Lịch sử đường hoa Nguyễn Huệ: Dấu ấn văn hóa Tết Sài Gòn

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 15:00, 27/01/2016

Sau 12 năm, tính tới Tết Giáp Ngọ 2014 (trừ năm 2015 đường hoa Tết Ất Mùi dời về đường Hàm Nghi), năm nay Tết Bính Thân 2016, đường hoa Tết lại trở về đường Nguyễn Huệ. Đường hoa đã trở thành nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu của người dân TP.HCM và cả du khách quốc tế mỗi dịp xuân về.
Để có được khu vui xuân mang tính lễ hội hoành tráng này ngoài sự chỉ đạo của UBND TP, sự đóng góp của các ngành liên quan, hưởng ứng của các doanh nghiệp, sự ủng hộ của người dân thành phố còn có các nghệ nhân thực hiện ý tưởng, chủ đề của đường hoa mỗi năm, trong đó một người không thể không nhắc đến, đó là nghệ nhân Nguyễn Minh Phương. Có thể gọi họa sĩ Nguyễn Minh Phương là người “thổi hồn cho đường hoa Nguyễn Huệ” cũng không ngoa.
Những đường hoa Tết trong ký ức
Nhớ lại thời điểm khi chúng tôi tới thăm “cơ ngơi” làm việc của họa sĩ Minh Phương cũng là năm thứ 6 anh đảm nhận vai trò thiết kế biểu tượng cho đường hoa Nguyễn Huệ. Đó là dịp Tết Đinh Hợi 2007, mà theo anh Nguyễn Minh Phương là do sự giới thiệu của ông Cao Lập (khi ấy là Giám đốc Khu du lịch Bình Quới, TP.HCM - một trong những người tiên phong có ý tưởng tái hiện nên đường hoa Nguyễn Huệ), và từ đó anh Phương bắt đầu tham gia công việc này rồi gắn bó với nó nhiều năm về sau. Anh Nguyễn Minh Phương chia sẻ: "Công việc lúc đó còn khá mới mẻ với tôi vì sau năm 2007 anh Cao Lập không tham gia thiết kế đường hoa nữa. Từ đó trở đi tôi là người chịu trách nhiệm chính cho việc thiết kế con giáp biểu tượng của đường hoa"
Năm đầu tiên, anh Nguyễn Minh Phương tham gia thiết kế đường hoa phải làm biểu tượng con heo đất khổng lồ dài 3m và đàn heo hơn 60 con. Mô hình được duyệt, chưa kịp vui thì anh Phương lại phải tất bật lo tìm cộng sự, trong khi thời gian để hoàn thiện công trình chỉ vỏn vẹn có 20 ngày. 
Vận dụng các mối quan hệ, họa sĩ Nguyễn Minh Phương đã kêu gọi tất cả đồng nghiệp, sinh viên quen biết cùng tham gia và họ phải thức trắng nhiều đêm làm cho kịp tiến độ, nhất là đúng thời điểm khai mạc lễ hội khai trương đường hoa Nguyễn Huệ. Anh Nguyễn Minh Phương trầm ngâm với dòng hồi tưởng và bồi hồi chia sẻ: “Tôi ngồi săm soi đàn heo mô hình đã thiết kế hàng giờ, bởi việc “phóng to” nó ra thì dễ nhưng cái khó là tìm chất liệu gì để thực hiện vừa có được ý nghĩa văn hóa, đồng thời cũng vừa chịu được nắng mưa suốt mấy ngày Tết? Rồi làm sao để việc vận chuyển được dễ dàng, không hư, bể?”. Cuối cùng anh Nguyễn Minh Phương đã quyết định làm heo đất và heo gốm, chất liệu là thạch cao giả gốm để đảm bảo được những yêu cầu khắt khe nói trên. 
Điểm nhấn đường hoa Tết Mậu Tý 2008
Sau năm đầu với đàn heo đất, đến Tết Mậu Tý 2008, họa sĩ Nguyễn Minh Phương cùng các cộng sự mất một tháng để chuẩn bị mô hình gia đình nhà chuột đan bằng lục bình. Còn năm Kỷ Sửu 2009, ròng rã trong 3 tháng, nhóm 5 họa sĩ do anh Nguyễn Minh Phương làm trưởng nhóm thiết kế và thi công 8 con trâu mỗi con cao 1,2m, dài 2,5m cùng những quả dưa hấu “khủng” với chiều cao 5m, đường kính 4,8m, nặng khoảng 1 tấn. Bên cạnh quả dưa to còn có 4 quả khác, mỗi quả cao 2m, đường kính 1,8m. Tới năm Canh Dần 2010, anh Nguyễn Minh Phương cùng cộng sự lại túi bụi làm biểu tượng gia đình nhà cọp. 
Rồi đến năm Tân Mão 2011, ngoài đôi mèo hạnh phúc to đùng, nhóm của anh còn phải làm thêm mấy chục con mèo nhỏ để trang trí dọc đường hoa. Và năm Nhâm Thìn 2012, họa sĩ Nguyễn Minh Phương có nhiệm vụ thiết kế con rồng khổng lồ bằng xốp. Khi chúng tôi ghé thăm đã nhìn thấy trên công trường thực hiện mô hình bộn bề chất liệu để họa sĩ thiết kế như: mút, giấy, màu, dụng cụ để leo trèo thi công như các cây thang đủ kích cỡ trong lúc họa sĩ Nguyễn Minh Phương mặt mũi dính đầy bụi xốp, anh liên tục chạy tới chạy lui hướng dẫn, đôn đốc các cộng sự tô, vẽ, gắn vảy cho con rồng khổng lồ là "linh hồn" của đường hoa Nguyễn Huệ năm Nhâm Thìn. Và năm Quý Tỵ 2013, anh Nguyễn Minh Phương cũng đã chia sẻ với chúng tôi: “Quan niệm của người Việt Nam cho rằng con rắn tượng trưng cho cái ác, cái xấu. Vì vậy, việc thể hiện con rắn làm sao cho gần gũi lại không dữ tợn là rất khó". 
Ý tưởng thực hiện con giáp của năm Quý Tỵ đã khó, lại thêm thách thức đối với anh và nhóm cộng sự chính là thời gian thi công gấp rút. Thời gian để hoàn thành công việc thường rất ngắn trong khi yêu cầu phải đúng hẹn để dàn dựng ở đường hoa, vì vậy cả ê-kíp của anh Nguyễn Minh Phương thường phải chia nhau từng công đoạn, có khi phải làm cả đêm để kịp tiến độ. Và quả thật, với mô hình biểu tượng 2 con rắn quấn đuôi nhau thành hình trái tim, thể hiện một “Mùa xuân yêu thương” cho năm 2013 người ta không thấy rắn là con vật đáng sợ nữa mà cảm nhận nó rất nhẹ nhàng, dễ thương. 

Đường hoa Tết Giáp Ngọ - điểm nhấn 10 năm 

Năm 2014, Tết Giáp Ngọ, sau 10 năm nâng “hồn” đường hoa Nguyễn Huệ xứng tầm Văn hóa Tết Sài Gòn có gì mới? Với chủ đề “TP. Hồ Chí Minh, thành phố tôi yêu”, ý tưởng hình thành đường hoa Nguyễn Huệ đã được nâng lên để mang “thông điệp về một TP. Hồ Chí Minh năng động, sáng tạo, có truyền thống nhân ái, nghĩa tình, dám đương đầu với những thử thách khó khăn trong thời đại mới”. 
Một chủ đề vừa mang tính văn hóa, vừa mang tính tư tưởng rất khó cho ê-kíp thực hiện. Tổng thể, đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Ngọ 2014 có 3 phân đoạn chính, theo từng chủ đề nối tiếp nhau mang tính xuyên suốt: Hội nhập phát triển, Hội tụ nghĩa tình và Khát vọng. Theo từng chủ đề này, đứng từ đầu đường hoa Nguyễn Huệ phía vòng xoay trước UBNDTP sẽ nhìn thấy đại cảnh với hình ảnh đàn ngựa đang tung vó kéo cỗ xe đồng hồ mang biểu tượng “dòng thời gian” tiến về phía trước. Chiếc đồng hồ to, được đàn ngựa kéo qua những gập ghềnh mang thông điệp nhắn nhủ với tuổi trẻ thời nay như một dòng chảy bất tận nhưng không chờ đợi ai, hãy luôn tiến về phía trước đừng để tụt hậu. 
Nhất là tụt hậu về phát triển kinh tế. Mỗi một đại cảnh của đường hoa đi kèm với các tiểu cảnh để làm điểm nhấn. Bên cạnh đại cảnh đàn ngựa kéo cỗ xe đồng hồ tiến về phía trước còn có các tiểu cảnh “Khai hội mừng xuân”, “Đất phương Nam”, “Hoa trong hoa”, “Hoa đồng nội” và “Nối vòng tay lớn”. Ở phân đoạn 2 của đường hoa Nguyễn Huệ là giao lộ Nguyễn Huệ - Tôn Thất Thiệp nơi đặt quả cầu đồng hồ, điểm nhấn cho ý tưởng kết hợp giữa đường hoa và đường đèn chuyển tải thông điệp “Hãy ý thức từng phút, từng giây để bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta”. Ngoài ra, có khu vực dành riêng cho thiếu nhi với các tiểu cảnh thiết kế mang hình ảnh vui nhộn, rực rỡ màu sắc. Đặc biệt, đường hoa năm đó có đặt bộ nhạc cụ của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ để mọi người chiêm ngưỡng một loại hình nghệ thuật gần gũi vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Phân đoạn 3, đoạn kết của đường hoa Nguyễn Huệ mang chủ đề “Khát vọng”, ngoài những tiểu cảnh mang thông điệp cho chủ đề này có điểm nhấn là những bông hoa khổng lồ nhiều màu sắc, tượng trưng cho niềm tin, sự lạc quan của người dân thành phố hướng đến tương lai. 
Đường hoa Hàm Nghi - Tết Ất Mùi 2015
Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, do đường Nguyễn Huệ đang trong giai đoạn thi công thành quảng trường đi bộ nên đường hoa truyền thống Nguyễn Huệ Tết Ất Mùi 2015 được tổ chức trên đường Hàm Nghi, đoạn từ Phó Đức Chính đến Hồ Tùng Mậu, dài 510m với tên gọi “Đường hoa Tết Ất Mùi 2015”. Theo thiết kế, đường hoa Tết Ất Mùi ngoài phần đại cảnh chủ đề năm con dê với hình tượng gia đình dê núi ngay cổng vào còn có 3 phân đoạn chính với các tên gọi: Hào khí Việt Nam, Bản sắc Việt và Vinh quang Việt Nam. Hình tượng "gia đình dê núi" được họa sĩ Nguyễn Minh Phương và ê-kíp thực hiện lấy cảm hứng từ hình tượng chú dê núi Ninh Bình. Các chi tiết từ đôi sừng cong, đôi tai nhỏ, chòm râu dê, chiếc đuôi ngắn đều mang nét đặc trưng của dê núi, oai phong, đĩnh đạc trong tư thế ngẩng cao đầu trên ngọn đồi đầy hoa và đá, mắt cùng hướng về một năm mới xán lạn, một tương lai tốt đẹp. 
Ở phân đoạn “Hào khí Việt Nam”, các nghệ nhân thể hiện tinh hoa của người Việt thông qua những sản phẩm thủ công mỹ nghệ: hình ảnh búp bê Bắc - Trung - Nam, mái che hoa từ sáo tăm, kén hoa khổng lồ với chất liệu gỗ... Xen kẽ trên đoạn đường là những chú dê xinh xắn từ nhiều chất liệu như rơm, cừ tràm, vỏ gỗ kết hợp cùng nhiều loài hoa đa màu sắc. Ở phân đoạn “Bản sắc Việt”, mở đầu bằng hình ảnh hoa mai đại đóa khổng lồ mang thông điệp chúc du khách một mùa xuân đậm sắc mai vàng. 
Xuyên suốt trong phân đoạn này là những suối hoa, trụ hoa, kén hoa, sông hoa đầy màu sắc được bố trí cao độ khác nhau. Đặc biệt, đường hoa Ất Mùi năm 2015 đã dành một khoảng không gian cho hương vị của Ngày lễ Tình yêu (14.2) với hình ảnh những chiếc ghế tim hoa đơn như một lời chúc hạnh phúc cho những người đang tìm kiếm tình yêu và những người đã và đang được yêu. 

Đường hoa Nguyễn Huệ - Xuân Bính Thân 2016 

Năm nay, Tết Bính Thân 2016 đường hoa từ đường Hàm Nghi sẽ lại được dời về đường Nguyễn Huệ, giờ đã trở thành phố đi bộ đầu tiên ở trung tâm thành phố. Nếu một năm trước đây, đường hoa Nguyễn Huệ tạm ngừng hoạt động để dời về đường Hàm Nghi (cũng nằm trên địa bàn quận 1) để thành phố tiến hành cải tạo, xây dựng đường Nguyễn Huệ thành phố đi bộ là một sự kiện văn hóa - xã hội lớn thì năm nay việc thành phố quyết định dời đường hoa Hàm Nghi về lại phố đi bộ Nguyễn Huệ càng được người dân đồng tình. 
Vì đường hoa Nguyễn Huệ đã có một quá trình lịch sử văn hóa Tết từ trước năm 1975, sau khi hòa bình thống nhất đất nước cho đến ngày hôm nay có thể nói là đã nối tiếp truyền thống tốt đẹp ấy trên một dòng thời gian xuôi chảy trong tâm thức người dân thành phố đã trở thành biểu tượng văn hóa Tết Sài Gòn. Đường hoa Tết Nguyễn Huệ xuân Bính Thân 2016 dài 720m, mang chủ đề “TP.HCM - hòa bình, thịnh vượng và phát triển” sẽ được khai mạc vào tối 5.2.2016 (27 tháng Chạp). Đường hoa nối dài từ đường Lê Thánh Tôn tới đường Tôn Đức Thắng (Bến Bạch Đằng). Trong đó, đoạn từ giao lộ Lê Lợi - Nguyễn Huệ được chia làm 3 phân đoạn chính: đoàn kết - hòa bình, năng động - sáng tạo và hội nhập - thịnh vượng. Đường hoa sẽ theo mô hình thiết kế trong suốt 12 năm từ khi hình thành đường hoa Nguyễn Huệ (2004-2016), đó là đại cảnh cổng đường hoa với hình ảnh linh vật luôn nằm ở vị trí trung tâm. Năm nay, xuân Bính Thân nên gia đình khỉ của đường hoa Nguyễn Huệ sẽ được bố trí ở hai bên, chính giữa là đại cảnh Hoa Kết Đoàn nhiều màu sắc. 
Xuyên suốt trên đường hoa là các đại tiểu cảnh thể hiện sự đoàn kết, chung sức được bố trí theo cụm, bổ sung cho nhau tạo nên quang cảnh đa sắc. Bao gồm tiểu cảnh Lăng Kính Hoa, Bánh Xe Hoa, Hoa Tụ Hội với hình ảnh cách điệu từ trống đồng. Nhằm tạo độ cao, phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của người dân và du khách, Saigontourist - đơn vị được UBND TP.HCM giao tổ chức đường hoa - dùng khung kim loại có kết cấu chịu lực trong phần lớn đại tiểu cảnh đường hoa. Hình ảnh hồ sen, ruộng lúa vốn dùng gạch, xi măng, bạt nhựa chống thấm... sẽ được thay bằng hình ảnh khu vườn với ghế gỗ, hàng rào gỗ, chậu hoa treo mang hơi thở cuộc sống thành thị ở tiểu cảnh Vườn Xuân. 
Đơn vị tổ chức cũng bố trí những chiếc ghế (vốn là một phần của tiểu cảnh) tại khu vực Nhịp Sóng Hoa để du khách có thể nghỉ chân trong hành trình khám phá đường hoa, vừa có thể lưu lại, chụp hình kỷ niệm. Họa sĩ Nguyễn Minh Phương và ê-kíp thực hiện mô hình con giáp của đường hoa suốt 12 năm qua, năm Bính Thân này anh và ê-kíp thực hiện lại mang đến cho người dân thành phố một không khí lễ hội đường hoa Nguyễn Huệ thật ấm áp, dễ thương, yên bình… 
Riêng anh Nguyễn Minh Phương thì thật lòng chia sẻ: “Được góp phần thổi cái hồn vào mô hình con giáp cho đường hoa Nguyễn Huệ mỗi năm, phục vụ nhu cầu vui chơi, thưởng ngoạn đường hoa của người dân thành phố và người nước ngoài không chỉ là nhiệm vụ mà còn là niềm vui của anh và ê-kíp thực hiện”.
Võ Thu Sơn / Duyên dáng Việt Nam

Một Thế Giới