10.000 giảng viên sẽ được cử đi đào tạo nước ngoài
Giáo dục - Ngày đăng : 16:58, 19/12/2013
Đề án “Hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020” đặt mục tiêu đến năm 2020, phát triển một số cơ sở giáo dục đại học và dạy nghề đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo và dạy nghề tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của các nước; tiến tới công nhận văn bằng, chuyển đổi tín chỉ và kỹ năng nghề giữa Việt Nam với các nước ASEAN và các nước khác trên thế giới; tăng cường quy mô học sinh, sinh viên, học viên nước ngoài đến học tập tại Việt Nam; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục và dạy nghề các cấp phục vụ hội nhập quốc tế.
Trong giai đoạn 2014-2015, phấn đấu xây dựng 3 trường đại học xuất sắc; tuyển chọn khoảng 3.000 giảng viên gửi đi đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài, mỗi năm tiếp nhận khoảng 300 lượt sinh viên, học viên và 300 lượt giảng viên quốc tế đến học, giảng dạy và nghiên cứu tại VN; đến năm 2015 có khoảng 50 chương trình đào tạo đại học được các tổ chức quốc tế có uy tín kiểm định.
Phấn đấu đào tạo, bồi dưỡng khoảng 4.500 lượt giảng viên đại học, CĐ,TCCN, 60.000 lượt giáo viên phổ thông, 25.000 lượt giáo viên mầm non, 4.100 lượt giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề phục vụ hội nhập quốc tế.
Các sinh viên, đặc biệt là sinh viên 3 trường đại học xuất sắc và 5 trường nghề đạt cấp độ quốc tế và có khả năng học tập tiếp tục hoặc làm việc tại các trường trong khu vực và thế giới.
Giai đoạn 2016-2020, phấn đấu nâng tổng số trường đại học xuất sắc lên 05 trường; tổng số trường nghề đạt cấp độ quốc tế lên hơn 10 trường; tuyển chọn khoảng 7.000 giảng viên gửi đi đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài…
Phấn đấu xây dựng 5 trường nghề đạt cấp độ quốc tế; tiếp nhận và sử dụng 49 chương trình, giáo trình dạy nghề cấp độ khu vực ASEAN và 26 chương trình, giáo trình dạy nghề cấp độ quốc tế.
Một trong những nội dung hoạt động chính của Đề án là đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục đại học, trong đó ưu tiên tăng cường cơ sở vật chất theo hướng hiện đại theo chuẩn khu vực và quốc tế. Trước mắt tập trung xây dựng và phát triển các trường: Trường Đại học Việt Đức, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ Việt - Nga.
Theo Dân trí
Ảnh bìa chỉ mang tính chất minh họa. (Nguồn Báo GD&TĐ)