Trộm hoa ở hồ Hoàn Kiếm: Thói xấu khó bỏ!
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 15:51, 02/02/2016
Giáp Tết, những nhân viên trang trí hoa quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm không chỉ có nhiệm vụ tô điểm sắc hoa cho thành phố mà còn phải kiêm thêm một nghề vào ban đêm - nghề canh trộm, bảo vệ hoa.
Những ngày này, quanh khu vực ven hồ Hoàn Kiếm như được khoác màu áo mới với những bồn hoa, chậu hoa sặc sỡ sắc màu. Tuy nhiên theo một số người dân, tình trạng trộm cắp những chậu hoa này thường xuyên xảy ra.
Theo thông tin phản ánh, việc trộm cắp hoa trang trí là có thật và thường diễn ra vào ban đêm khiến cho nhiều công nhân trang trí hoa phải kiêm luôn cả việc canh trộm, bảo vệ hoa. Tất nhiên, họ cũng phải ngủ vật vã trên vỉa hè trong thời tiết rét buốt.
Chỉ cần đi dạo nửa vòng quanh hồ, không khó nhận ra nhiều chậu hoa thì bị “bốc hơi”, để lại những khoảng trống hoác. Theo một số nhân viên cây xanh cho biết, tình trạng này diễn ra mấy ngày hôm nay, đêm nào cũng mất gần mười chậu. Kẻ gian thường lợi dụng những lúc công nhân không để ý, lúc vắng người để trộm hoa.
Khi được hỏi về tình trạng mất trộm hoa thì chỉ nhận được những cái lắc đầu, xua tay và lời than thở từ các công nhân cây xanh: “Chán lắm. Tết sắp tới gần mà cứ trộm thế này thì bị phạt hết, còn đâu là Tết nữa”.
Được biết, những ngày trời lạnh, số lượng hoa bị mất tăng lên gấp đôi nên nhiều công nhân thường phải thay nhau túc trực ven hồ để canh hoa. Loại hoa bị trộm nhiều nhất là hoa đỗ quyên, giá bán ngoài thị trường giao động khoảng từ 100.000 - 300.000 đồng/chậu.
Để phòng trộm, nhân viên tại đây còn căng dây thép quanh các gốc hoa, móc xích các chậu hoa lại với nhau hoặc dùng rào chắn bằng thanh gỗ. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ "phòng được người ngay chứ không tránh được kẻ gian".
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, GS Ngô Đức Thịnh - nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng: “Hành động trộm hoa cũng chẳng khác nào phá hoa, bẻ hoa, đó là nét rất xấu của con người và văn hóa Việt Nam”.
“Vấn đề này ảnh hưởng rất nhiều tới văn hóa đón Tết của người Việt. Việc ăn trộm đã xâm phạm nghiêm trọng tới phẩm chất của con người, nếu nó trở thành hiện tượng phổ biến thì rất nguy hiểm. Hành động này khiến chúng ta xấu hổ với bạn bè quốc tế, chưa nói đến việc người nước ngoài sẽ nhìn dân tộc mình với cách nhìn rất đáng khinh”, ông Thịnh nói thêm.
Việc mất trộm trong những ngày cận Tết càng khiến cho nhiều người dân lo lắng, hoang mang về việc bảo vệ tài sản của mình cũng như tài sản chung của đất nước.
Theo luật sư Nguyễn Văn Tiên (Công ty luật Thanh Tùng), đây là tài sản của nhà nước, việc trộm hoa như vậy được khép vào tội “Trộm cắp tài sản”, nhưng tùy vào giá trị của tài sản đó mà sẽ xử phạt hành chính hay bị truy tố trách nhiệm hình sự.
Theo ghi nhận của phóng viên vào sáng 2.2, tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, các công nhân vẫn đang khẩn trương trang trí những chậu hoa để chuẩn bị cho năm mới.
Thu Anh