Ông Phó TGĐ “lĩnh lương gần 1 tỉ mỗi năm mà không kiếm được xu tài trợ nào” lên tiếng
Thể thao - Ngày đăng : 08:27, 01/10/2015
Ông Phạm Phú Hòa cũng như bầu Thắng nói rằng trách nhiệm tìm tiền là của tất cả, có lẽ là tất cả lãnh đạo VPF chứ không riêng gì cá nhân ông. Và khi VPF tìm không được thì đó cũng là trách nhiệm của chung VPF. Và cuối cùng tất cả cùng chịu trách nhiệm.
Trách nhiệm tập thể nghe rất quen nhưng cuối cùng chả ai chịu trách nhiệm cả. Nó không chỉ riêng trong VPF mà trong nhiều lĩnh vực khác. Câu nói “Trách nhiệm tập thể là… không ai chịu trách nhiệm cả” thời Tổng thư ký VFF Trần Bảy đã từng nêu lên và sau này ông Bảy còn hài hước kể lại rằng ở VFF (và sau này là VPF – NV) tồn tại một văn hóa rất hay là cứ quy trách nhiệm cho tập thể vì tập thể chịu trách nhiệm cũng có nghĩa chẳng cá nhân nào phải chịu trách nhiệm cả!”.
Ở đây chúng ta chỉ gói gọn trong bóng đá mà thôi. Ông Hòa nói chẳng sai, bóng đá Việt Nam trong hoàn cảnh này đi tìm tài trợ không khác gì như đi… ăn mày. Nói thật chất lượng V-League mà cao thì ông Hòa đã phất mạnh rồi. Trách ông Hòa một thì trách những người đứng đầu VPF, VFF và các CLB mười.
Thực tình trong mùa giải qua, nhất là từ giai đoạn hai V-League, “sóng” bảy trận V-League ở mỗi vòng đấu đều có để mà xem nếu ngồi trước máy tính hay truyền hình internet, đó là những điều mà bộ phận VPF nỗ lực làm được.
Chất lượng giải đấu, trong đó có vai trò rất lớn của VPF, của ông Hòa, ông Thắng và nhiều phía liên quan khác phải xem lại. Sản phẩm kém chất lượng… trưng ra bán cũng đã không được huống gì mang đi tiếp thị người ta. Đi chào hàng V-League bây giờ vẫn còn tư tưởng doanh nghiệp thương tình mà “cho” như trước đây Eximbank từng “cho” là may lắm rồi.
Những người đứng đầu VFF, VPF và các CLB hãy suy nghĩ rằng, người Việt Nam, nhất là những người ham mê xem bóng đá có bản chất rất tốt “giận thì giận, thương thì thương”, chẳng ai quay lưng hẳn với bóng đá nếu bóng đá biết tôn trọng họ. Đằng này bóng đá sống được là nhờ người hâm mộ, nhưng bản thân bóng đá Việt Nam và các CLB V-League quá xem thường người hâm mộ.
Quay trở lại với lứa cầu thủ học viện của bầu Đức. Khi đội này trong màu áo U-19 quốc gia đá ở TP.HCM (Cúp Nutifood) thử hỏi sân Thống Nhất ra sao? Và khán giả thủ đô đã nguội lạnh với bóng đá từ lâu, nhưng khi đội này đá giải Đông Nam Á mở rộng chuẩn bị cho vòng chung kết U-19 châu Á (cũng là giải Nutifood Cup) thì lại chật cứng khán giả.
Người Việt Nam xem bóng đá, tình yêu của họ dành cho bóng đá rất tỉnh táo. Đá hay, đá hết mình người ta kéo đến sân xem, đóng kịch, phản bội người ta tẩy chay, đó cũng là quy luật.
Quay trở lại với việc trách móc ông Hòa, trước tiên VPF, VFF và các CLB hãy cho ông Hòa sản phẩm có chất lượng đi để ông Hòa đi rao bán. Một khi sản phẩm có chất lượng cao mà ông Hòa bán không được lúc đó “trảm” ông cũng chẳng muộn.
Trước đây có lần tác giả trò chuyện với người đứng đầu công ty tiếp thị thể thao Strata, ông Kashmiri nói: “Tôi không hiểu nổi VFF đã có một người Phó chủ tịch chuyên trách tiếp thị, vận động tài trợ nhưng trong quá trình đàm phán, ông này ông thể đưa ra bất cứ điều gì mang tính quyết định. Cái gì nêu ra ông ấy cũng bảo phải về họp mới quyết được. Vậy vai trò của ông ấy là gì? Khi chúng tôi làm việc với đối tác thì đã lên lịch nửa tháng, một tháng. Nhưng khi đã lên lịch gặp nhau để đàm phán thì cũng chả giải quyết được gì vì đối tác không quyết được. Điều này làm chúng tôi nản thực sự vì tốn quá nhiều thời gian và chả hiểu vai trò cụ thể của phía đối tác, người thương lượng là gì, giới hạn quyền lực của họ là gì?.
Phớt lờ qui định, TMV Kangnam ngang nhiên quảng cáo “câu” khách hàng
TÚ ÂN