĩ lớn nhỏ là hai hình dung từ phát sinh từ sự áp đặt của xã hội. Riêng Thúy Hương, một nghệ sĩ giỏi diễn đạt đề tài chiêm nghiệm sâu xa của mình trong một ngôn ngữ biểu cảm, dễ hiểu và đơn sơ.
Tet Tay Ban Nha, hoa si Nguyen Pham Thuy Huong
Sự sáng tạo, sơn dầu, 146X196. Trích trong loạt:
"Sáng thế". Trình bày sự hiện diện của khoa học, sáng
tạo trong bút pháp và sự lộng lẫy sắc màu. 
Có nhiều họa sĩ gốc Việt tham gia vào thị trường tranh thế giới không? Tranh ảnh có phải là lĩnh vực các nghệ sĩ Việt Nam thường chọn lựa khi sống ở nước ngoài? 
Thứ nhất, họa sĩ là hiếm và họa sĩ gốc Việt càng hiếm hơn. 
“Thị trường tranh thế giới” là một hình dung từ. Nghệ thuật với tính chất của sự sáng tạo là khởi đầu từ cái KHÔNG, nó đã góp phần vào cái kết bi thảm của nghệ thuật, như chính sự tử vong của Thượng Đế. Thứ hai, họa sĩ đi đâu thì sự sáng tác hội họa của nghệ sĩ đi theo đó, còn sự lựa chọn chỗ ở của họa sĩ thì không tùy thuộc vào hội họa. 
Họa sĩ Nguyễn Phạm Thúy Hương được giới nghiên cứu mỹ thuật và giới thưởng ngoạn xem tranh đánh giá cao bởi dòng tranh chân dung. Đặc biệt là bút pháp vẽ sơn dầu. Chị có thể cho biết quan điểm cùng những tìm kiếm của riêng mình trong dòng tranh này? 
Không chỉ riêng chân dung, Thúy Hương được giới nghệ thuật và người thưởng ngoạn đánh giá cao về khả năng gợi cảm và phong phú trong sáng tạo và truyền đạt. Về nghệ thuật chân dung, Thúy Hương có đề cập và chia sẻ trong “Hồi ức về trăng”. 
Các xu thế, quan niệm, trào lưu mới, hiện đại của châu Âu… có ảnh hưởng gì đến tranh chị?
- Trong bẩm sinh, Thúy Hương không thuộc loại nghệ sĩ theo xu thế, quan niệm, trào lưu mới, kể cả Đông lẫn Tây. Nghệ sĩ sinh ra để suy nghĩ, làm việc theo cách riêng và làm vừa lòng nghệ thuật. Điều đó làm nên chữ ký của nghệ sĩ. 
Tet Tay Ban Nha, hoa si Nguyen Pham Thuy Huong
Sự cám dỗ, sơn dầu, 154X196, Trình bày sự
bình đẳng giữa các chủng tộc, giữa nam và
nữ, sáng tạo trong bút pháp và màu sắc. 
Người Tây Ban Nha thường đón Tết ra sao? Sự khác nhau giữa một cái Tết châu Âu và Tết cổ truyền? 
Người Tây Ban Nha đón Tết bình thản hơn người Việt, với họ ngày nào cũng là Tết. Với sự chuẩn bị sẵn, vào đúng lúc đồng hồ điểm 12 giờ bằng 12 tiếng chuông, người ta ăn 12 lần, tổng cộng 12 trái nho và ước 12 điều. Sau đó ăn uống, tụ tập, đi chơi...
Sang năm mới 2016, Thúy Hương xin chúc tất cả bạn bè, văn nghệ sĩ thân quý, bạn đọc tạp chí Duyên Dáng Việt Nam một cái Tết an khang, thịnh vượng, một năm mới thật vui.
Cảm ơn họa sĩ Nguyễn Phạm Thúy Hương về cuộc trao đổi đầu năm thú vị này!
Nguyễn Hữu Hồng Minh / Duyên dáng Việt Nam

Một Thế Giới